Lại được "mời" giữa đường.

Lẽ ra giờ này tôi đang ở Hà Nội, theo lời mời của đại sứ quán Canada và Na Uy để tham dự buổi trao đổi về các quyền hợp pháp và quy trình thủ tục pháp lý trong bối cảnh Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam vào lúc 10 giờ sáng thứ Ba, ngày 4/11/2014.
Tuy nhiên một lần nữa tôi lại bị bắt cóc giữa đường vào lúc 17:30 tại khu vực sông Lô, đường đi sân bay Cam Ranh - nơi khá hoang vắng vì ít người qua lại.
Lần trước là vào ngày 29/7/2014, trên đường đi dự hội thảo truyền thông của ĐSQ Úc, họ cũng đã chặn xe và lôi tôi về đồn CA tỉnh Khánh Hòa.

Tôi không phải là người Việt Nam duy nhất được đại sứ quán mời, do đó không có gì là ngạc nhiên khi an ninh biết chuyện tôi sẽ đi Hà Nội để trao đổi với các đại sứ quán nhằm góp phần giúp đất nước Việt Nam cải thiện nhân quyền như chính nhà nước Việt Nam đã hứa hẹn và cam kết sau khi trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Quốc tế.

Sau khi dẫn độ tôi từ khu vực sông Lô về phòng làm việc, đội An ninh Điều tra (PA 92), Công an tỉnh Khánh Hoà đã lục soát hành lý cá nhân của tôi. Và khi không tìm thấy máy ghi âm hay thư từ gì thì họ cứ ngồi đó im lặng.
Theo nhận xét của tôi, họ chỉ cần tôi ngồi đó để qua giờ khởi hành chuyến bay của tôi.

Mãi lúc sau, một nhân viên an ninh mới hỏi tôi rằng được biết ngày mai công an có gửi giấy mời tôi lên làm việc tiếp nhưng giờ tôi lại đi sân bay, liệu tôi có thể cho biết tôi đi đâu và tại sao không chấp hành giấy mời không?
Tôi đã trả lời rất rõ ràng với người an ninh hỏi tôi sau khi đã cưỡng chế tôi:
- Lúc chiều khi làm việc, tôi đã nói rõ quan điểm về việc tạm giữ đồ đạc của mình, và tôi không đồng ý với kiểu sử dụng thủ thuật câu giờ của công an nên tôi không làm nữa.
Cứ thế, tôi ngồi đó không làm việc thêm nội dung nào cho đến 21h thì điều tra viên Đỗ Bảo Liêm xuất hiện, thông báo công an sẽ tạm giữ giấy phép lái xe của tôi và yêu cầu tôi đến làm việc vào 8h sáng ngày mai (4/11/2014) thì họ sẽ trả lại giấy tờ tuỳ thân đồ đạc cho tôi.

Tôi đã không đồng ý, ngồi yên tại chỗ và đề nghị lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe của tôi.

Sau gần 20 phút hội ý về chuyện biên bản, ông Liêm lại xuất hiện, lúc này có thêm 4 công an nam trẻ hơn mặc quân phục nữa yêu cầu tôi ra khỏi phòng làm việc vì hết giờ.

Tôi vẫn ngồi im, không trả lời.

Và kết quả là họ đã xúm lại, khiêng tôi ra khỏi đồn công an. Những CA nữ đã khiêng tôi với sự trợ giúp của các CA nam. Khi ra đến gần cổng, tôi có nghe ai đó nhắc rằng chỉ để nữ lôi tôi ra, những người mặc sắc phục không nên chạm vào tôi nữa. Tôi bị vứt ra khỏi trụ sở công an tỉnh, sau đó tiếp tục bị khênh vào xe taxi chở thẳng về nhà.

Quay trở lại chuyện làm việc lúc 2h chiều nay ở công an tỉnh theo giấy mời được gửi lúc 11h trưa.


Lý do để có buổi làm việc này là vì trước đó vào ngày 21/10/2014, tôi đã gửi đơn đến giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà yêu cầu làm rõ việc tịch thu, tạm giữ trái phép giấy tờ tuỳ thân cùng đồ đạc của tôi. Tôi cũng tuyên bố rõ là đúng 1 tháng sau ngày gửi đơn tôi sẽ tuyệt thực trước công an tỉnh 1 tuần.


Tuy nhiên chiều nay trong buổi làm việc với tôi, điều tra viên Đỗ Bảo Liêm thông báo rằng việc công an tạm giữ đồ của tôi là do các bài viết trên blog, facebook cá nhân của tôi đã đăng tải thông tin xấu, sai sự thật từ năm 2009 cho đến nay nên việc tạm giữ đồ của tôi để phục vụ công tác điều tra là đúng quy định pháp luật.

Tôi không cãi, chỉ nói thẳng: Nếu tiếp tục tạm giữ đồ thì bây giờ tôi về, không làm việc tiếp nữa.

Sau đó công an kêu tôi đợi chừng 30p thì thông báo là “cơ quan quyết định trả đồ cho chị”. Tôi ngồi im lặng, xem an ninh lập biên bản trao trả đồ vật mất hơn 30p nữa, khi phát hiện họ cố tình câu giờ và chỉ trả chứng minh nhân dân cho tôi thì tôi đứng lên và đi về.
Họ cũng yêu cầu tôi không dịch đơn yêu cầu đã gửi cho ông giám đốc công an tỉnh ra tiếng Anh để gửi cho đại sứ quán Úc, cùng không được tuyệt thực trước trụ sở cơ quan công an vì như thế sẽ bị ghép vào tội gây rối trật tự công cộng do làm ảnh hưởng đến công việc của họ.

Trong chuyện này, từ đầu đến cuối, tôi biết rõ rằng công an hoàn toàn không có thiện chí giải quyết đơn yêu cầu của tôi. Việc cử đúng người tịch thu đồ của mình là điều tra viên Đỗ Bảo Liêm ra lập biên bản lời khai  với tôi chiều nay thể hiện rõ đây không phải một buổi làm việc giải quyết khiếu nại của công dân. Bên cạnh đó việc gửi giấy mời lúc 11h và yêu cầu tôi đến làm việc vào lúc 2h cùng ngày, rồi tiếp tục gửi tiếp giấy mời yêu cầu tôi làm việc vào 8h sáng hôm sau bất chấp việc tôi không đồng ý với cách giải quyết khiếu nại của công an cho thấy rõ họ quyết tâm ngăn cản tôi. đi khỏi Nha Trang

Đặc biệt họ còn chuẩn bị sẵn ba chồng hồ sơ khá dày để yêu cầu tôi xác nhận là các bài viết của tôi được in ra từ blog và facebook. Phải chẳng đây là một thông điệp gián tiếp gửi cho tôi về trường hợp của blogger Trương Duy Nhất, Anhbasam Nguyễn Hữu Vinh và sợi dây thòng lọng của điều 258?

Quan điểm làm việc của tôi với cơ quan điều tra trước sau rất rõ ràng: anh tịch thu đồ đạc của tôi để cầm chân tôi không cho tham dự hội thảo thì hãy giải quyết việc đó rõ ràng.
Chuyện làm việc về các nội dung viết trên blog và Facebook là quan điểm cá nhân và là quyền bày tỏ thái độ của tôi, nếu có nội dung "xấu" và "không đúng sự thật" thì hãy sử dụng nghiệp vụ và tách rõ nó ra trong một nội dung làm việc cụ thể chứ đừng nhập nhằng chuyện tạm giữ tài sản công dân để yêu cầu tôi làm việc theo ý của cơ quan ANĐT.

Hôm nay, tôi bị tịch thu giấy phép lái xe mà không có biên bản tạm giữ với lời nhắn "sẽ trả đồ và giấy tờ cho tôi nếu tôi đến làm việc vào 8h sáng ngày mai".
Một lần nữa, tôi bị tước quyền công dân trước khi có bất kỳ phán quyết nào của toà.
Và tôi vẫn sẽ giữ nguyên ý định tuyệt thực trước trụ sở công an tỉnh cho đến khi nào các tài sản bị tạm giữ trái phép của tôi được trao trả vô điều kiện.

Tại sao không là người khác mà là tôi???

Hai ngày sau khi bị câu lưu trái phép hơn 9 tiếng đồng hồ tại phòng họp của Đội An ninh Điều tra (PA92), công an tỉnh Khánh Hoà, vào ngày 1 tháng 8, 2014 tôi  chủ động quay lại đồn công an để  làm rõ việc tạm giữ giấy tờ tuỳ thân (chứng minh nhân dân) và tài sản cá nhân (điện thoại) của tôi.

Đại diện cơ quan ANĐT, Thượng uý Đỗ Bảo Liêm (378-117) đã trả lời: Cơ quan ANĐT vẫn tiếp tục tạm giữ tài sản cá nhân của tôi để phục vụ cho công tác điều tra, và hỏi xem tôi có ý kiến gì không.

Tôi trả lời nhẹ nhàng: Với tôi, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Những điều này được ghi rõ trong biên bản làm việc do cơ quan ANĐT cất giữ.

Cần quay trở lại việc tôi bị câu lưu ở trụ sở công an khi đang trên đường ra sân bay đi Hà Nội để tham dự hội thảo “Truyền thông phi nhà nước tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” do đại sứ quán Úc tổ chức. Đại diện cơ quan ANĐT đã phối hợp với Cảnh sát Giao thông chặn xe tôi ngay trên đường, không xuất trình giấy mời, giấy triệu tập hay bất kỳ văn bản nào thể hiện việc họ “mời” tôi về trụ sở làm việc.

An ninh cũng đã khống chế và tước điện thoại trên tay tôi ngay khi vừa áp sát xe. Đây là hành động mà cá nhân tôi đánh giá là vi phạm pháp luật, tự tung tự tác và lạm quyền.

Gia đình, người thân và bạn bè không ai biết tôi ở đâu, làm gì trong suốt gần 9 tiếng đồng hồ, và tôi lỗi hẹn với nhiều người, làm gián đoạn công việc, tổn thất tài chính, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của tôi. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những việc này?

Thượng uý Đỗ Bảo Liêm đã hỏi vì sao tôi không đến cơ quan ANĐT làm việc theo giấy triệu tập vào sáng ngày 30/07/2014?

Tôi đã trả lời rất rõ ràng việc câu lưu và tạm giữ giấy tờ tuỳ thân cũng như tài sản cá nhân của tôi trước đó là hành động không đúng luật vì thế không có lý do gì để tôi tuân thủ giấy triệu tập khi nó được ban hành trong tình huống ấy.

Ông Liêm cho biết: Mọi việc cơ quan ANĐT làm đều có báo cáo lên lãnh đạo và có chỉ đạo.

Nói như vậy, khác nào luật pháp ở đây là khái niệm có thể biến chuyển tuỳ tiện và áp dụng tuỳ lúc tuỳ theo ý muốn của lãnh đạo?

Tôi không tranh cãi, vì tôi hiểu áp lực các ông phải chịu khi nhận lệnh từ cấp trên, và cũng vì ngay chính một người đồng sự của ông cũng đã nói với tôi rằng tôi khác các ông vì tôi tự do, không bị ràng buộc bởi trách nhiệm cũng như áp lực từ lãnh đạo.

Nhưng tôi cũng nhắc lại ở đây để các ông biết vì sao tôi phản ứng bằng cách bất tuân phục vào chiều ngày 29/07/2014 để phải bị khiêng vào phòng họp.

Tôi không chấp nhận cách hành xử vô lối và trái luật của lực lượng công an, và tôi chỉ có thể thể hiện thái độ của mình một cách cứng rắn như thế như là câu trả lời cụ thể cho những hành động không phù hợp với quy tắc ứng xử của những người văn minh.

Việc cơ quan ANĐT xáo tung đồ đạc của tôi, tịch thu trái phép (hay còn gọi mỹ miều là tạm giữ) khi chưa thông báo cụ thể lý do vì sao tôi bị câu lưu cũng là một cách hành xử tuỳ tiện thiết nghĩ cần phải thay đổi.

Phục vụ công tác điều tra gì khi tạm giữ giấy tờ tuỳ thân của công dân? Và điều tra gì với CMND của tôi khi hồ sơ, lý lịch tôi đã có ở phòng PA92 từ năm 2009 lúc bắt giữ tôi? Việc tạm giữ giấy tờ tuỳ thân của tôi đến lúc này có thể nói thẳng ra là để kiếm soát, hạn chế quyền tự do đi lại của tôi.

Hôm nay, một viên an ninh đã nói với tôi: Phải đặt câu hỏi vì sao tôi đang đi ngoài đường mà bị mời như vậy trong khi không một bà hàng rau, một người bất kỳ nào đó? Và việc tôi tham dự hội thảo do đại sứ quán Úc tổ chức là đúng đắn (hợp pháp) sao?

Tôi không trả lời vì không muốn mất thêm thời gian sau khi đã hoàn tất điều mình muốn biết.

Nay tôi trả lời ở đây:

Việc "mời" tôi vô lối như vậy thể hiện sự tuỳ tiện của cơ quan công an, muốn mời ai là mời, bắt giữ ai là bắt giữ. Đã có nhiều cái chết, nhiều người tự vẫn trong đồn công an sau khi nhận lời mời chính thức hoặc không chính thức như vậy. Điển hình là nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hoà (Phú Yên) và đến giờ ông Lê Đức Hoàn (Phó trưởng Ca TP Tuy Hoà) vẫn đang chối bỏ trách nhiệm liên đới khi mời công dân từ sáng đến chiều đã chết.

Hội thảo do đại sứ quán Úc tổ chức không phải là cuộc gặp gỡ vi phạm pháp luật Việt Nam, bằng chứng là nó được tổ chức công khai ở đại sứ quán và thư mời được gửi rộng rãi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam.  Nếu có bằng chứng đó là một hội thảo tổ chức trái phép, cơ quan ANĐT hãy công bố để tôi có thêm thông tin.

Tại sao là tôi mà không là người khác?

Vì tôi ý thức được quyền và phẩm giá của mình.

Tại sao là tôi mà không là người khác?

Vì tôi không im lặng chấp nhận những hành vi, những cáo buộc vô cớ đối với mình và tôi luôn nỗ lực để dành lại quyền con người mà lẽ ra mọi công dân Việt Nam đều phải được thụ hưởng một cách công bằng chứ không phải ban phát.

Tại sao là tôi mà không là người khác?

Vì tôi ý thức được trách nhiệm của mình để lên tiếng với cộng đồng thế giới về những vi phạm về quyền con người đối với cá nhân tôi và với người khác.

Bỏ qua tất cả những khác biệt về chính kiến, về vị trí công việc và nhiệm vụ, tôi và một số an ninh nữ vẫn là những người phụ nữ bình thường, là mẹ của những đứa con nhỏ. Và hẳn là tôi và quý vị luôn muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình. Chúng ta không có sự khác biệt khi ở vị trí là người mẹ, vì vậy, tôi không muốn có xung đột. Tôi tôn trọng công việc của quý vị, với một điều kiện duy nhất nó phải hợp lý và đúng luật.

“Stop Police Killing Civilians” – Vì sao tôi quan tâm?


Khái niệm về ý nghĩa của luật pháp, chắc chắn sẽ được diễn giải theo nhiều cách khác nhau dưới góc độ học thuật, nhưng tôi nghĩ, mục đích cao cả nhất của nó chính là để giữ gìn kỷ cương trật tự và đảm bảo tính công bằng trong xã hội.

Như những người khác, quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội, tôi nhận thấy có rất nhiều người xung quanh mình cũng có chung mối quan tâm như tôi. Tuy nhiên, vì đặc thù công việc, hoàn cảnh mưu sinh khác nhau, đa phần chỉ đọc để biết, nếu có đặt vấn đề thì chỉ giữ trong lòng hoặc chỉ chia sẻ trong vòng thân quen chứ ít khi bày tỏ vấn nạn một cách công khai, đặt vấn đề tại sao, vì đâu và liệu chính chúng ta có thể làm gì để thay đổi tình trạng này ngay tại vị trí của mình.

Theo dõi  tình trạng công an sử dụng bạo lực với công dân cách đây vài năm, điều tôi có thể rút ra đó là vấn nạn này ngày càng trở nên nghiêm trọng, và luật pháp lại không nghiêm minh trong khi xử phạt các công an viên đã đánh đập người dân, thậm chí là đánh chết.

Trong số 31 ca tử vong tại đồn công an theo thống kê sơ bộ trên báo chí từ năm 2007 đến nay, một số ca không qua xét xử, một số ca không có thêm thông tin. Mức án nặng nhất cho việc công an (dân phòng) đánh dân đến chết (tại trụ sở) hiện là 8 năm tù giam và tội danh ở từng vụ cũng được định đoạt khác nhau.
Có vụ được xét xử với lý do “dùng nhục hình”, vụ khác lại là “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.

Tệ nhất là những vụ có kết luận “tự tử” trong đồn (hoặc nhà tạm giữ, trại giam) thì hầu như đều không được đưa ra xét xử dù gia đình nạn nhân có khiếu nại và không đồng ý với những giải thích chưa thoả đáng.

Nạn nhân không những bị chết oan mà còn chết trong tình trạng danh dự bị xúc phạm với nhãn hiệu "tự tử". Nhãn hiệu này tạo hình ảnh một nạn nhân có tội, phải tự tìm cái chết để thoát.

Ca điển hình của tình trạng này chính là trường hợp của nạn nhân Nguyễn Công Nhựt (Bình Dương).

Có một số vụ án được dư luận quan tâm và toà án buộc phải xem đó như “án điểm”, tuy mức án xử phạt chưa thoả đáng, nhưng thực tế cho thấy sự kiên quyết đi đến cùng của gia đình và sự quan tâm của công luận cũng là yếu tố quyết định liệu công lý có được thực thi hay không.

Chính vì lý do này mà tôi luôn muốn những người có kinh nghiệm có điều kiện chia sẻ với nhiều người khác những gì họ đã trải qua, càng có nhiều người thảo luận thì càng có thêm nhiều kiến thức để bảo vệ nhau.

Rất nhiều lần làm việc với công an, gặp nhiều người, đối diện với nhiều thái độ, nhiều cách cư xử khác nhau của họ tôi nhận ra rằng, phần lớn công an tin mình có quyền lực và họ không thấy sai khi bảo vệ sự nghiệp của họ bằng đủ biện pháp trong đó có cả bạo lực.

Đơn cử như việc công an và dân phòng đánh đập các blogger Trịnh Kim Tiến, Paulo Thành Nguyễn, Phạm Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở trên xe hôm 19/04/2014 để ngăn chặn và trấn áp không cho chúng tôi và các bạn trong Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) thực hiện buổi café Nhân Quyền thảo luận về vấn nạn công an sử dụng bạo lực với dân tại quán Swing là một ví dụ cụ thể.

Ngay trong đồn công an Lộc Thọ, trung tá Huỳnh Văn Sang còn cho rằng những công an viên đánh người đã bị cách chức, bị xử lý theo pháp luật như vậy chưa đủ sao?

Nói như vậy có nghĩa là công an mặc nhiên coi chuyện đánh dân là hợp pháp? Và nếu bị phát hiện thì chuyện xử lý là đã đủ để xem như hình thức xử phạt công bằng? Chính ông Sang liên tục nhắc đi nhắc lại với tôi: “nên nhớ những người bị công an đánh đều là tội phạm”. Và tôi cũng đã thẳng thắn trả lời: “Vậy đánh tội phạm là đúng? Luật pháp để làm gì? Và như lúc nãy tôi có phải là tội phạm không sao công an và dân phòng đánh tôi?”

Chính mắt tôi đã thấy tay an ninh thường phục đánh liên tiếp vào đầu Paulo Thành Nguyễn, tát vào mặt Trịnh Kim Tiến trước sự chứng kiến của công an ngay trong đồn công an Lộc Thọ, và họ giả lả ngó lơ.

Họ liên tục đập bàn, quát nạt khi chúng tôi dùng lý lẽ để phản đối.

Điều này cho thấy tâm lý chung là công an dễ dàng sử dụng bạo lực khi đuối lý, bất lực và để chứng tỏ họ có sức mạnh.

Chưa đủ, một đại tá an ninh tên Trần Hoàng Hà tại Nha Trang còn tuyên bố đầy vẻ đe dọa và thách thức với blogger Paulo Thành Nguyễn: "Còn quay lại Nha Trang là còn bị đánh nữa".

“Stop Police Killing Civilians” – “Chấm dứt tình trạng công an đánh chết dân”, chính câu này đã làm hầu hết công an tham gia trấn áp buổi café Nhân Quyền lần 3 của MLBVN thấy khó chịu và bực tức. Có người trong số họ còn doạ sẽ kiện vì câu này đề cập chung đến công an và họ nằm trong số đó.

Với tôi, khẩu hiệu này chính là một vấn nạn, giống như vấn nạn xì ke ma tuý, trộm cướp, tham ô, tham nhũng... và bất cứ ai quan tâm đều có cách thể hiện của mình để góp phần chấm dứt nó bằng các câu như  “Chấm dứt tình trạng xì ke ma tuý”, “Chấm dứt tình trạng trộm cướp”, “Chấm dứt tình trạng tham ô, tham nhũng”.... Bất cứ ai quan tâm đều có cách thể hiện của mình để góp phần chấm dứt nó.

Anh an ninh tên Dương làm việc với tôi có nhắc tôi rằng, vấn nạn tôi quan tâm là một chủ đề lớn, trong khi điều mà tôi thể hiện qua câu khẩu hiệu trên lại chỉ là một góc nhìn phiến diện, và qua nhiều lần làm việc với tôi về nhiều vấn đề anh nghĩ rằng tôi chọn cách thể hiện chưa đúng.
Tôi tôn trọng quan điểm của anh. Nhưng đó phải được xem là quan điểm cá nhân và không phải là "quan điểm" luật pháp. Vì thế tôi không tranh cãi với anh, tôi chỉ nhắc lại chuyện cách đây 4 năm, năm 2009, khi tôi bị bắt liên quan đến vấn đề khai thác bauxite. 4 năm sau, thực tế đã chứng minh dự án có vấn đề và tôi lại thấy góc nhìn của tôi lúc ấy là đúng.

Muốn có một góc nhìn đúng sao không để chúng tôi thảo luận và quan sát rồi hãy chứng minh chúng tôi nói sai. Và chuyện đúng sai hoàn toàn không đồng nghĩa với đúng luật và sai luật. Hơn nữa, phán xét nó là trách nhiệm của toà án chứ không phải của công an. Tự do thực sự theo quan điểm của tôi là mọi người có quyền bày tỏ công khai điều mình nghĩ mà không bị cơ quan chức năng kiếm cớ gây sự rồi trấn áp thế này.

Tôi có nhiều bạn bè, mỗi người một mối quan tâm, một cách thể hiện, hầu như chưa bao giờ chúng tôi thúc giục hay áp đặt nhau phải làm gì trước mỗi vấn đề mình quan tâm, bởi nhận thức là cái không thể ban tặng khi người ta có đủ trí khôn và đủ điều kiện tiếp cận thông tin.

Với chủ đề thảo luận về tình trạng công an sử dụng bạo lực với dân được thông báo một cách công khai của Mạng Lưới Blogger Việt Nam và cách hành xử của lực lượng an ninh trong ngày 19/04/2014 đã cho tôi thấy rằng, bạo lực là biện pháp cuối cùng được sử dụng khi không thể viện dẫn lý lẽ để bảo vệ sự đúng đắn. Hay nói một cách khác, khi sợ hãi, người ta sẽ dùng nắm đấm để khẳng định sức mạnh của mình.

Chính điều này càng thúc giục tôi đi tới, để nói và chia sẻ với nhiều người thêm biết về quyền của mình và vượt qua sợ hãi từ những sinh hoạt bình thường nhất.

Và tôi biết tôi sẽ không bao giờ cô đơn. Chung quanh tôi vẫn luôn có đó những người bạn đồng hành can đảm, những người cùng quan tâm, cùng ước muốn hết lòng hỗ trợ.





Nhát chém, sự phẫn nộ và niềm tin.



Chiều ngày 3/04/2014, sau khi Toà án Nhân dân Thành phố Tuy Hoà tuyên án 5 công an sử dụng bạo lực đánh chết nạn nhân Ngô Thanh Kiều với mức án nặng nhất là 5 năm tù giam.
Dư luận phẫn nộ, có người còn cho rằng đây là “một nhát dao chém thẳng vào mặt nhân dân”.

Tôi nghĩ, đây đâu phải là lần đầu nhân dân bị chém (nếu hiểu theo cách trên).
Tháng 12/2010, tôi có viết bài “Năm nay là năm của các anh” (1) trong đó tổng kết sơ có hơn 10 vụ công an sử dụng bạo lực tuỳ tiện với dân và tình trạng chết người ở đồn công an
Con số không dừng lại ở đó.
Cuối năm 2011, với bài viết “Năm nay lại là năm của các anh” (2) điểm sơ qua có hơn 20 vụ việc đã xảy ra. Nguy hiểm hơn ở chỗ mức độ tàn ác của công an ngày càng gia tăng qua việc đánh gẫy cổ, còng tay bắt giam nạn nhân Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội) đến chết trong đói khát, và tra tấn dã man nạn nhân Nguyễn Công Nhựt (Bình Dương) rồi kết luận anh tự tử trong đồn.

3 năm sau, ngày càng thêm nhiều vụ xảy ra, nực cười nhất là mỗi lần có người chết trong đồn công an lại có kết luận cho rằng “nạn nhân tự tử”, sự việc xảy ra không chỉ với đàn ông thanh niên, trung niên mà cả đến phụ nữ và trẻ em cũng bị đánh đập và chết.

Tôi lấy làm ngạc nhiên bởi không có báo nào đưa ý kiến hay phát biểu của người chịu trách nhiệm cao nhất là ông Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an sau những bê bối có liên quan đến sinh mạng người dân do ngành ông gây ra. Không một câu xin lỗi, không một bản án nghiêm trị hành vi sát nhân có tính chất côn đồ được công bố.
Nhiều người trong số các gia đình nạn nhân im lặng chấp nhận sự oan trái này một cách cay đắng. Những người khác chọn cách tiếp tục lên tiếng và đòi hỏi sự công bằng và cái họ nhận được là sự im lặng khó hiểu.

Không phải đến khi nạn nhân Ngô Thanh Kiều (Phú Yên) bị đánh chết người dân mới phẫn nộ. Họ đã phẫn nộ và để sự phẫn nộ ấy trôi qua trong im lặng vì nhiều lý do.

Một trong những lý do ấy là sự buông xuôi và thiếu vắng sự đồng hành của cả xã hội trước vấn nạn này.
Đụng đến công an hình như ai cũng sợ, nhất là khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đã lên tiếng cho rằng lực lượng công an “thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ”
Đại biểu quốc hội cũng sợ, những người có tiếng nói, có trách nhiệm cũng sợ, vậy người dân biết làm gì?

Năm 2011, bản án 4 năm tù giam dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh sau khi đánh chết nạn nhân Trịnh Xuân Tùng với tội danh “làm chết người trong khi thi hành công vụ” đã không là bản án cảnh cáo nghiêm minh cho lực lượng công an. Thì năm 2014, bản án 5 năm tù giam dành cho thiếu uý Nguyễn Thân Thảo Thành sau rất nhiều né tránh lại sẽ khiến vấn nạn công an sử dụng bạo lực với dân ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi ông Lương Quang – chánh án Toà án nhân dân Thành phố Tuy Hoà trả lời với báo chí rằng:  
"Nạn nhân Ngô Thanh Kiều dù sao vẫn là một công dân. Khi “đụng” vào công dân thì phải có chế tài can thiệp, chứ đâu phải muốn làm gì là làm. Nhưng mà nói cũng phải có đầu có đuôi, anh em (tức công an - PV) thức đêm thức hôm theo dõi, điều tra vụ trộm, họ cũng tức. Nhưng mà cái tức đó quá đáng, dẫn đến hậu quả. Nhưng người ta nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, 5 năm còn gì nữa. Dư luận nói nhẹ, tôi cho cũng đúng. Cũng có luồng ý kiến nói thế là vừa rồi, có ý kiến nói mức án có phần nghiêm khắc, tôi thấy khía cạnh nào cũng có." (3). “5 năm còn gì nữa” (?), mức án 5 năm mà bị cáo Thảo phản đối vì bị coi như con tốt thí trong vụ án này là nghiêm khắc ư?? 

Công dân Ngô Thanh Kiều bị bắt giam có đúng trình tự quy định của pháp luật không? Và xét xử 5 bị cáo với tội dung nhục hình là đã đúng người, đúng tội chưa?
Tôi e là chưa. Hành vi đánh người trong khi nạn nhân bị bắt giam một cách tuỳ tiện không phải là sử dụng nhục hình mà là hành vi đánh chết người.
Chừng đó con ngừoi thay nhau tra tấn nạn nhân không có quyền chống cự cho đến chết không thể sửa thành tội “dùng nhục hình” - đó là tội giết người.

 "Đây là vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?)" – Chánh án Lương Quang (TAND Tp Tuy Hoà) -(4) - hẳn người đọc cũng đã thấy, luật pháp là thứ được sử dụng để bảo đảm mối quan hệ.
Mối quan hệ nào ở đây nếu không phải là mối quan hệ lợi ích, mối quan hệ giai cấp bảo vệ chế độ? Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (1 trong 5 công an viên đánh chết người) là con trai ông Phạm Ưng, nguyên Trưởng ban Tỉnh uỷ tỉnh Phú Yên, phải chăng là mối quan hệ khó xử???

Họ đã chém thẳng vào mặt nhân dân bằng những bản án bất công như thế, nhân dân có phẫn nộ không?
Nếu không, hãy cứ im lặng chấp nhận và cầu mong rằng mình sẽ không bị rơi vào thảm cảnh ấy.
Nếu có, xin hãy đồng hành và lên tiếng cùng gia đình các nạn nhân ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào.

Đã đến lúc phải nói thẳng là tôi không có niềm tin rằng luật pháp nghiêm minh với tất cả mọi người, và mọi hô hào cải cách tư pháp chỉ là trò diễn tuồng.
Khi bạn không tin bạn sẽ làm gì?
Cá nhân tôi, tôi sẽ không để sự phẫn nộ và niềm tin của mình trôi qua trong vô vọng.





Trẻ tử vong vì vaccine viêm gan B – chuyện chưa có hồi kết?


Ngay từ đầu tháng 4, sau một thời gian im lặng, cơ quan điều tra Việt Nam – một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới đã cung cấp thông tin đồng loạt cho các báo đăng tải liên quan đến việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B tại bệnh viện Hướng Hoá (Quảng Trị).
 
Bản tin trên báo Lao Động ngày 2 tháng 4 viết như sau: Y tá Nguyễn Thị Thuận (BVĐK huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã bị bắt tạm giam về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. Tình tiết mới nhất: Y tá Thuận đã chỉ ra nơi cất giấu 3 vỏ lọ thuốc tiêm gây tử vong cho 3 trẻ sơ sinh và điều khiến dư luận bàng hoàng là... thay vì vaccine, y tá Thuận đã tiêm nhầm thuốc gây mê Esmeron….

Khai nhận của y tá Thuận tại cơ quan điều tra phù hợp với thực tế diễn tiến sự việc: Thuốc được tiêm nhầm là Esmeron – một loại thuốc gây mê có chức năng hỗ trợ gây mê toàn thân để đặt nội khí quản, để tạo dãn cơ trong phẫu thuật.

Về vỏ lọ, một BS chuyên ngành phòng dịch ở Hướng Hóa nói, hai loại vỏ lọ đựng vaccine viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh và đựng thuốc gây mê Esmeron có kích cỡ gần bằng nhau, chỉ một 9 một 10, cũng có nắp đậy caosu giống nhau; điểm khác nhau chủ yếu là dung dịch vaccine 0,5ml/ống, trong khi Esmeron chứa dung dịch nhiều gấp 5 lần.

Chi tiết này cho thấy y tá Thuận đã không thực hiện nguyên tắc “3 tra 5 đối” (3 kiểm tra, 5 đối chiếu - trong đó có kiểm tra tên thuốc) trong hành nghề: Sau khi hút vào ống tiêm cho trẻ sơ sinh 0,5ml, trong lọ thuốc Esmeron vẫn còn 4/5 lượng thuốc, trong khi hút trong lọ vaccine thì hết sạch 100%; vậy mà có đến 3 lần thao tác vứt ống thuốc còn dung dịch rất nhiều mà không hề có phản ứng, nghi ngờ gì cả. Câu hỏi là tại sao có thuốc Esmeron chung trong tủ bảo quản của vaccine? Tại cơ quan điều tra, một số nhân viên y tế liên quan trong vụ án này đã khai nhận rằng, thuốc gây mê Esmeron đã được “gửi chung” vào tủ đông đựng vaccine.  (1)


Kết luận  đầu tiên về cái chết của ba trẻ sơ sinh sau khi khám nghiệm tử thi do cơ quan công an điều tra đưa ra là “sốc phản vệ”.  Thời điểm tháng 10/2013, báo chí đã đưa tin về việc y tá chích nhầm thuốc Ocxytocin (thuốc gây co bóp tử cung) cho trẻ thay vì vaccine viêm gan B. Tuy nhiên sau đó thông tin này đã bị cơ quan công an bác bỏ. 
Thuốc Oxytocin (gây co bóp tử cung) bên trái và Vaccine viêm gan B bên phải


Theo nguồn tin riêng của Báo Lao Động, cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắcxin viêm gan B ngày 20.7 tại BV Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị).Thời điểm tiêm chủng, BV mất điện nên nhân viên tiêm chủng đã dùng điện thoại soi tìm vắcxin. Do ở đây, vắcxin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vắcxin viêm gan B, họ đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé. Vì thế, 3 ca tử vong đều giống nhau. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xilanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra.  Sai phạm thứ hai, khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, nhân viên y tế đã không đưa vào phòng tiêm riêng cho trẻ mà vẫn để ở phòng tiêm cho người lớn.

Hiện nay, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án để làm rõ việc hai nhân viên y tế BV Đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị sơ ý vô trách nhiệm, vi phạm quy định an toàn tiêm chủng dẫn đến chết người. (2)


Y tá Nguyễn Thị Hải Thuận (có một số báo đưa tin là Nguyễn Thị Thuận) cũng có lời phát biểu với báo chí khẳng định mình không tiêm nhầm thuốc như sau:

Vụ 3 trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, nếu nguyên nhân là do nhầm thuốc thì đây là sự cố lần đầu tiên xuất hiện trong hơn 25 năm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nữ y tá trực tiếp tiêm vắc-xin viêm gan B cho cả 3 cháu bé vào sáng ngày 20/7 khẳng định, đã không tiêm nhầm thuốc. Nếu có kết quả chính thức của cơ quan điều tra là do tiêm nhầm thuốc thì chị sẽ hoàn toàn không đồng tình với kết luận đó. (3)


* Điểm đáng lưu ý là bản tin này đã bị VTC gỡ bỏ ngay trên link gốc (4)


Sau 6 tháng điều tra công an  không đưa ra được bằng chứng cụ thể  và nữ y tá Thuận đã được phục hồi công tác.


Đến đầu tháng 4/2014, cơ quan công an đã khởi tố bắt tạm giam nữ y tá này với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”
Kết luận do công an đưa ra là y tá đã tiêm nhầm thuốc gây mê Esmeron cho trẻ, thay vì vaccine viêm gan B.


Quay trở lại với kết luận khám nghiệm tử thi ban đầu là “sốc phản vệ”, theo tìm hiểu kiến thức chuyên môn với dược sĩ, bác sĩ nhi khoa và bác sĩ  chuyên khoa tôi nhận được giải thích như sau: Esmeron là thuốc gây mê nếu do quá liều thuốc giãn cơ thì bệnh nhi sẽ lịm đi từ từ rồi ngưng thở nên nguyên nhân tử vong trước hết sẽ là suy hô hấp chứ không phải sốc phản vệ. Phản ứng của sốc phản vệ và suy hô hấp dẫn đến tử vong cũng rất khác nhau. Đơn cử như bị tiêm thuốc mê quá liều thì trẻ lịm đi, hơi thở yếu dần, da mặt tái xanh, tay chân mềm oặt không cử động. Trong khi đó sốc phản vệ thì thường chân tay co giật, hơi thở gấp rút khò khè, mặt mũi đỏ lên và trẻ bứt rứt, quấy khóc. Không thể lầm lẫn giữa hình ảnh mổ xác do shock phản vệ và suy hô hấp được.

Bên cạnh đó để giải thích thêm về việc lầm lẫn thuốc khi tiêm, ý kiến chuyên môn đưa ra như sau: Esmeron có dạng chai thuốc hình dáng bên ngoài nhìn bằng mắt thường có thể thấy hơi giống vaccine viêm gan B nhưng nắp khác , tên khác. Một liều (01) vaccine 0.5ml chỉ tiêm cho 01 bé, trong khi một lọ Esmeron từ 5-10mlTheo quy định an toàn mà nhân viên tiêm chủng phải tập huấn hàng năm mỗi lần tiêm xong là huỷ luôn bơm tiêm vào thùng chứa chất thải rắn y tế. Nên chuyện lầm lẫn sau khi rút thuốc khỏi chai là lý do khó có thể chấp nhận.
Thuốc gây mê Esmeron 5ml bên trái và Vaccine viêm gan B 0.5ml bên phải

Các loại thuốc gây mê, thuốc độc sử dụng trong bệnh viện được kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu có xảy ra việc tiêm nhầm thuốc (như kết luận của cơ quan điều tra), tại sao không có việc kiểm tra cơ số thuốc của phòng mổ để thấy ngay có sự hao hụt 3 ống Esmeron mà không ghi chép hoặc giải thích là được đã sử dụng cho bệnh nhân nào? Nên nhớ, 3 ống thuốc độc trong cùng một buổi sáng và 7 tháng để có kết luận điều tra cuối cùng.


Tại sao nữ y tá Nguyễn Thị Hải Thuận không phi tang 3 vỏ thuốc đã tiêm nhầm cho trẻ mà lại cất giấu ngay tại bệnh viện để sau 7 tháng giao nộp cho cơ quan công an sau khi đã được phục hồi công tác là điều khiến tôi phải suy nghĩ.



Cũng trên bản tin tháng 10/2013, chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định trước báo giới chuyện trẻ tử vong ở Quảng Trị là không liên quan đến vaccine mà do người thực hiện tiêm chủng.  Thông tin từ đâu ra để bộ trưởng kết luận như thế trong khi cơ quan công an lại dè dặt với báo giới?

Tôi có quyền nghi ngờ việc định hướng thông tin nguồn từ việc tiêm nhầm thuốc Ocxytocin sang Esmeron hay không?
Tôi có quyền nghi ngờ kết luận tử vong sốc phản vệ ngay từ đầu do chính cơ quan công an đưa ra hay không?
Và quan trọng hơn hết, tôi có quyền đặt dấu hỏi cho chất lượng của vaccine khi không chỉ có 3 cháu bé ở Hướng Hoá (Quảng Trị) tử vong vào ngày 20/07/2013 và một cháu bé vào ngày 22/07/2013 tại Bình Thuận (6) hay không?


Đã có ai đặt vấn đề nghiêm túc về chất lượng vaccine và tại sao cứ tiếp tục sử dụng những loại vaccine đã gây tử vong, biến chứng hàng loạt ở trẻ em hay chưa?
Quyền lợi của nhóm lợi ích nào cao hơn sự an toàn tính mạng của con trẻ?
Và tại sao các chuyên gia y tế, các bác sĩ lại im lặng trước vấn đề có tính cộng đồng này?


Nếu bạn có con nhỏ, và đứng trước mối bận tâm về việc tiêm chủng cho con mình, bạn sẽ bắt đầu từ đâu nếu không phải bằng việc đòi hỏi sự minh bạch thông tin về chất lượng dịch vụ và yêu cầu cải thiện nó?
Sự im lặng và thờ ơ của chính chúng ta – những người làm cha mẹ ít nhiều cũng đã góp phần tạo nên sự tệ hại hiện nay.


Đã có ai đặt câu hỏi rằng tại sao Bộ Y tế không cho công bố kết quả kiểm định về độ an toàn của chính vaccine từ một cơ quan độc lập thay vì các tuyên bố bằng miệng chung chung là không liên quan đến chất lượng vaccine? Trên thực tế nếu nguồn vaccine không an toàn, thì người tiêm chủng không có lỗi, mà lỗi từ nhà sản xuất (producer). Trên thế giới, đã có những tai biến thuốc men gây chết người, người ta truy cứu trách nhiệm của producer, chứ không thể qui tội cho người kê toa, hay người chích thuốc. 


Bạn có tin vào kết luận của cơ quan công an hay không?
Tôi không tin. Bởi ít nhất ở Việt Nam hiện nay, với thành tích dối lừa dư luận của Bộ Y tế sau vụ đổ vấy nguyên nhân dịch tả cho mắm tôm, cũng như tình trạng người dân thích đến đồn công an tự tử thì tôi nghĩ mình hoàn toàn có quyền nghi ngờ kết luận của cơ quan công an điều tra sau 7 tháng trời. 


Vấn đề tôi quan tâm hiện nay không phải chỉ là lẽ công bằng cho một nhân viên y tế như nữ y tá Nguyễn Thị Hải Thuận, mà chính những động thái vụng về của cả Bộ Y tế và cơ quan công an làm tôi thêm nghi ngờ thêm về chất lượng của vaccine – nguồn thuốc mà hàng triệu trẻ em Việt Nam sẽ phải tiếp tục chích vào cơ thể trong nhiều năm tới.




P/S : Chân thành cám ơn quý anh chị và bạn bè đã cung cấp thêm cho tôi nhiều kiến thức và thông tin mà tôi thiếu để hoàn thành bài viết này.



 

 













Y tá chích nhầm thuốc cho trẻ sơ sinh, bạn tin không?


Bản tin đầu tiên tôi đọc trong ngày  Cá tháng Tư là bản tin “Y tá đã tiêm nhầm thuốc cho ba trẻ sơ sinh” , liên quan đến vụ việc 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B tại bệnh viện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) vào hồi tháng 7/2013.
 
Vậy là sau hơn 7 tháng trời, “cơ quan điều tra Việt Nam – một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh” (2) đã khởi tố và bắt tạm giam nữ y tá Nguyễn Thị Thuận.

Trước hết cần nhắc lại nguyên nhân tử vong đầu tiên của cả ba cháu bé được đưa ra là “Sốc phản vệ”.


Và trong những diễn biến tiếp theo đó, ngày 25/10/2013 một số báo đưa tin nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ngày 20/7/2013 tại BV Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị) là trong quá trình tiêm phòng bị cúp điện nên đã “lấy nhầm thuốc gây co bóp tử cung tiêm cho 3 cháu bé. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xilanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra”. (3)

Bản tin trên báo Người Lao Động viết :
Về thông tin 3 trẻ tử vong do bị tiêm nhầm thuốc Oxytocin (thuốc có chức năng gây co hồi tử cung), thượng tá Lê Quang Công nói: “Báo lấy thông tin riêng từ đâu không rõ, chúng tôi không biết. Nếu rõ ràng là như thế thì chúng tôi đã khởi tố bị can, bắt giam bị can ngay chứ không phải kéo dài điều tra như thế này nữa”. Trước đó, vào ngày 10-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án này để điều tra với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Hướng Hóa, cho biết đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan tới vụ 3 trẻ tử vong từ cơ quan điều tra. Về khả năng 3 trẻ tử vong do nhân viên y tế lấy nhầm thuốc Oxytocin, ông Thiện cho rằng: “Đúng là sáng hôm đó (20-7-2013) mất điện, trời có mưa giông nhưng không thể có chuyện nhân viên y tế lấy nhầm thuốc do trời tối. Tại BV chúng tôi, vắc-xin ngừa viêm gan B cho trẻ được bảo quản trong tủ lạnh còn thuốc Oxytocin được bảo quản bình thường chứ không bỏ trong tủ lạnh, để cách xa nhau. Hai loại thuốc này có hình dạng khác nhau và đều do y tá Nguyễn Thị Thuận lấy ra tiêm cho các cháu”. (4)


Nữ y tá Nguyễn Thị Thuận đã trở lại làm việc  sau khi bị đình chỉ công tác tới 6 tháng để phục vụ điều tra mà công an không đưa ra được bằng chứng để khởi tố, nay đã bị bắt giam vì “thay vì tiêm văcxin thì đã tiêm nhầm một thuốc khác cho ba trẻ sơ sinh, gây tử vong. Loại thuốc này có yếu tố độc và chất gây mê.”
“Tại nhà của y tá Thuận, cơ quan công an cũng đã thực hiện lệnh khám xét nhà và thu giữ nhiều tài sản, 2 sổ tiết kiệm của bà Thuận.” (5)


Câu hỏi đặt ra: “ Nếu tiêm y tá tiêm nhầm thuốc tại sao phải đợi đến hơn 7 tháng trời cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới mới đưa ra kết luận một cách dè dặt và kín tiếng sau tuyên bố  kết luận tử vong vì “sốc phản vệ” đầu tiên?”
"Sốc phản vệ" -
Choáng phản vệ (CPV) là một tình trạng dị ứng nặng nề ở mức độ toàn thân và đe doạ tính mạng. Thường xảy ra trong vòng vài giây cho đến vài phút sau khi cơ thể tiếp xúc với một chất gây dị ứng hay dị nguyên. Các triệu chứng điển hình của CPV thường là co thắt khí phế quản gây tím tái, suy hô hấp, ngừng tim, loạn nhịp, tổn thương nhiều nội tạng… và tất yếu sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng, nếu không được chẩn đoán kịp thời. (6)
Kết luận nặng ký này có từ kết quả khám nghiệm tử thi do chính công an đưa ra.
Đây là điểm cần chú ý để có câu trả lời vì sao cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới phải đợi đến hơn 7 tháng mới bắt tạm giam nữ y tá vì tiêm nhầm thuốc.



Chúng ta vẫn bàn nhiều về y đức, chúng ta phẫn nộ và sục sôi mỗi ngày với các bản tin sức khoẻ cộng đồng và chúng ta im lặng với kết luận điều tra trên??
Điều đó nghĩa là gì?
Nghĩa là chúng ta mặc nhiên chấp nhận sự vô lý hiển nhiên mà không phản kháng.
Nghĩa là chúng ta chấp nhận việc tiếp tục sử dụng những loại vaccine chết người cho thế hệ tương lai.

Y đức nằm ở đâu nếu những đồng nghiệp của nữ y tá Nguyễn Thị Thuận im lặng phó mặc số phận của chị sau hơn 7 tháng điều tra mà không đưa ra được bằng chứng?


Cộng đồng mạng xã hội Facebook sục sôi sau khi đòi bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải từ chức sau hàng loạt bê bối của ngành Y bị phanh phui liệu có tin vào kết luận điều tra của cơ quan công an hay không?
Và cả những bạn đã bị cơ quan công an mời lên làm việc vì đã tham gia ký tên vào thư yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức đến giờ đã có câu trả lời chính thức cho câu hỏi “Liệu có hay không việc người đứng đầu ngành Y sẽ chịu trách nhiệm về những bê bối?”


Đổ tội cho nữ y tá Nguyễn Thị Thuận liệu có gỡ được sai phạm của Bộ Y tế hay không?
Họ đang bảo vệ cái gì, nếu không phải là lợi ích của nhóm lợi ích liên quan đến việc nhập vaccine và thuốc?





 

 



 









Trương Duy Nhất – Điều 258 BLHS và Chúng Ta


Là một người đã từng bị bắt giữ vì điều 258 Bộ luật Hình sự, "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", tôi đặc biệt quan tâm đến phiên xét xử blogger Trương Duy Nhất.

Với cáo trạng đã nêu ông Trương Duy Nhất đăng tải 11 bài viết của bản thân và 1 bài viết của người khác làm "giảm uy tínmất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan ĐảngNhà nước, tổ chức, xã hội và công dân"  dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của những người bất đồng chính kiến khác đã bị chụp mũ và bị tống giam bởi điều 88 và điều 79 BLHS. 

Khác ở đây là ông Nhất đã từng là đảng viên, là người trong hệ thống truyền thông được xem như công cụ tuyên truyền của đảng Cộng sản. Ông Nhất không thể là một tên “phản động” như những gì mà hệ thống chính trị trước đây đã tô vẽ để bắt giam những người không phải là đảng viên.

Câu hỏi đặt ra nghiêm túc cho tất cả những người đã đọc blog Trương Duy Nhất, đặc biệt là 11 bài viết trong cáo trạng đã nêu là liệu ông Nhất có được quyền nói những điều mình nghĩ và chia sẻ nó với người khác bằng Internet hay không?

Người ta đặt ra nhiều giả thuyết về việc ông Nhất bị bắt giam, tôi không quan tâm đến điều đó. Cái tôi quan tâm là ông Nhất  đã “mở miệng” và ông bị “bịt miệng” một cách thô bạo.

Có mặt tại phiên xử blogger Trương Duy Nhất tại Toà án nhân dân Thành phố Đà Nẵng hôm ngày 4/03/2014, chứng kiến cảnh công an phân bổ  lực lượng để canh gác và theo dõi những người có ý muốn tham gia phiên toà công khai này tôi nhận thấy một điều ở đất nước này, họ sợ những con người “mở miệng” và sợ phải thấy sự ủng hộ công khai những người ấy.

Trương Duy Nhất không phải là một nhà hoạt động, toàn bộ những hoạt động của ông bị kết tội đều diễn ra trên mạng xã hội, vì vậy, ngoài những người thân mong ngóng được thấy ông trước phiên toà để động viên tinh thần còn có bạn bè ông, những văn nghệ sỹ, những nhà báo, và nhiều blogger khác có mặt trước cổng toà.

Tôi nghĩ, họ đến, không phải chỉ vì cá nhân Trương Duy Nhất, mà còn là để khẳng định chính kiến của mình. 

Họ đến để bảo vệ quyền lên tiếng của mình dù biết sẽ bị bao vây giữa lực lượng an ninh thường phục với đủ máy móc thiết bị ghi hình.
Họ dừng xe dăm ba phút để hướng về cổng toà không chỉ vì Trương Duy Nhất, mà còn để chứng kiến cảnh dàn binh bố trận của những người cầm quyền sẵn sàng bịt miệng người khác.
Họ cần thấy điều mà những khác mở miệng đã trả giá cho tự do ngôn luận.

Và quan trọng hơn hết là họ cần biết có rất nhiều người đã bước ra khỏi sự sợ hãi ngày hôm qua.

Quan sát và chia sẻ với vài người thân của blogger Trương Duy Nhất tôi biết gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn còn là áp lực cuộc sống với những người có liên quan đến anh. 

Tôi muốn xiết chặt tay chị Phượng, vợ anh Nhất, chỉ để nói rằng tôi khâm phục chị, và tôi đã đến theo lời mời tham dự phiên toà công khai của chị dù chỉ được đứng ở ngoài.

Trương Duy Nhất không hề cô đơn, khi người thân anh chờ đợi từ sáng sớm đến trưa chỉ để hét lên: “Nhất ơi, can đảm lên con”.
Anh không hề đơn độc khi có một người vợ luôn tin tưởng vào việc chồng mình làm.
Và anh sẽ không lẻ loi khi bạn bè tin rằng anh có quyền được nói điều mình nghĩ.

Tôi đã thấy nhiều người bước ra khỏi sự sợ hãi, để nói điều mình nghĩ qua phiên toà xử Trương Duy Nhất.
Tôi đã thấy nhiều người ngập ngừng muốn tìm hiểu và thấy phân vân với cách nhà cầm quyền sử dụng lực lượng canh gác phiên toà.

Hôm nay người ta có thể kết án Trương Duy Nhất một cách tuỳ tiện bằng bản án 2 năm tù và Chúng Ta im lặng, thì ngày mai hay ngày kia, mức án ấy có thể tăng lên bởi đã thành tiền lệ, thành thói quen.

Trương Duy Nhất cương quyết khẳng định mình vô tội trước toà để bảo vệ quyền được nói của mình.
Và tôi hy vọng được thấy tập hợp những người không sợ hãi ngày càng đông hơn để bảo vệ quyền của chính mình.