Nhân quyền "kiểu Việt Nam"

Ngày 5/05/2013, lần đầu tiên cả ba nơi Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn đồng loạt tổ chức buổi dã ngoại nhân quyền cũng là lần đầu tiên số điện thoại di động cá nhân của tôi không thực hiện được cuộc gọi đi và không nhận được cuộc gọi đến.
Mọi thao tác trên máy đều cho ra thông báo: "Tài khoản đã bị chặn. Vui lòng liên lạc các cửa hàng của Mobifone".

 


Anh an ninh vui tính đi kèm tôi trong buổi dã ngoại nhân quyền tại quán cà phê còn không tin rằng điện thoại tôi bị chặn.
Đương nhiên là không một ai muốn tin như vậy.

Khi gọi đến tổng đài, nhân viên trực tổng đài cho biết: Số máy bị chặn vì lý do an ninh, vui lòng đến cửa hàng Mobifone gần nhất để biết thêm chi tiết.
Hôm đó là buổi tối, và tôi chưa kịp ra cửa hàng thì họ đã mở cả hai chiều liên lạc ngay sau cuộc điện thoại đến tổng đài chừng 10 phút.

Đây không phải là lần đầu tiên an ninh can thiệp thô bạo vào điện thoại của tôi.

Trước đó năm 2009 họ cũng đã sử dụng quyền được bảo kê bởi luật pháp của mình để yêu cầu in ra chi tiết lịch sử cuộc gọi đi và đến của số máy tôi rồi yêu cầu tôi nhớ từng số điện thoại trong danh sách dài dằng dặc ấy.
Và phản ứng của tôi sau đó là đã cắt thuê bao trả sau với Mobifone ngay lập tức.
Tôi còn nhớ rất rõ, nhân viên Mobifone giải thích với tôi rằng:
- Chị thông cảm, bên phía an ninh yêu cầu.
Và tôi cũng nghiêm nghị trả lời:
- Mobifone đã không bảo vệ được người sử dụng dịch vụ của mình thì không có lý do gì tôi tiếp tục làm khách hàng trung thành của các bạn nữa. Giờ tôi chuyển sang thuê bao trả trước, chúng ta sẽ chơi với nhau cho đến khi không thể và sòng phẳng hơn nhé.

Từ đó, tôi hạn chế sử dụng liên lạc bằng điện thoại, ngay cả trong việc làm ăn hay giao tiếp, bởi tôi cho rằng hạn chế trả tiền dịch vụ cho một kiểu phục vụ không đảm bảo quyền lợi của mình cũng là một cách bất hợp tác với họ.
Tiền thuê bao điện thoại giảm từ 300-500 ngàn/tháng xuống còn 50-100 ngàn.
Cám ơn Mobifone đã dạy tôi bài học tiết kiệm bằng sự bất hợp tác.

Đó là câu chuyện xảy ra trước khi Việt Nam trúng cử và Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Sáng nay, điện thoại của chị Phạm Thanh Nghiên và mẹ chị ấy cũng ở trong tình trạng tương tự như của tôi.

 

An ninh lại cho người đặt chốt canh trước ngõ nhà chị.
Họ sợ gì để phải bất chấp dư luận mà chặn điện thoại của một người cựu tù và một bà mẹ già?
Lý do an ninh của một quốc gia được áp dụng để ngăn chặn quyền được thông tin, liên lạc của công dân liệu có phải là dấu hiệu vi phạm nhân quyền không nhỉ?

Tôi không chọn cách phê phán, nhưng tôi sẽ kể với thế giới câu chuyện về quyền con người của mình, theo cách riêng với những gì đã diễn ra.

Có hay không sự tồn tại của các giá trị chuẩn mực về nhân quyền ở Việt Nam?
Hẳn sẽ là một câu hỏi khó, bởi câu trả lời với thế giới sẽ luôn là: Việt Nam có nhân quyền, nhưng theo kiểu đặc trưng riêng.
Bạn có chấp nhận câu trả lời ấy, khi đang ở chung sân chơi với quốc tế hay không?
Không có sự khác biệt giữa con người, trừ khi bạn muốn chối bỏ các quyền căn bản của mình.
Và tôi tin, nếu được lựa chọn, không một ai chối bỏ sự tự do thật sự bao giờ!



Đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình

Chiều ngày 11/09/2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, trú tại phường Kỳ Bá, Thái Bình xông vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố dùng súng bắn 5 cán bộ thuộc Trung tâm phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình khiến một người chết, ba người bị thương.
Sau đó, ông Viết về quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình và tự sát dưới chân tượng Phật trong buổi chiều cùng ngày.

Theo thông tin trên các báo, nguyên nhân bức xúc của ông Viết có liên quan đến chuyện thu hồi đất đai và chính sách đền bù của chủ trương xây dựng khu đô thị mới ở phường Kỳ Bá.
Sự việc gây chấn động này một lần nữa nhắc người ta nhớ đến các bất cập trong những vụ giải phóng mặt bằng.

Trong nhiều năm gần đây, số lượng người đi khiếu nại, khiếu kiện các vấn đề liên quan đến đất đai ngày càng gia tăng. Đỉnh điểm là năm ngoái tại Hải Phòng, gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng đã buộc phải nổ súng vào đoàn công an, cán bộ tham gia cưỡng chế để bảo vệ tài sản của mình.

Luật đất đai năm 2003 ở điều 7 có quy định: “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai”.
Rất khó để viện dẫn, giải thích cho toàn dân hiểu vì sao đất đai do mình sở hữu nhưng nhà nước lại đại diện quản lý.

(Hình sưu tầm từ Internet)

Trên thực tế, trong những dự án giải phóng mặt bằng, với những quy định có sẵn trong luật đất đai 2003, trong những dự án thu hồi đất do nhà nước làm chủ đầu tư thì nhà nước sẽ áp giá đền bù, hỗ trợ tái định cư…Đối với các dự án phục vụ mục đích phúc lợi công cộng như bệnh viện, trường học, chợ… thì hầu như người dân không còn cách lựa chọn nào ngoài việc đồng ý với các thoả thuận do phía nhà nước đưa ra, nhanh chóng nhận tiền đền bù hoặc chấp nhận di dời theo phương án tái định cư nếu không muốn bị cưỡng chế giải toả trắng.

Nhưng vấn đề dễ gây cho người dân bức xúc nhiều nhất đó chính là những dự án mà nhà nước đứng ra thu hồi đất để giao cho tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý. Đây chính là kẽ hở lớn nhất để nhà nước và các chủ dự án mập mờ đánh lận con đen với quyền lợi của người dân. Bởi khi nhà nước thu hồi đất thì sẽ áp mức đền bù theo giá do nhà nước quy định (thường giá này thấp hơn nhiều so với thị trường thực tế), sau khi đã có đất sạch (đất đã giải toả xong) thì nhà nước giao lại cho chủ đầu tư tư nhân tiếp quản, toàn quyền định đoạt. Những mảnh đất đó thường sẽ được tư nhân bán lại với giá cao gấp chục lần giá đền bù mà người dân nhận được. Đây chính là mấu chốt của nhiều vụ việc bức xúc đã xảy ra.

Một nút thắt thứ hai thường gặp trong những vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng chính là quy trình, thủ tục triển khai của các dự án. Theo quy định của luật đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành luật này thì những trình tự pháp lý liên quan tới chủ trương, thu hồi, đền bù, giải toả, hỗ trợ tái định cư...đất của người dân đều có những quy định rất rõ ràng nhưng trên thực tế người dân hầu như không được biết (ví dụ như quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ học nghề, tái định cư..).
Theo quy định của pháp luật, tất cả phải được thông báo công khai hoặc gửi tận tay người dân có quyền lợi liên quan, nhưng thực tế nhiều dự án đã lơ đi chuyện này.

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến các cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng làm việc với các gia đình bị mất đất. Thay vì làm rõ việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, đa số các văn bản, các thủ tục hướng dẫn lại thường chỉ muốn người dân đồng ý ký vào các biên bản thoả thuận càng sớm càng tốt. Đặc biệt với các biên bản giao nhận đất tái định cư, hoặc biên bản đồng ý với việc nhận tiền đền bù. Thậm chí có những địa phương còn áp dụng đủ thứ “lệ”, để lừa dân ký cho bằng được, và với quan niệm “một khi đã ký nhận đền bù thì coi như kết thúc không thoả thuận, đàm phán gì nữa”. Cũng có tình trạng các cán bộ đi vận động, “bỏ nhỏ” với từng hộ dân rằng “khu này đã nhận đền bù hết, gia đình cũng nhận đi chứ không khi tất cả đã đồng ý thì ở trên buộc phải ra lệnh cưỡng chế nhà anh (chị)”.

Nhiều người dân không có đủ thông tin và không được hỗ trợ về mặt kiến thức luật pháp đã chấp nhận ký kết thoả thuận. Đến khi người dân có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin, được tư vấn đầy đủ về pháp luật và biết được nhà nước hoặc chủ đầu tư lừa mình thì đi việc khiếu nại, khiếu kiện sẽ diễn ra rất dây dưa và chậm chạp trong khi dự án vẫn cứ triển khai, nhà cửa vẫn bị giải toả.
Chính điều này đã dẫn đến những hệ luỵ khó giải quyết:
Có nhiều người mất nhà cửa, mất ruộng vườn lặn lội khiếu kiện ròng rã từ năm này sang năm khác.
Có nhiều người im lặng trong cay đắng chấp nhận làm lại từ đầu và góc nhìn của họ với xã hội thay đổi hẳn đi.
Và cũng có người đã lựa chọn cách hành động theo bản năng để giải thoát cho bản thân và gia đình như ông Vươn, ông Viết.


Câu hỏi luôn được đặt ra là liệu luật pháp đã đảm bảo được hoàn toàn quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những gia đình có đất đai bị giải toả hay chưa?
Pháp luật và những quy định của nó được tạo ra là để đảm bảo quyền lợi của người dân, để hướng dẫn mọi người hiểu và thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chứ không phải để đánh lừa họ.
 
Vì sao những người như ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Ngọc Viết phải chấp nhận đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình? Phải chăng là họ không còn tin rằng mình sẽ được bảo vệ bởi luật pháp nữa?

Một khi công dân mất niềm tin rằng nhà nước sẽ bảo vệ được mình, thì vai trò của nhà nước nằm ở đâu trong xã hội này?
Với tình trạng người dân phải đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình như hiện nay, liệu có tồn tại một nhà nước “do dân và vì dân” như người ta thường được nghe tuyên truyền hay không?

Trách nhiệm của bà Bộ trưởng và sự lên tiếng của chúng ta

Trả lời phóng viên báo chí chiều ngày 24 tháng 7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích việc bà không đi thăm hỏi các gia đình có con em xấu số đã thiệt mạng sau khi được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) như sau:
Lịch trình, chuyến bay... đã được bố trí kín lịch. Do vậy, bà không thể bố trí thời gian đi thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong.
“Bộ Y tế cũng đã có đoàn công tác tại Quảng Trị thăm hỏi, chứ tôi không thể trực tiếp đi” (1)

Tôi tự hỏi với trách nhiệm của một người đứng đầu một bộ có sự cố liên quan đến sinh mạng của ba đứa trẻ vô tội kia mà bà Kim Tiến có thể buông những lời vô cảm như trên kia, thì liệu tính phụ nữ, bản năng làm người, làm mẹ có còn tồn tại trong con người bà chút nào không?
Hơn thế nữa, cái ghế bộ trưởng ở Việt Nam hóa ra chỉ là ngồi đợi nghe báo cáo và chứng kiến người khác chịu trách nhiệm cho sự yếu kém năng lực quản lý lẫn lãnh đạo của mình thôi ư?
Giả sử những em bé sơ sinh vô tội kia là con cháu, là người thân của bà Bộ trưởng thì liệu bà có bình thản đi dâng hoa, dâng hương cho các anh hùng liệt sỹ một cách bình thản được hay không?
Hỏi tức là đã trả lời.

Thật lòng mà nói, tôi không thấy phẫn nộ với cách hành xử và những gì bà Tiến trả lời trên báo chí, bởi bà cũng như nhiều vị quan chức lãnh đạo khác ở xứ này. Họ đều có chung một căn bệnh, đó là bệnh vô trách nhiệm – vô cảm. Một người bạn của tôi đã nói, một khi còn tin cậy, còn hy vọng thì người dân mới lên tiếng trách móc và cảm thấy bất bình. Tôi hoàn toàn đồng ý như vậy. Riêng tôi, tôi không có cả niềm tin và sự hy vọng vào lương tâm và năng lực lãnh đạo của những người như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Câu hỏi đặt ra là khi ta mất lòng tin vào năng lực lãnh đạo của một người quản lý thì ta có quyền làm gì?
Yêu cầu Quốc hội bãi nhiệm?
Yêu cầu Thủ tướng cách chức?

Có người đã nói với tôi rằng, bà Tiến này xuống sẽ lại có một ông hay một bà Tiến ngu dốt và vô cảm khác lên thay, tất cả lại đi theo một đường tròn như từ trước đến giờ.
Tôi không nghĩ như vậy.

Sự lên tiếng của chúng ta không bao giờ lãng phí, bởi thực tế đã chứng minh chính phản ứng của dư luận gần đây đã khiến nhiều bộ, ngành phải xem xét lại các quyết định và nhân lực của mình.
Bạn còn nhớ không, Bộ Công an đã phải dừng việc ghi tên cha mẹ vào chứng minh nhân dân, phải cân nhắc lại quyết định xử phạt xe chính chủ… Cá nhân Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình (nhiệm kỳ 7/2002 - 6/2006) đã phải rời ghế vì sự vô trách nhiệm của mình trước sự cố lật tàu E1 tại Lăng Cô (Huế), bởi trong lúc nhiều người đang hoảng hốt vì tai nạn giao thông đường sắt đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân thì ông Bình lại đang ung dung nghỉ mát trong một khu tắm bùn hạng VIP tại Suối khoáng nóng Tháp Bà, Nha Trang. Mới gần đây nhất là Bộ Giáo dục Đào tạo đã phải ra Thông tư bãi bỏ quy định ưu tiên cộng điểm khi thi vào đại học, cao đẳng đối với các đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 bởi nó thiếu thực tế.
Quay trở lại với việc trẻ em bị chết oan vì tai biến sau tiêm chủng, năm ngoái, 5 trẻ em tại Nghê An chết sau khi được tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.
Không một lời xin lỗi, không một lời giải thích, sau đó Bộ Y tế quyết định dừng sử dụng loại vắc xin này trong chương trình tiêm chủng quốc gia.(2) Để rồi không lâu sau đó khi có kết quả kiểm định tại một phòng thí nghiệm độc lập ở Vương quốc Anh khẳng định các lô vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem đạt yêu cầu, Bộ Y tế lại vội vàng cho sử dụng lại. (3)
Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ thực sự quan tâm đến việc người ta chích loại thuốc gì vào cơ thể bé bỏng của những thiên thần của mình tại các trạm xá?
Và thực sự nếu có thắc mắc thì chúng ta phải làm gì?
Hãy nghe ông PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khỏe bao biện cho việc sử dụng vắc xin cũ như sau:
Còn nói về vắc-xin Quinvaxem cần phải biết rằng, ngay cả bản thân nước sản xuất ra nó là Hàn Quốc, họ cũng không sử dụng loại vắc-xin này. Họ chỉ bán cho các nước khác, còn tại nước của họ, người dân sử dụng vắc-xin vô bào. Nước chúng ta nghèo nên chúng ta phải chịu, phải chấp nhận.”(4)

Bạn có chấp nhận sự bao biện trên đây không?

Một bác sĩ có uy tín đã chia sẻ trên blog của mình như sau:
Đất nước đáng thương xót của chúng ta còn nghèo. Nhưng không phải vì nghèo mà con cái chúng ta phải chết vì những lọ vaccine giết người kia. Con cái chúng ta có quyền được chích ngừa bằng những vaccine tốt nhất, an toàn nhất như mọi trẻ em khác.
Và chúng có quyền được sống, sau khi được tiêm chủng!
” (5)
Tôi tin là bạn cũng sẽ đồng ý như tôi vậy, bởi không thể lấy lý do là “nước chúng ta nghèo” làm đáp số cho sự ra đi oan uổng của những đứa trẻ vô tội.

Thôi thì ta tạm chấp nhận rằng vắc xin hỗn hợp 5 trong 1 Quinvaxem từ Hàn Quốc là lỗi thời, là do nước ta thiếu điều kiện, vậy còn lô vắc xin viêm gan B liên quan đến nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh tại BV huyện Hướng Hóa – Quảng Trị thì sao?
Một chi tiết mà tôi nghĩ ít người chú ý đến đó là lô thuốc này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) vắcxin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất.
Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 được thành lập theo Quyết định số 6 50/2000/QĐ-BYT ngày 02/03/2000 của Bộ Y Tế. (6)
Nếu kết luận bốn trẻ sơ sinh vừa tử vong gần đây là do vắc xin, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Bộ Y tế, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến? Hay người điều hành Công ty TNHH MTV Vabiotech kia? Hay chỉ là các cô y tá, ê kíp bảo quản vắc xin?
Bạn thân mến, sự lên tiếng của tất cả chúng ta không bao giờ là vô nghĩa, bởi không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Bạn có con, em (hoặc cháu) nhỏ không?
Nếu có, hãy vì con, em (cháu) mình mà làm một điều gì đó, thực sự đã đến lúc chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng (nhất là những chính sách phục vụ quyền lợi của trẻ em) phải được cải thiện.



1-   
http://m.tienphong.vn/xa-hoi/638345/Bo-truong-Y-te-ly-giai-viec-den-Quang-Tri-nhung-khong-tham-3-tre-tu-vong.html
2-   
http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/vacxin-quinvaxem-bi-cam-nganh-y-te-quen-luon-viec-tiem-chung-dinh-ky-cho-tre.html
3-   
http://nld.com.vn/20130623081736935p0c1050/voi-vang-dung-lai-quinvaxem.htm
4-   
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/201307/tsdo-sy-hien-nuoc-ta-ngheo-nen-danh-cho-tre-vac-xin-cu-2351149/


http://rfavietnam.com/node/1715 

"Bà Tiến từ chức đi!"

Đến hôm nay đã có hơn 3 đứa trẻ sơ sinh chết sau khi được chích ngừa vắc xin phòng bệnh viêm gan B. Thông tin trên báo hiện nay vẫn đang loanh quanh đổ lỗi do điện áp không ổn định, do khâu bảo quản, và cũng chỉ mới là những tin tức và phát biểu của cấp cơ sở, chưa thấy bất kỳ động thái nào của người đứng đầu Bộ Y tế với sinh mạng của những đứa trẻ tội nghiệp trên.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, chiều ngày 22 tháng 7 sau một cuộc họp kín dài dằng dặc tại Sở Y tế tỉnh Quảng Trị giữa đoàn chuyên gia Bộ Y tế với UBND và các ban ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị thì kết luận cuối cùng đưa ra rất chung chung cho cái chết của ba trẻ sơ sinh chưa đến một ngày tuổi tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) rất chung chung như sau: “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”.
Một bác sĩ có uy tín đã chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình như  sau:
“Có nhiều cách để xác định một cái chết do choáng phản vệ (phản ứng dị ứng nặng nhất, gây tử vong nhanh chóng) sau khi dùng thuốc:
1. Phân tích hoá học các chai thuốc, tìm các dị nguyên (allergen)

2. Mổ tử thi để tìm dấu hiệu co thắt phế quản, một tổn thương đặc trưng của choáng phản vệ

3. Lấy thuốc ấy chích vào cơ thể sống (in vitro testing) các loại động vật như thỏ, chuột lang, trâu bò, bộ trưởng, quan chức... để tái hiện (reproduce) phản ứng phản vệ.
Có quá khó để xác định nguyên nhân sốc phản vệ của ba trẻ sơ sinh đã thiệt mạng cùng một nơi trên kia không?
Câu trả lời là không, vấn đề là người ta dám mổ xẻ và đi đến cùng vấn đề đến đâu hay thôi.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thử nghiệm trên sinh mạng của nhân dân?
Câu trả lời là không có ai cả.
Bởi lối ra để giải quyết vấn đề cho việc tiêm ngừa vắc xin đã được đẩy dần sang ngành điện:
“Mất điện trước và sau thời điểm chích vắc xin” (1)
Cần phải nhắc lại cho rõ, trường hợp 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm ngừa vắc xin tại Hướng Hóa (Quảng Trị) không phải là trường hợp xảy ra lần đầu tiên.
Kết quả tìm được trên Google cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2013, đã có tới 9 trường hợp tai biến tử vong sau tiêm chủng cho các bé trong độ tuổi từ một ngày đến 4 tháng tuổi.

Chưa hết, liên quan đến việc tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng quốc gia trong năm 2012, tính từ tháng 1 đến hết tháng 9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 83 trường hợp phản ứng với vắc xin Quinvaxem “5 trong 1”. Trong 65 trẻ sơ sinh của xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được cha mẹ đưa đến trạm y tế xã tiêm chủng thì bốn trẻ đã không được sống tròn tháng thứ tư. Một trẻ khác ở xã Đồng Hợp cũng không qua khỏi. (2), (3)
Có ai phải chịu trách nhiệm cho tất cả những việc này chưa?
Câu trả lời vẫn là không có một ai cả.
Còn nhớ năm 2012, khi con trai thứ 2 của tôi ở độ tuổi phải tiêm ngừa vắc xin 5 trong 1, cùng lúc với việc rộ lên hàng loạt thông tin về việc trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm phòng, tôi đã tìm hiểu rất kỹ những người chích ngừa ở trạm xá về việc bảo quản và thông tin liên quan đến thuốc. Họ có vẻ rất bực mình và cho rằng đây là chương trình tiêm chủng mở rộng không tốn phí, thuốc đã được thử nghiệm và bảo quản cẩn thận nên người dân không phải lo. Khi tôi căn vặn về các trường hợp tử vong sau khi tiêm thuốc thì có y tá cho rằng con số đó vẫn nằm trong “tỉ lệ cho phép”, “vắc xin luôn được bảo quản đúng quy trình”… Quy luật nào cho phép người ta đánh giá mạng sống của người này là quý giá hơn người kia?
Đến tận bây giờ không thể phủ nhận là thủ phạm gây ra cái chết của nhiều trẻ sơ sinh là những loại thuốc quái gở mà Bộ Y tế dùng chính tiền thuế của người dân để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, rồi dán cho nó cái mác thật kêu là “tiêm chủng không tốn tiền”.
Thật vô sĩ khi không có một nhân vật nào lên tiếng về những cái chết của các bé sơ sinh vô tội.

Thật trơ tráo khi ngày hôm qua, hôm kia, những giọt nước mắt của cha mẹ và người thân các bé đang tức tưởi đổ ra thì bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại đang dẫn đầu đoàn công tác đi dâng hương, dâng hoa trong lễ khởi công xây dựng Nhà tháp chuông Nghĩa trang Liệt sĩ huyện  Gio Linh (4)
abc
(Anh Nguyễn Đình Đạo (chồng chị Nguyễn Thị Nga) vật vã đau đớn trước cái chết của con - Ảnh báo Dân Trí)

(Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến đang tham dự lễ khởi công Nhà tháp chuông Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh. Ảnh báo CAND)
(Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến đang tham dự lễ khởi công Nhà tháp chuông Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh. Ảnh báo CAND)
Lương tâm và trách nhiệm của bà Tiến và những người cộng sự của bà nằm ở đâu khi đến tận bây giờ vẫn là một sự im lặng khó hiểu?
Có ai đó tưởng tượng rằng nếu bà Tiến không đủ liêm sỹ để từ chức thì chúng ta phải làm gì không?
Nếu Quốc hội không đủ can đảm để cách chức những quan chức vô trách nhiệm như bà Tiến thì chúng ta phải làm gì?
“Bà Tiến từ chức đi !” – đó không chỉ là thái độ, là sự phản kháng mà còn là yêu cầu chính đáng của tất cả những bậc làm cha mẹ như tôi, như bạn và nhiều người khác.
Phải trả giá bằng bao nhiêu sinh mạng con trẻ nữa thì chúng ta những người làm cha làm mẹ mới đủ dũng cảm để lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi và sự sống của con em mình?



1.    
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130723/tam-ngung-su-dung-2-lo-vac-xin-viem-gan-b.aspx

2.    
http://vtc.vn/321-356450/suc-khoe/83-tre-phan-ung-sau-tiem-vac-xin-5-trong-1.htm

3.    
http://vtc.vn/321-360287/suc-khoe/5-chu-khong-phai-3-tre-tu-vong-sau-tiem-chung.htm

4.    

http://cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2008/5/204421.cand

http://rfavietnam.com/node/1713

Một thế hệ chuột bạch

Viết tặng những bạn sinh năm 1979 như tôi
Năm tôi sinh ra đời, 1979, cuộc chiến tranh biên giới miền Bắc nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, một cuộc chiến mà thế hệ chúng tôi hầu như không biết đến bởi rất khó có thể tìm đọc thông tin trong giáo trình lịch sử được giảng dạy.
Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, có thể nói lứa học sinh sinh năm 1979 là những học sinh trải qua đầy đủ các bước cải cách giáo dục ở cả ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tôi còn nhớ rất rõ, năm tôi thi tốt nghiệp cấp 2 (THCS) là năm đầu tiên Bộ Giáo dục Đào tạo áp dụng việc thi 6 môn, đến kỳ thi tốt nghiệp trung học (THPT) cũng là lần đầu tiên Bộ đưa môn tiếng Anh vào chương trình thi bắt buộc, và điểm liệt cho mỗi môn học là 2 điểm. Quy định này có nghĩa là dù bạn cộng tất cả 6 môn thi tốt nghiệp lại, bạn đủ 30 điểm để đậu nhưng nếu trong 6 môn thi mà có một môn điểm 2, thì bạn vẫn rớt như thường. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp PTTH năm tôi ra trường rất thấp, đến độ người ta phải tổ chức lại kỳ thi tốt nghiệp lần 2 cho những thí sinh bị rớt, và đương nhiên là nhiều bạn bị lỡ kỳ thi đại học năm này.
Đây là năm đầu tiên và duy nhất áp dụng quy chế thi như trên.
“Chúng ta là những con chuột bạch của Bộ Giáo dục” – tôi thường nói đùa với bạn bè mình như vậy mỗi khi nhắc lại thời học sinh. Nói không phải để đùa, nhưng để chúng tôi nhớ rằng mình đã được trải qua quá trình “được thử nghiệm” thế nào, có người vượt qua được, nhưng cũng có người dang dở ở lại.
Và đương nhiên là như hàng trăm ngàn lần cải cách khác, không có ai phải chịu trách nhiệm cho những ý tưởng, hành động mang tính thử nghiệm trên tương lai của người khác.
Tôi lấy ví dụ ở lĩnh vực giáo dục với thế hệ sinh năm 1979 vì chính cá nhân tôi là người đã đi qua các giai đoạn đó, trên thực tế, những ai đang sống ở Việt Nam đều đang đóng vai chuột bạch trong phòng thí nghiệm cho các chính sách, quy định, nghị định, luật dự thảo… đã và sắp được ban hành.
Đa phần người ta không phải không biết tính thiếu thực tế và bất khả thi của một số chính sách, dự án… nhưng hầu như có rất ít sự phản đối, bởi đa phần chọn cách im lặng coi như là đồng ý.
Thỉnh thoảng tôi tự hỏi: những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm nó không thể nói, không thể lựa chọn được, nhưng nếu chúng có suy nghĩ, có tiếng nói liệu chúng có chấp nhận vai trò bị xem là vật thử nghiệm hay không?
Viết đến đây tự nhiên liên tưởng đến việc thu phí bảo trì (sử dụng) đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải quy định. Lần đầu tiên nước Việt áp dụng chính sách thu thuế đường bộ trực tiếp từ nhân dân thông qua tổ dân phố (có tỉ lệ ăn chia).
Đã có nhiều bài phân tích, nhiều ý kiến phản biện về việc thu phí này nhưng cuối cùng nó vẫn được đưa ra thực hiện. Điều khiến tôi đặt câu hỏi là tại sao cùng một loại phí nhưng ở Hà Nội lại thu 150.000đ cho xe máy trên 50 phân khối, trong khi tại Nha Trang (Khánh Hòa) mức thu là 120.000đ. Thời điểm thu cũng không đồng nhất, theo thông tin trên trang Facebook cá nhân của tôi thì tại Thanh Hóa chính quyền đã triển khai thu phí, trong khi tại Khánh Hòa thì đến tháng 8 và Sài Gòn thì hoãn đến năm sau? Phải chăng số phận của những con chuột bạch trong dự án thu phí sử dụng đường bộ tùy thuộc vào quyết định và chính sách của từng địa phương.
Cũng đã có bài phân tích người tiêu dùng Việt Nam hiện nay phải gánh 7.500đ cho một lít xăng trong đó đã bao gồm cả phí giao thông. (Trích lời ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó cục trưởng Cục đường bộ: "Thực chất phí xăng dầu hiện tại đang thu chính là phí giao thông. Vì vậy, khi bộ GTVT đã thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ thì phải kiến nghị các cơ quan chức năng bỏ ngay phí xăng dầu".) (1)
Có vô lý quá không?
Xin thưa là có mà vẫn phải chấp nhận.
Tất cả những điều vô lý ấy đang diễn ra trước mắt, ít nhiều là nhờ vào sự im lặng đồng thuận của chính chúng ta bạn ạ.
Tôi đã từng tự hỏi, tại làm sao mà những thế hệ lớn hơn chúng ta lại đứng nhìn để mọi thứ trôi qua như hôm nay. “Tại sao chúng ta biết những việc sai trái, chúng ta thậm chí không đồng ý với nó, chúng ta bực bội, chúng ta cười nhạo các quyết định sai lầm mà chúng ta vẫn để nó xảy ra?”. “Tại sao chúng ta biết nó sai mà không lên tiếng? Để rồi có lúc lại phải biết ơn những người ban hành các quyết định sai lầm vì họ có động thái sửa sai.”.
Và tự mình tôi cũng đã tìm ra câu trả lời lớn nhất đó chính là sự sợ hãi trong sâu thẳm của mỗi người. Sợ mất chỗ ở, mất công ăn việc làm, sợ bị xa lánh, bị coi là thành phần dị biệt trong “xã hội đồng thuận”, sợ cả những thứ không hiện hữu… bởi không thể suy nghĩ được điều gì khác ngoài nỗi sợ hãi mơ hồ bao trùm.
Xã hội hôm nay của chúng ta đang sống là hệ lụy của sự sợ hãi được gieo rắc từ trên cao xuống thấp, từ trung ương đến địa phương, từ thành phố đến nông thôn.. Người ta nhìn nhau đầy sợ hãi mà đôi khi chẳng biết là mình đang sợ cái gì.
Hôm nay, khi trở thành một phụ huynh của hai đứa trẻ, phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi mà những người lớn đã trải qua, tôi cũng cảm thấy mình sợ hãi như nhiều người khác. Nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất bao trùm trong lòng tôi đó là cái viễn cảnh sẽ lại sẽ có nhiều thế hệ chuột bạch khác ra đời. Con cái chúng ta phải cắm cúi nhồi nhét vào đầu một đống kiến thức mà người khác muốn chứ không cần biết điều gì mới là thiết thực và cần thiết. Con cái chúng ta bị cuốn vào vòng quay thành tích ảo, lướt qua mọi cảm xúc của cuộc sống này vì bị định hướng, bị nhồi nhét..
Và đến một lúc nào đó, chúng cũng sẽ quay lại hỏi chúng ta câu hỏi tương tự mà ta đã hỏi những người lớn hơn mình.
Không ai muốn mình có cuộc sống của loài chuột bạch, tôi tin là như vậy.
Vì thế, nếu phải lựa chọn để có tiếng nói của mình, tôi nghĩ rằng, mỗi người sẽ có sự lựa chọn thích hợp và tối ưu nhất với hy vọng nhỏ nhoi là sẽ không có một thế hệ chuột bạch kế tiếp.
Luôn tin và mong như vậy các bạn thân mến của tôi ơi.

1- http://www.nguoiduatin.vn/thu-phi-su-dung-duong-bo-thi-phai-bo-phi-xang-...

http://rfavietnam.com/node/1687

Phải tranh đấu để chấm dứt tình trạng công an làm chết người

Ngày 19 tháng 3, 2012 ông Nguyễn Quang Phục, chị Trịnh Kim Tiến, và chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền gửi đơn tố cáo đến Quốc hội về việc công an lạm quyền đánh chết dân. Họ, những thân nhân của những người bị công an đánh chết viết trong đơn như sau:
" Vấn đề nan giải công an đánh dân giống như một căn bệnh dịch có sức lây truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt khi sự thật được làm sáng tỏ, công lý được thực thi..." (1)
Cũng trong ngày 19 tháng 3, 2012 anh Lê Quang Trọng, 25 tuổi chết trong đồn công an. Lại thêm một người "bất thường treo cổ chết" dưới sự "quản lý" của công an.
Tội ác vẫn tiếp diễn.
Bi kịch tiếp tục tái diễn không khác gì những cái chết trong đồn công an trước đây. Nạn nhân bị công an đánh đập. Áo quần có máu và phân người. Thi thể có vết bầm tím khắp nơi. "Tự tử" nhưng lưỡi không thè ra ngoài, mắt vẫn nhắm. Công an không báo cho gia đình tới ngay hiện trường nhưng lại tự đem xác người chết vào bệnh viện, phi tang mọi chứng cứ.
Và vẫn điệp khúc cũ: Vụ việc sẽ được điều tra, làm rõ.
Cho đến nay biết bao nhiêu vụ việc được làm rõ?
"Đau đớn trước những cái chết oan ức, tức tưởi của người thân, chúng tôi càng đau xót hơn khi sự thật bị che giấu, công lý bị chà đạp bởi những người thực thi pháp luật và tình trạng công an đánh chết người vẫn liên tục tiếp diễn mà không được giải quyết trọn vẹn."
Những điều lo ngại của ông Nguyễn Quang Phục, chị Trịnh Kim Tiến, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền không cần phải chờ lâu. Ngay khi họ gửi những lời thiết tha đến những đại biểu của dân thì thêm một nạn nhân bị chết trong đồn công an. Anh Nguyễn Công Nhựt, chồng chị Tuyền bị công an "cho chết" bằng sợi dây sạc pin điện thoại. Sau đó đổi ý "cho anh Nhựt chết" bằng dây cáp điện thoại bàn.
Hơn 3 năm trước, ngày 7 tháng 5, 2010 công an Đại Lộc, Quãng Nam "cho" anh Võ Văn Khánh chết bằng dây buộc giày.
Ba tháng sau đó, ngày 8 tháng 8, 2010, công an quận Ninh Kiều, Cần Thơ "cho" anh Trần Duy Hải chết bằng áo sơ mi dài tay treo vào cổ.
Thêm một tháng sau, ngày 9 tháng 9, 2010 công an Trảng Bom, Đồng Nai "cho" ông Trần Ngọc Đường "ngồi treo cổ chết".
Đồn công an – cơ quan làm việc của những người thừa hành pháp luật hay là nhà xác ? Nơi những sợi dây thắt cổ lúc nào cũng sẵn sàng?
"Sự bao che lấp liếm, dung túng cái ác đang được diễn ra một cách công khai, công lý đang bị chà đạp.”
“Người nhà chúng tôi không thể sống lại, trở về cùng gia đình nhưng chúng tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần có những bản án đúng lương tâm, một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy tội ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, cảnh những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi cái chết của người thân do bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo vệ luật pháp và bảo vệ công dân."
Những lời nói của ông Phục, chị Tuyền, Kim Tiến rõ ràng đã được tiếp tục chứng minh. Thật oái oăm, bi đát bởi cái chết xảy ra trong cùng một ngày họ cùng nhau lên tiếng nói, tố cáo tội ác của công an với Quốc hội. Nó cũng chứng minh cho thấy việc làm của họ là cần thiết vì rõ ràng là khi tội ác được bao che, lấp liếm, công lý bị chà đạp thì tội ác lại tiếp tục xảy ra.
Làm thế nào để không còn những sợi dây treo cổ "tự do treo", "thoải mái treo" trong đồn công an và "vô tư" tiếp diễn?
Làm sao để không còn những người đi vào đồn công an bằng đôi chân khoẻ mạnh và ra khỏi đồn công an là một các xác bầm tím khắp người?
Ba người Nguyễn Quang Phục, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã mòn mỏi đi tìm câu trả lời ấy bằng nước mắt, bằng ý chí, bằng lòng can đảm và hành động dứt khoát của họ.
Nhưng không đủ!
Vì tội ác vẫn cứ tiếp diễn, tin tức về người dân bị chết bởi công an, chết trong đồn, chết sau khi bị chận trên đường giao thông vẫn xuất hiện trên mặt báo.
Chúng ta cần những bàn tay, tiếng nói, đôi chân góp sức của nhiều người cùng đồng hành với gia đình nạn nhân để ngăn chặn tội ác đang ngày đêm tiếp tục diễn ra bởi bàn tay của một số công an coi thường mạng sống của người dân.
Hãy cùng với họ, cùng tranh đấu để chấm dứt tình trạng công an giết người vô cớ, vô pháp luật và vô nhân đạo.

1 - http://danlambaovn.blogspot.com/2012/03/ong-on-to-cao-va-yeu-cau-quoc-ho...

http://rfavietnam.com/node/1684

Tôi đi xem “tấu hài”

Việc khiếu nại, khiếu kiện đất đai luôn là chủ đề nóng tại Việt Nam hiện nay. Bởi việc ban hành các nghị định, quyết định, thông tư của các cơ quan chức năng nhà nước trong vấn đề thu hồi, cưỡng chế giải tỏa đất nhằm phục vụ nhu cầu đô thị hóa của chính quyền hoặc các chủ đầu tư (tư nhân) ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của người dân.
Khi việc tư hữu hóa đất đai chưa được hiến pháp công nhận, thì bằng cách quyết định trái pháp luật được ban hành, các cơ quan nhà nước đã tạo ra một giai cấp xã hội mới sau năm 1975, được gọi là dân oan – tức là những người đang từ có nhà cửa, công ăn việc làm, nay bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất, không nghề nghiệp do bị tịch thu mất đất, mất nhà.
Mặc dù đã được nghe, được đọc nhiều thông tin về các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ được trực tiếp tham gia vào một phiên tòa xử những vụ việc tương tự như trên. Và hôm nay, ngày 27/06/2013, lần đầu tiên, tôi được xem “tấu hài” miễn phí tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, số 2 đường Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang.
Nguyên đơn vụ khởi kiện quyết định hành chính về việc cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng là vợ chồng ông Quang Nhật Mạnh.
Bị đơn là Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang.
Tóm tắt vụ việc như sau:
Sau khi phê duyệt dự án xây dựng mới chợ Vĩnh Hải, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi trắng 402m2 đất sở hữu hợp pháp của gia đình ông Quang Nhật Mạnh tại địa chỉ 40B đường 2/4, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang. Địa chỉ này đồng thời là nhà ở, cũng là nơi sinh hoạt của Clb Thanh niên Vĩnh Hải (một trong những địa chỉ rèn luyện thân thể và sinh hoạt văn hóa khá mạnh ở phía Bắc thành phố), và là nơi tập luyện của Clb Khuyết tật Vĩnh Hải do ông Mạnh làm chủ nhiệm.
mn-0627-2-250.jpg
Ngày 25/07/2008, trong khi ông Mạnh đang thực hiện nhiệm vụ là HLV Đội tuyển Paralympic Bắc Kinh 2008 của Việt Nam thì nhà ở và câu lạc bộ của gia đình ông bị cưỡng chế giải tỏa trắng. Điều đáng nói ở đây là quá trình tống đạt các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, biên bản giao đất tái định cư đều không đúng với quy định của pháp luật.
Từ chỗ là một gia đình có nơi ở và nghề nghiệp đàng hoàng, cả gia đình ông Mạnh phải thuê nhà trọ ở và kiếm sống bằng nghề giữ xe tại khu vực chợ Vĩnh Hải. (*)
Sau 5 năm ròng rã đi khiếu nại, khiếu kiện, lần đầu tiên vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Bên phía bị đơn, Chủ tịch UBND thành phố không xuất hiện. Hai người được ủy quyền là ông Phạm Văn Thọ, giám đốc Ban QLDA các CTXD Nha Trang, và ông Trần Duy Sơn, cán bộ Ban QLDA các CTXD Nha Trang, chỉ có ông Sơn xuất hiện.
Phiên tòa được bắt đầu trễ hơn dự kiến một tiếng mà không có bất kỳ thông báo nào. Ngay trong phần bắt đầu phiên tòa, ông Quang Nhật Mạnh đã phát biểu “sau chừng đó năm chờ đợi, hôm nay tôi hy vọng công lý sẽ được thực hiện”.
Ngay trong phần tranh luận, đại điện bị đơn là ông Trần Duy Sơn không trả lời được hầu hết các câu hỏi do luật sư bên nguyên đưa ra, và không thể cung cấp các chứng cứ có liên quan theo đề nghị của tòa. Chủ tọa phiên đã nhắc nhở ông Sơn: nếu câu nào anh trả lời được thì anh trả lời, câu nào không thì anh thông báo, vì đây là cơ quan nhà nước, khâu quản lý không chỉ do một người đảm nhiệm nên có thể anh sẽ không tìm ra nếu không trực tiếp thực hiện.
Sau phần hỏi đáp cả hai bên nguyên và bị đơn, bà Phạm Thị Minh Huyền, đại diện VKS Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã đọc bản kết luận của VKS (hình như đã được chuẩn bị sẵn từ trước)nội dung chủ yếu như sau: xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý của VKS nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đề nghị tòa xem xét.
Khi chứng kiến hình ảnh bà Huyền rút sẵn tập giấy A4 đã được đánh máy sẵn ra đọc, tôi tự hỏi, nếu đã biết trước kết luận này thì hóa ra màn hỏi – đáp nãy giờ của bà là một màn diễn ư?
Thực sự, tôi rất thắc mắc về việc chuẩn bị sẵn kết luận của VKS, bởi nó là một trong những yếu tố quyết định sự công bằng trong phiên tòa, và quả thật lời đồn có những “bản án bỏ túi” là có cơ sở.
Sau giờ nghỉ trưa, chủ tọa thay mặt HĐXX tuyên bố “đình chỉ xét xử vụ án hành chính”, “chuyển toàn bộ hồ sơ về Tòa án thành phố Nha Trang để giải quyết theo thẩm quyền”.
Vậy là chỉ cần khoảng 7 phút, màn tấu hài đã kết thúc dù nó bắt đầu trễ hơn dự định 1 tiếng.
Câu hỏi theo tôi trên suốt đường về: Nếu đã xác định là không thuộc thẩm quyền của tòa án tỉnh, tại sao ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu nguyên đơn bổ sung, cung cấp chứng cứ họ không từ chối thụ lý vụ này? Tạo sao phải lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân để diễn một màn tấu hài như hôm nay? Phải chăng họ muốn xem nguyên đơn thực sự có những chứng cứ gì từ đó đá lại quả bóng trách nhiệm cho tòa thành phố để dễ bề đối phó với người dân hơn??
5 năm chờ đợi công lý của gia đình ông Mạnh có thể chưa là gì so với thời gian chờ đợi mỏi mòn của hàng tram ngàn dân oan khác trên khắp các tỉnh thành tại Việt Nam.
Điều đó nói lên điều gì?
Pháp luật được lập ra là để duy trì trật tự xã hội, không phải phục vụ lợi ích của một nhóm người nào, cũng không phải là cái bẫy để đẩy người dân vào vòng tròn khiếu kiện lẩn quẩn vì đợi chờ.
Cùng lúc với việc Quốc hội hoãn thông qua sửa đổi luật đất đai, hành động của những người đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm nay một lần nữa chỉ ra rằng: chính quyền sẽ không từ bỏ lợi ích của mình khi bị phát hiện có sai phạm một cách dễ dàng. Họ không thể lôi từng cá nhân có quyết định sai phạm ra ánh sáng, bởi đương nhiên là không ai chịu chết một mình, họ sẽ bằng mọi giá, mọi cách, mọi thủ đoạn để bấu víu và bảo vệ quyền lợi của mình.
Không giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn xung đột giữa người dân và chính quyền trong các vụ khiếu nại, khiếu kiện đất đai hôm nay, xem ra, chính quyền Việt Nam không khác gì mấy bọn cường hào ác bá bóc lột xương máu, tiền của nhân dân mà họ đòi xóa bỏ từ thời Cách mạng Tháng Tám.
Lẽ nào đi một vòng tròn, nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quang vinh muôn năm hôm nay, ngã đúng vào vết xe đổ của chế độ phong kiến ngày xưa?
Có lẽ, hỏi tức là đã trả lời.

(*)http://www.tienphong.vn/xa-hoi/150838/HLV-xuat-sac-trong-xe-o-cho.html

http://rfavietnam.com/node/1677

Quyền tự do dân chủ & lợi ích nhà nước

Tối ngày 13/06/2013, nhiều báo trong nước đồng loạt đưa tin “Bắt khẩn cấp ông Phạm Viết Đào” về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Ông Phạm Viết Đào là blogger thứ 2 sau ông Trương Duy Nhất (cho tới thời điểm này, đã 20 ngày trôi qua nhưng ông Nhất vẫn bặt vô âm tín) bị cơ quan An ninh bắt trong tình trạng khẩn cấp theo điều 258 Bộ luật Hình sự - Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
(Trích Bộ luật Hình sự Việt Nam)
Cả ông Trương Duy Nhất và ông Phạm Viết Đào đều đã từng là người của “nhà nước” trước khi trở thành blogger.
Ông Nhất nguyên là nhà báo tại báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng, sau chuyển sang báo Đại Đoàn Kết, thường trú khu vực miền Trung. Còn ông Đào nguyên là cán bộ thanh tra thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nguyên trưởng Phòng Thanh tra hành chính chống tham nhũng - Bộ Văn hóa – Thông tin, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Có lẽ không có blogger nào hiểu rõ về khái niệm “lợi ích nhà nước” hơn hai bloggers vừa bị bắt khẩn cấp trên.
Không như các vụ án hình sự khác, toàn bộ “tang vật” được sử dụng làm bằng chứng trong vụ bắt giữ hai bloggers trên có lẽ là những bài viết mang quan điểm cá nhân được đăng công khai trên blog “Một góc nhìn khác” và blog “Nhà văn Phạm Viết Đào: Thế sự - Văn chương – Tâm linh” . Những ai truy cập Internet đều có thể “tiếp cận” với tang vật vụ án một cách dễ dàng.
Điều đáng bàn ở đây là nội dung toàn bộ các bài viết, thường được cơ quan an ninh điều tra suy diễn, diễn giải theo hướng hiểu nhất định của họ, hòng đi đến một kết luận chung là “nói xấu, làm giảm uy tín nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân”.. Và với kinh nghiệm của cá nhân tôi sau nhiều lần làm việc với an ninh thì những gì bên phía an ninh hiểu (hoặc cố tình hiểu), luôn được mặc nhiên là sự hiểu của đa số bộ phận người dân còn lại, tức là lực lượng an ninh đã và đang nhân danh nhân dân để tuyên bố rằng tôi hiểu bài viết của anh có mục đích (ý đồ) như thế.
Đúng, sai trong vấn đề này tôi xin nhường lại câu trả lời cho người đọc.
Tuy nhiên cơ quan an ninh cố tình quên một điều rằng, các bloggers chưa bao giờ ép buộc ai phải đọc những điều họ viết, cũng không bao giờ kêu gọi người đọc phải đồng thuận với quan điểm cá nhân được đăng tải công khai của họ. Blogger viết vì họ muốn sử dụng các trang mạng xã hội để bày tỏ quan điểm của mình. Điều này rất khác với hệ thống truyền thông đang chịu sự quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông và ban Tuyên giáo. Vì thế để đi đến kết luận rằng các bloggers lợi dụng “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước” thì phải xem xét kỹ rằng họ thực sự có quyền tự do dân chủ để nói những điều mình nghĩ một cách công khai hay chưa?
(Nguồn ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, phải làm rõ cụm từ “lợi ích nhà nước” được cho rằng “bị xâm phạm” là lợi ích gì, ai là người thụ hưởng trực tiếp lợi ích ấy.
Việc các blogger đăng tải công khai danh tính và hình ảnh cá nhân của mình khi viết bài cho thấy họ thực sự rất sòng phẳng và nghiêm túc khi đưa ra nhận định của mình, nên việc làm rõ lợi ích và tổ chức bị xâm phạm bởi các bài viết là việc làm cần thiết. Bởi không thể có một phiên tòa mà bên bị xâm phạm là chủ thể mơ hồ không được định nghĩa rõ ràng nhưng lại cử đại diện là lực lượng công an, an ninh, viện kiểm sát, tòa án… nhân danh pháp luật để đứng ra điều tra, kết tội và tuyên án.
Với vai trò là một blogger tôi nghĩ rằng, nếu Việt Nam thực sự có tự do dân chủ thì chắc chắn sẽ không có ai bị sách nhiễu, bị tạm giữ, bị bắt giam bởi việc phát biểu quan điểm cá nhân của mình công khai trên các trang mạng xã hội.

Nếu ai đó cho rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm thì hãy xem việc bắt giữ hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào hôm nay là câu trả lời rõ ràng nhất cho ý nghĩ đó.
(Nguồn ảnh: Internet)
Một nhà nước "của dân, do dân và vì dân", một nhà nước luôn nêu cao khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" không thể nào lại hành xử kém văn minh như những kẻ ngoài vòng pháp luật như vậy được. Và càng không thể có một nhà nước được đại diện bởi một chính quyền luôn sợ hãi những điều dân nghĩ, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như vậy.
Đừng ai nói với tôi đó mới là "thiên đường".

http://rfavietnam.com/node/1663

Mạng người - mạng chó ?

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam thì tội trộm cắp (ăn trộm) thường gây hậu quả ít hơn hơn tội cướp giật (ăn cướp) và vì thế kẻ ăn trộm khi bị người dân bắt giữ được giao cho cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật rất ít khi bị tước đoạt mạng sống.
Vụ việc vừa mới xảy ra tại xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khi hai kẻ trộm chó chuyên nghiệp trên địa bàn vừa bắt được một con chó thì bị người dân phát hiện, truy đuổi rồi đánh chết một đối tượng, đánh trọng thương đối tượng còn lại (kể cả lúc đó đang có mặt trưởng công an xã đang đứng bảo vệ hiện trường) khiến tôi lại phải một lần nữa đặt ra câu hỏi:
Phải chăng một bộ phận người dân đã không còn niềm tin vào lực lượng thi hành và bảo vệ pháp luật nữa?
Người miền Bắc, Việt Nam có thói quen ăn thịt chó quanh năm suốt tháng. Nắm bắt được thói quen này nên nhiều người đã chọn nghề trộm chó (hay nói một cách khác theo ngôn ngữ của báo chí là cẩu tặc) để kiếm sống, bởi lợi nhuận mà nó mang về không phải là nhỏ. Điều này đã khiến cuộc sống của nhiều người dân ở vùng nông thôn bị xáo trộn, và gây ra bức xúc không nhỏ cho những gia đinh bị mất đi con vật nuôi thân thiết hàng ngày.
Giải quyết tình trạng này thế nào là trách nhiệm của bộ phận công an xã, nơi đại diện cho sự hiện diện của lực lượng thừa hành pháp luật.
Theo lời ông Lưu Xuân Hùng – Trưởng công an xã Tân Thành: cách đây hơn 2 tháng, cũng chính hai đối tượng ăn trộm bị truy đuổi và đánh đập kể trên đã được gọi lên công an để làm việc nhưng tuyệt nhiên hai đối tượng này ngoan cố chống đối và trốn tránh. Quá bức xúc người dân đã sang tận nhà hai đối tượng này để đánh dằn mặt nhưng cả hai đã bỏ trốn. (1)
Cho đến khi vụ việc xảy ra thì lực lượng công an xã đành thúc thủ đứng nhìn, bởi không thể kiểm soát được sự phẫn nộ của đám đông.
Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về việc xử phạt đối với những trường hợp trộm cắp tài sản của người khác mà thiệt hại không lớn hơn 2 triệu đồng thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Nhưng nếu lực lượng công an xã được đào tạo căn bản và làm hết trách nhiệm trong công việc của mình thì vụ việc lấy làm thí dụ trên đây đã đáp ứng đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm bởi hành vi có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp và được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến việc ra các quyết định ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh hơn đối với hai đối tượng vi phạm và răn đe các đối tượng khác.
Tuy nhiên thực tế không diễn ra như vậy, điều này nói lên điều gì?
Phải chăng việc bổ nhiệm các chức danh Trưởng, Phó công an xã ở cấp cơ sở không được chặt chẽ dẫn tới “có nơi có bí thư đoàn xã, chủ nhiệm hợp tác xã hay thậm chí có nơi, một anh kế toán xã… không hề có chuyên môn, nghiệp vụ gì về lĩnh vực pháp luật, an ninh trật tự… cũng được điều sang làm Trưởng, Phó công an xã - Thượng tá, Nhà giáo ưu tú Bùi Quang Vũ (Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I).
Cũng chính thượng tá Vũ đã cảnh báo “nếu không được đào tạo, bồi dưỡng đến nơi đến chốn thì nguy cơ công an xã mắc sai phạm trong công tác là rất cao”. (2)
Lời cảnh báo đã thành sự thực khi nghiệp vụ của một bộ phận các cán bộ trong ngành công an rất kém, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra.
Một mạng người không đổi được một mạng chó kể trên là một thí dụ.
Mọi người dân dù sống ở thành thị hay nông thôn thì đều có quyền được bảo vệ và bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Không thể đổ lỗi cho tình trạng “làm bậy” hay thiếu trách nhiệm trong xử lý tình huống của một số bộ phận công an xã là do không được đào tạo căn bản.
Nếu mạng sống của một con người nếu chỉ ngang hàng với sinh mạng của một con chó như hôm nay thì đã đến lúc đặt câu hỏi nghiêm túc rằng chúng ta đang sống ở thời nào?
Đọc con số thống kê "toàn quốc vẫn còn 1.915 Trưởng công an xã và dự bị, dự nguồn vẫn chưa được đào tạo chuẩn hóa, hơn 2 vạn công an xã chưa được huấn luyện" bạn có suy nghĩ gì không?
(1) http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Truong-CA-ke-lai-canh-hang-nghin-nguoi-vay-...
(2) http://www.phapluatvn.vn/phapluat/201210/May-anh-cong-an-xa-lam-bay-thuo...
------
http://rfavietnam.com/node/1644

An ninh Việt Nam và RFA


303914_294610687228500_835967159_305.jpg
Lần đầu tiên tôi chính thức nghe cơ quan an ninh Việt Nam nói đài Á Châu Tự Do (RFA) là “đài phản động” khi tôi trả lời phỏng vấn về việc mình bị câu lưu làm việc đến quá nửa đêm vào năm 2009, với lý do liên quan đến chuyện viết blog, in áo và phân phát áo thun với nội dung “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Stop bauxite – No China”, “Hãy giứ lấy màu xanh và an ninh cho Việt Nam”.


Cuộc phỏng vấn tôi lúc ấy do phóng viên Hà Giang thực hiện đã được cơ quan an ninh in ra để trở thành một phần hỏi – đáp trong quá trình làm việc tiếp theo. Tôi không thể cải chính hay giải thích gì giùm cho RFA khi bị cơ quan an ninh kết luận là phản động, tôi chỉ có thể nói với họ rằng: Nếu tôi nói gì sai thì hãy bắt bẻ và kết tội tôi, nếu tôi phản ánh đúng sự thật, dựa trên quan điểm của tôi, thì anh/chị không có quyền bắt tôi im lặng.
Có vẻ cơ quan an ninh rất quan tâm đến mối liên hệ của mỗi công dân Việt Nam với các phóng viên báo chí bên ngoài nên họ thường tìm hiểu lý do quen nhau, cách thức trả lời phỏng vấn… Và tôi đã chia sẻ rằng, với thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, việc tra hỏi về một mối quan hệ truyền thông thì thật là ngớ ngẩn, thế giới Internet là cầu nối mọi người với nhau cơ mà.
Sau đó lần đó, họ không bao giờ in bất kỳ bài trả lời phỏng vấn nào của tôi với đài RFA ra để hỏi nữa.
Với những gì đã trải qua, tôi nhận thấy rằng quan điểm phản động mà cơ quan an ninh Việt Nam dành cho các cơ quan báo chí truyền thông bên ngoài như RFA, BBC, RFI, VOA… chính bởi vì một nửa sự thật mà họ che giấu nay đã được công khai trên mặt báo chí, đài phát thanh trong các lĩnh vực nhạy cảm như dân oan, đàn áp tôn giáo, đàn áp quyền tự do ngôn luận… Và cũng vì lý do này hầu hết những người nắm vị trí lãnh đạo, điều hành các cơ quan chức năng trực thuộc hệ thống hành chính của nhà nước luôn e dè khi được các cơ quan báo chí kể trên phỏng vấn.

Một hình thức mới


308604_294610650561837_18432744_250.jpg

Qua vài năm trở lại đây, khi không thể kiểm soát được việc công dân tìm hiểu thông tin “ngoài luồng” trên Internet, thì việc vu vạ cho RFA là “đài phản động” dường như đã chuyển sang một hình thức mới. Đã xảy ra tình trạng gán ghép RFA là cơ quan phát ngôn của vài đảng phái ở hải ngoại, cũng như đã có chuyện “bỏ nhỏ” rằng một số phóng viên đang làm việc cho đài RFA là người của an ninh Việt Nam cài vào. Tôi ngồi nghe, xem và chứng kiến tất cả những điều đó rồi tự đi tìm cách để kiểm chứng sự thật cho riêng mình.
Trước khi quyết định trở thành một thành viên của RFA, tôi đã có một câu hỏi thẳng và ngắn với anh Nguyễn Khanh – Giám đốc Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do – để giải tỏa sự nghi ngờ trong lòng mình (và có lẽ cũng là sự nghi ngờ của nhiều người khác):
“RFA có phải là kênh thông tin riêng của đảng phái nào ở nước ngoài không?”
Và câu trả lời tôi nhận được là: “Không”
Nó hoàn toàn thỏa mãn tiêu chí của tôi rằng cơ quan truyền thông phải đứng độc lập để phản ánh sự thật mà người đọc, người nghe cần phải biết để tự đó có đánh giá, nhận xét của riêng mình.
Có người đã hỏi tôi rằng: “Liệu an ninh Việt Nam có gây khó khăn gì cho tôi khi tôi nhận lời xuất hiện chính thức trên RFA không?”
Tôi đã trả lời rằng: “Chuyện an ninh gây khó khăn cho người viết blog là chuyện có thật đã xảy ra hàng ngày ở Việt Nam, vì vậy cá nhân tôi không thể đánh giá được việc họ sẽ làm trong tương lai.”
Tôi chỉ có thể tin rằng: Viết blog, hay viết cho RFA là một trong những cách bày tỏ quan điểm, thái độ, và góc nhìn của cá nhân tôi với xã hội Việt Nam, và tôi có trách nhiệm với những gì mình viết.
Nếu bị gây khó dễ, bị “kiếm chuyện” vì những gì mình viết một cách công khai thì tôi hoàn toàn sẵn lòng, bởi qua đó, cơ quan an ninh Việt Nam đã giúp tôi chứng minh cho sự hiện diện của quyền tự do ngôn luận đã được quy định bởi Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với người dân trong nước và quốc tế.
Tôi không nghĩ rằng, Internet làm cho nhà nước Việt Nam phải sợ hãi, nhưng nguyên nhân chính là do sự hiện diện của Internet đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân trong nước, và thực sự họ không thích điều này.
Đến với RFA, tôi hy vọng mình có thể góp một phần nhỏ bé của mình trong việc độc lập truyền tải thông tin và sự thật đang diễn ra tại Việt Nam đến với nhiều người, nhất là cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, để từ đó chúng ta cố gắng và nổ lực hơn vì một Việt Nam tự do và phát triển thật sự.
Và tôi cũng hy vọng rằng một ngày không xa, tự do báo chí thực sự sẽ đến với Việt Nam, để cơ quan an ninh Việt Nam không còn coi RFA là thế lực phản động nữa.
Trân trọng cám ơn mọi sự khuyến khích và giúp đỡ cá nhân tôi trong việc cất tiếng nói của mình của tất cả mọi người.

http://rfavietnam.com/node/1633

Nguyễn Văn Hải – Blogger Điếu Cày – Anh là ai?

Khi tôi bắt đầu viết những dòng này thì người  cựu chiến binh sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Hải đang ở trong tình trạng sức khỏe nguy kịch vì anh đã bước sang ngày thứ 32 tuyệt thực tại trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An).

Nhiều người bạn của tôi sau khi liên tiếp đọc tin trên Facebook về việc tuyệt thực của người đàn ông 61 tuổi này đã đặt câu hỏi: “Ông ấy là ai? Tại sao phải chọn cách hành hạ thân xác mình như vậy?”

Tôi không biết trả lời bạn mình sao cho hết ý, bởi chính tôi cũng là người nhiều lần phải đặt câu hỏi ấy ngay từ lúc bắt đầu tìm hiểu về blogger Điếu Cày, cái nickname dân dã mà anh Nguyễn Văn Hải đã sử dụng từ thời Yahoo 360.

Còn nhớ lần đầu tiên được xem một số hình ảnh về Thác Bản Giốc và thông tin về Câu lạc bộ Nhà báo Tự do trên Yahoo 360, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Với vai trò là một cựu quân nhân, blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải đã luôn trăn trở về tình hình chủ quyền hiện tại của đất nước, và việc duy nhất khiến anh trở thành cái gai trong mắt của nhiều người đến giờ chính là việc khởi xướng phong trào nhà báo tự do, tập hợp nhiều người viết lại với nhau, sưu tầm và phổ biến những hình ảnh, những bài viết mà chúng ta khó có thể tìm thấy trên những tờ báo nhà nước.

Vì sao một người lính lại có thể trở thành "kẻ phản động" trên hàng loạt mặt báo chỉ vì kêu gọi biểu tình phản đối lễ rước đuối Olympic Bắc Kinh 2008, chỉ vì tham gia biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc trên biển Đông 2007?

Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì:

Đã từng là một người lính, có lẽ hơn ai hết blogger Điếu Cày hiểu rõ thế nào là trách nhiệm của công dân với Tổ quốc,.

Đã từng là người cầm súng bảo vệ đất nước, có lẽ hơn ai hết anh hiểu danh dự Tổ quốc nằm  ở đâu khi đồng bào mình bị cướp bóc bị giết chết trên chính ngư trường quê hương.

Và chính vì thế anh đã chọn cách biểu lộ tình yêu với Tổ quốc không theo bất kỳ định hướng hay chủ trương nào: lập blog, chia sẻ  nhiều bài viết, và có các hoạt động cổ vũ cho việc bảo vệ lãnh thổ, phản đối công khai việc Trung Quốc thành lập huyện đảo Tam Sa tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Cái tội to nhất của Điếu Cày có phải là đây không?

Câu trả lời tùy vào bạn là ai? đang ở vị trí nào và cái đầu đang cúi về hướng nào.

Để trừng phạt những người Việt Nam bất tuân mối quan hệ “4 tốt” và “16 chữ vàng”,  người ta đã trừng phạt Điếu Cày thế nào?

Bản án vô lý đầu tiên mà ngành tư pháp Việt Nam dành cho blogger Điếu Cày đó là tội trốn thuế.

Theo cáo buộc của tòa án, ông Nguyễn Văn Hải cho thuê nhà từ năm 1999 tới 2008, và số thuế phải đóng là 400 triệu đồng. Phát biểu trước truyền thông, luật sư Lê Công Định, một trong hai người tham gia bào chữa cho rằng: “Các chứng cứ rất yếu, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các chứng cứ rất sơ sài, chủ yếu là để buộc tội, không khách quan, phần nhiều dựa vào lời khai của những người thuê nhà trước đây... Theo hợp đồng, anh Hải lẽ ra phải đóng thuế nhưng hai bên đã thỏa thuận giao cho bên thuê nhà nộp thuế. Cho nên ở đây không có hành động gian dối trốn thuế. Nếu có thì chỉ có thể buộc một lỗi rất nhỏ, một lỗi vô ý. Đó là anh Hải đã không đốc thúc bên thuê đi đóng thuế thôi”.

5 tháng tạm giữ cho một người chủ nhà vi phạm tội trốn thuế mà lẽ ra theo thỏa thuận thì bên thuê nhà phải là người nộp thuế. Bi hài cho ngành tư pháp Việt Nam không?

Chưa dừng lại ở đó, ngay sau bản án 30 tháng tù giam vì tội trốn thuế, blogger Điếu Cày không được hưởng lấy một giây phút tự do, dù chỉ là khoảnh khắc.

Bởi ngay đúng ngày mọi người bên ngoài nhà tù lớn đang dự định chào đón anh về nhà, thì Điếu Cày lại tiếp tục bị bắt giam để rồi sau này bị đưa ra xét xử với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước” – theo điều 88 Bộ luật Hình sự.   

Bất chấp việc gần 1000 công dân Việt Nam trong và ngoài nước công khai yêu cầu chủ tịch nước Trương Tấn Sang can thiệp vào việc giam giữ người tùy tiện, trái phép, bất chấp dư luận quốc tế lên tiếng, bất chấp lương tri và đạo đức, chính quyền tiếp tục giam cầm và đối xử khắc nghiệt với blogger Điếu Cày cho đến tận bây giờ.

Có lẽ họ cho rằng, việc trừng phạt nghiêm khắc những người đi đầu trong việc phản đối Trung Quốc xâm lược sẽ làm những người bên ngoài sợ hãi và chùn bước? Hoặc giả chăng đó là món quà làm đẹp lòng người láng giềng của đảng Cộng sản Việt Nam?

Kết quả rõ ràng nhất mà người Việt Nam có thể thấy đó là: từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã thành lập xong thành phố Tam Sa, đã bắt đầu khai thác tour du lịch đến Hoàng Sa, và ngư dân Việt Nam đã và đang bị cướp bóc, và phải trả giá bằng mạng sống trên chính ngư trường quê hương mình.

Phải có bao nhiêu người bị đối xử như blogger Điếu Cày nữa thì hàng triệu người Việt Nam sử dụng Internet tiếp cận thông tin hàng ngày mới nhận ra rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ Bắc thuộc mới?

Tôi tin rằng người Việt Nam không vô cảm như vậy, bởi bằng chứng là có nhiều người đang tìm hiểu Điếu Cày là ai.

Hy vọng với những thông tin ít ỏi mà tôi có thể chia sẻ hôm nay, bạn bè và nhiều người khác sẽ có thêm góc nhìn về một người tù yêu nước trung kiên.

Một vài chia sẻ góc nhìn của tôi khi bạn có thái độ chính trị ở Việt Nam



Với một số kinh nghiệm ít ỏi của mình, tôi viết bài viết này, tặng bạn bè tôi – những người trẻ, luôn khát khao được cống hiến cho sự thay đổi, cho tiến trình dân chủ, tự do tại Việt Nam đang phân vân khi muốn chọn cho mình một con đường.

Trước hết phải nói ngay từ đầu, tôi không phải là một người làm chính trị, vì thế để tránh được các cạm bẫy lắt léo trong trò chơi chính trị, tôi đã phải trả giá bằng chính tự do của mình, dù là nó ít ỏi và chẳng thấm tháp gì so với sự hy sinh của các anh chị đi trước, nhưng nó đã dạy tôi một điều rất thực tế rằng, phải học được cách bảo vệ mình trước khi muốn tìm đến với tự do dân chủ.

Với sự bùng nổ của thông tin số hiện nay, khoảng cách giữa người với người rút ngắn lại, mạng Internet trở thành nơi giao lưu, chia sẻ và bày tỏ thái độ của nhiều người. Vì thế việc tìm hiểu và kết bạn với những người có cùng quan điểm chính trị để chia sẻ đường lối và phương thức đấu tranh trở thành hình thức phổ biến. Thế giới blog, mạng xã hội trở thành nơi giao lưu trực tuyến của các quan điểm chính trị, và cũng trở thành nơi để nhiều người tìm kiếm bạn cùng chí hướng với mình. Nhiều tổ chức, đảng phái đã sử dụng mạng Internet để làm công tác tuyên truyền và kết nạp người cho mình.

Trong suốt quá trình làm việc với cơ quan an ninh, tôi luôn “được” gợi ý, gán ghép và chụp mũ về việc đi ra nước ngoài học hỏi với việc tham gia các khóa huấn luyện về đấu tranh bất bạo động của đảng Việt Tân. Và đây không phải là điều mà một mình tôi trải qua, nó là kết quả chung cho tất cả những người có thái độ chính trị rõ ràng tại Việt Nam có điều kiện đi du lịch tại Thái Lan, Philippines, Malaysia..


Chúng ta phải khẳng định rõ ràng với nhau rằng, việc tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kiến thức về đấu tranh bất bạo động là nhu cầu và là quyền không thể chối cãi của mỗi cá nhân. Vì vậy, nếu tổ chức (đảng phái) nào có điều kiện muốn phổ biến các kiến thức trên thì chỉ nên đáp ứng đúng nhu cầu đó.

Việc chọn mục tiêu (đối tượng) cho phương thức đấu tranh bất bạo động như thế nào, hãy để cho người học họ tự quyết định, đừng mặc nhiên mục tiêu là thể chế độc tài, là Cộng Sản như một mẫu số chung – đó mới là dân chủ.
Hơn nữa khi ban tổ chức rủ rê, mời mọc, dẫn dắt người học đấu tranh bất bạo động để đối đầu với đảng Cộng Sản, mà không nghĩ ra phương án bảo vệ họ, thì khác nào việc mở khóa học của anh đã và đang đẩy người ta vào chỗ chết.
Đó không phải là phương thức xây dựng nền tảng đấu tranh, đó là sự hy sinh nhân lực lãng phí.


Mỗi tổ chức, đảng phái có đường lối và cách hành động của riêng mình, tôi không bao giờ muốn đụng chạm đến việc đó, tuy nhiên, đã đến lúc phải đặt câu hỏi rằng: Khi một tổ chức, đảng phái chưa tìm ra phương thức để bảo vệ người của mình khỏi những bản án nặng nề của Cộng Sản thì việc mời gọi họ tham gia tổ chức phải chăng là một hình thức giết chết nhân lực dần dần?

Tôi lấy ví dụ cụ thể như sau:
Năm 2010, khi Đại hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam Thế giới (gọi tắt là DH6) được tổ chức tại Manila (Philippines) thì một anh luật sư mà tôi biết đã giới thiệu cho cậu em trai tôi thế này:
“Anh thấy đại hội đó được lắm, họ tổ chức rất hay, em đăng ký tham gia đi, anh sẽ giới thiệu”.
Tôi ngồi đó nghe và im lặng, đến khi cậu em trai hỏi ý tôi, tôi chỉ trả lời: “Em nên tìm hiểu kỹ về đại hội và cả ban tổ chức rồi lúc đó hãy quyết định cũng không muộn”.
Kết quả tôi được biết là có nhiều người đi dự DH6 lần đó về bị mời làm việc, bị thẩm vấn và cả bị bắt giam. Điều không rõ ràng mà tôi muốn nói ở đây là người giới thiệu DH6 với em trai tôi, đã không sòng phẳng khi không nói cho em ấy biết tổ chức đứng đằng sau đại hội này là ai, và sẽ có rắc rối gì nếu tham gia đại hội.


Một ví dụ khác: Một chị bạn học trên tôi một khóa ở trường Trung học Phổ thông, bị an ninh mời làm việc liên tục cả tháng trời, cuộc sống bị xáo trộn, gia đình bị sách nhiễu và chị bị mất công việc đang làm rất tốt, bởi vì có liên quan đến việc đi học đấu tranh bất bạo động ở Thái Lan. Khi tôi biết chuyện do chị tìm đến để chia sẻ về mặt tinh thần, chị nói nếu trước khi đi học biết rõ ràng như những gì tôi phân tích chị đã không tham gia.
Tôi đưa ra hai ví dụ trên không phải để lên án hay phê phán ban tổ chức và những người giới thiệu, mà tôi muốn nói rằng: để nuôi dưỡng tinh thần dân chủ, chúng ta phải sòng phẳng và thẳng thắn với anh em mình, phải cho họ biết họ đối diện với nguy hiểm gì, và để họ lựa chọn.
Đừng cư xử bằng cách chỉ cho họ biết một phần sự thật dựa trên nhiệt huyết của họ, để rồi có chuyện họ ít nhiều bị shock vì thấy ngỡ ngàng.


Đã là tổ chức , đảng phái thì luôn luôn sẽ có mục tiêu và chắc chắn là người tham dự phải bám lấy mục tiêu đó, không thể nào bước chệch ra khỏi nó.
Bên cạnh đó với tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, chưa hề có một sự chuẩn bị vững chắc nào cho nhận thức của cộng đồng với luận điệu tuyên truyền chụp mũ của nhà nước , điều này dẫn tới sự rủi ro, nguy hiểm khá cao nếu tôi có ý định tham gia tổ chức chính trị. Nói một cách khác, nhìn vào thực tế hiện tại, tôi không thấy mình có sự an tâm hay tin tưởng vào tổ chức nào để dấn thân vào đó.

Đây là lý do lớn nhất khiến tôi không chọn đảng phái để theo đuổi con đường tìm đến tự do, dân chủ của mình.


Có điều kiện tìm hiểu thông tin, có điều kiện tiếp xúc với thế giới, có cơ hội được nghe bạn bè chia sẻ về kinh nghiệm đấu tranh của họ, để từ đó có thể chọn lựa cách biểu thị thái độ chính trị của mình, tôi nghĩ mình là người khá may mắn khi có được nhiều anh em  bạn bè tốt, những người chưa bao giờ coi tôi là người khác biệt, và tôi luôn ghi nhớ lời một người bạn đã nhắc tôi:

“Có thái độ chính trị rõ ràng trong một đất nước bị điều hành bởi chế độ độc tài là điều đáng quý, nhưng quý hơn là phải biết làm sao để mình đừng trở thành dị biệt giữa xã hội đầy rẫy sự sợ hãi kia. Bởi sức mạnh của đám đông không đến từ việc chứng minh mình can đảm, mà đến từ việc ngày càng có nhiều người bớt sợ hơn vì thấy những việc bạn làm là hết sức bình thường. “

Cá nhân tôi cho rằng, trong mỗi con người đều có sẵn tính phản kháng đến lúc cần nó sẽ trở thành phản xạ bản năng. Trong môi trường chính trị độc đảng như Việt Nam thì công dân không có sự lựa chọn nào ngoài những phản ứng bất bạo động. Vì thế, mỗi người là một cuốn sách, một phương thức hành động bất bạo động mà không ai có thể dẫn dắt hay bắt chước nhau, bởi mỗi người có một vị trí một thế đứng.

Với bối cảnh hiện nay, những người ở Việt Nam dù tranh đấu cho dân chủ, tự do hay là chống lại đảng Cộng Sản đều nên ý thức rằng:
Sự dấn thân (lựa chọn) của mỗi chúng ta đều được (bị) xem là làm chính trị. Đây không còn là một cuộc chơi đơn giản nữa, nó có thể buộc chúng ta phải trả giá, phải hy sinh. Và tiếp cận với trò chơi này cũng có rất nhiều hình thái, và đặc biệt là có rất nhiều mối quan hệ được giăng ra mà trong đó vị trí là bạn hay là thù sẽ bị tráo đổi thường xuyên.

Vì thế để tránh tình trạng bị đem ra làm chốt thí. Mỗi người chúng ta nên:

1. Trang bị cho mình thật nhiều kiến thức bằng cách đọc, lắng nghe, đi tìm hiểu để tránh tình trạng phán xét và kết luận theo kiểu duy ý chí để từ đó có thể rèn luyện được khả năng nhận định sự việc một cách khách quan bằng chính năng lực bản thân mình chứ không phải do ai dẫn dụ.

2. Phải cân nhắc mức độ thiệt hai, nguy hiểm và khả năng ảnh hưởng (kết quả) của những việc làm của mình. Đi đường dài nên nhìn vào mục tiêu xa rộng chứ không phải chuyện chỉ có một ngày hai ngày.

3. Nên xác định mục đích rõ ràng của những việc mình làm là vì cái chung, vì bản thân mình mong muốn, vì nhu cầu chung của xã hội để chọn cách hành động và phản ứng thích hợp, tránh tình trạng đẩy mình vào thế chống đối, co cụm (bởi chỉ có một mục tiêu đối đầu với lực lượng an ninh). Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị cô lập, bị đàn áp.

Và cuối cùng là chúng ta phải luôn tự tin vào chính bản thân mình, bởi trong mọi trường hợp xấu nhất chỉ có bạn là người phải giải quyết mọi vấn đề (hậu quả) chứ không có một ai khác đảm đương cùng. Ta nghĩ như thế để luôn sáng suốt và bình tĩnh đón nhận mọi biến cố.

Mỗi người chúng ta có quyền lựa chọn, và để có được sự lựa chọn đúng đắn nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho mục tiêu của mình thì chính chúng ta phải được an toàn.


Lời cuối cùng, tôi thực sự biết ơn tất cả những bạn bè đã lắng nghe và tin tưởng khi cùng làm việc với tôi với tất cả sự quan tâm và thương yêu như anh em một nhà dành cho nhau dù lựa chọn của chúng ta không phải là đảng phái chính trị.

Điều 258 Bộ luật Hình sự & Lợi ích nhà nước



Ngày 2 tháng 9 năm 2009, tôi bị bắt khẩn cấp lúc nửa đêm sau hơn 1 tháng ròng rã làm việc với lực lượng an ninh từ Bộ Công an và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA38) tỉnh Khánh Hòa.

Hành vi được xem là cấu thành tội phạm của tôi lúc ấy là viết blog về các vấn đề chính trị - xã hội, và kêu gọi in áo, mặc áo với nội dung “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Stop Bauxite – No China”, “Hãy giữ lấy màu xanh & an ninh cho Việt Nam”.

Lý do tôi bị bắt khẩn cấp lúc đó là vi phạm điều 258 Bộ luật Hình sự:
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
  1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.


Trong suốt 9 ngày trời bị giam giữ, không một ai giải thích cho tôi biết lợi ích nhà nước được cho rằng tôi “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” của mình bị xâm phạm là gì.

Nội dung thẩm vấn chỉ xoay quanh chuyện ai xúi viết blog, ai xúi in áo, tham gia tổ chức này, tổ chức kia ra sao.


Lần mới đây nhất, ngày 22 và 23 tháng 5 năm 2013, sau gần 24 tiếng làm việc với an ninh tỉnh Khánh Hòa, về việc đã phân phát bản Tuyên ngôn Quốc  tế  Nhân quyền và bong bóng bay với dòng chữ “Quyền Con Người của Chúng Ta phải được tôn trọng”, tôi nhận một biên bản vi phạm hành chính, cũng về việc viết blog (facebook) theo điểm i, khoản 3, điều 7 của Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội: “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo kích động người khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”



Điều đáng chú ý ở đây, khi tôi phản đối quyết định đưa ra biên bản trên, ông Trần Đình Hải, trung tá Công an Thành phố Nha Trang đã nói rằng: Họ kết luận tôi vi phạm hành chính vì tôi nói xấu nhà nước, làm mất hình ảnh của nhà nước…

Và hôm qua, blogger Trương Duy Nhất đã bị bắt khẩn cấp cũng bởi điều 258 Bộ luật Hình sự.

Câu hỏi đặt ra ở đây, với những quy định (được diễn giải) trong điều 258, Việt Nam thực sự có tự do, dân chủ không?

Và lợi ích của nhà nước bị các bloggers quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội xâm phạm là gì?

Ông Trương Duy Nhất cũng như tôi và một số blogger khác đã chọn cách công khai danh tính, để thẳng thắn nói điều mình nghĩ, và đã bị xem là “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” của mình.

Tôi đã từng nói với lực lượng an ninh, nếu cho rằng tôi không có đủ điều kiện để tiếp cận đủ thông tin, để viết những điều mà ban tuyên giáo muốn báo chí viết, thì ít nhất cơ quan công an phải thừa nhận quyền được nói điều mình nghĩ của tôi, ở góc nhìn của một công dân, dù nó có thể đúng, hoặc có thể sai, nhưng ít nhất nó không bao giờ có thể gây tác hại thực sự bằng chính những người có trách nhiệm đang lãnh đạo/thực hiện.

Ngăn cấm chúng tôi nói điều mình nghĩ, chia sẻ ý kiến với cộng đồng là một trong những cách chặn đứng thông tin, bưng bít sai phạm, góp phần tạo điều kiện khiến xã hội thêm trì trệ, tệ nạn có chỗ hoành hành.

Lợi ích của nhà nước, người được thụ hưởng thực sự phải là công dân, trong đó có cá nhân tôi, chứ không phải là lợi ích của một nhóm người, một lực lượng đảng viên đảng Cộng Sản.

Lợi ích của nhà nước không thể được xây dựng và phát triển bằng việc bóp nghẹt quyền phản biện của mỗi công dân.

Điều cuối cùng không kém phần quan trọng, mà tôi muốn bạn bè đọc bài viết này hãy thử suy nghĩ xem phải chăng điều 258 của Bộ luật Hình sự sẽ là cái thòng lọng xiết chặt quyền tự do ngôn luận của chúng ta – những người đang sử dụng mạng xã hội (blog, facebook, twitter…) để nói lên tiếng nói của mình.

Giả sử cứ cho rằng việc ông Trương Duy Nhất bị bắt là do có sự đánh nhau giữa các phe phái trong nội bộ của Bộ Chính Trị, thì tác nhân ảnh hưởng sâu nặng nhất trong vụ bắt giữ lần này vẫn là những người viết blog trong lĩnh vực chính trị - xã hội.

Liệu chúng ta có dám chiến đấu để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình hay không?

Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc ấy.

Tuyên bố - Sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không có tội!


Tuyên Bố - Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vô tội và là những người yêu nước

Trước bản án sai trái với tổng cộng 14 năm tù giam, 6 năm tù quản chế áp đặt lên hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, những Công Dân Tự Do ký tên dưới đây đồng tuyên bố:

1. Bản án dành cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã dựa vào tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong khi mọi đối tượng mà những hành vi của bị cáo nhắm đến, theo cáo trạng tại tòa hoàn toàn không phải là Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phản đối hành động bành trướng, xâm phạm chủ quyền của đất nước không những là nghĩa vụ mà còn là quyền của mọi công dân theo quy định của Điều 44, 51, 69, 76, 77 của Hiến pháp Việt Nam.

3. Bày tỏ ý kiến về một đảng phái chính trị là biểu hiện của quyền tự do ngôn luận được bảo vệ chẳng những bởi Điều 69 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà còn bởi Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vốn đã được Nhà nước Việt Nam ký kết và phê chuẩn.

Bởi thế, phán quyết của Toà cho rằng hai sinh viên yêu nước phạm tội Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự chẳng những thiếu căn cứ pháp lý mà còn vi hiến.

Do đó, Chúng Ta - Những Công Dân Tự Do kêu gọi: 

1. Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước cùng ký tên vào Tuyên bố này để khẳng định quan điểm và lập trường của công dân Việt Nam: Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vô tội và là những người yêu nước. 

2. Tiếp tục vận động các chính phủ, tổ chức quốc tế và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để tranh đấu cho tự do của Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.

3. Công khai thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau việc vinh danh và tiếp tục thể hiện tinh thần Vì danh dự dân tộc, chống bá quyền Trung Quốc. Vì tương lai đất nước, chống bầy sâu tham nhũng của hai sinh viên yêu nước.


Ngày 17 Tháng 5, Năm 2013 

Khởi xướng Tuyên Bố: Chúng Ta - Công Dân Tự Do 

Liên hệ với nhóm khởi xướng qua email: tuyenbocongdantudo@gmail.com

Mời các bạn cùng tham gia và ký tên tại đây:Tuyên bố - Sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không có tội!


Xem danh sách chữ ký cập nhật tại đây:
Danh sách những người đã ký tên vào "Tuyên bố - Sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không có tội!"

*
Ghi chú: Vì giá trị của bản Tuyên bố và với tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch, xin các bạn và quý vị chỉ tham gia ký tên cho cá nhân mình với những dữ kiện đầy đủ như sau: tên họ, nghề nghiệp, CMND (nếu là người trong nước), số nhà, đường, quận, thành phố, tỉnh...

Viết cho Nấm & Gấu


Nấm & Gấu thương yêu,

Mỗi ngày qua đi sẽ là một câu chuyện mà mẹ cần kể lại cho các con biết, và hôm qua là một ngày đáng để phải suy nghĩ khi mẹ lại bắt đầu kể cho hai đứa nghe chuyện của nước Việt mình.

Nước Việt một ngày như mọi ngày, ở giai đoạn mà ngoài biển Đông tràn ngập tàu cá Trung Quốc, và trên đất liền, trong một phiên tòa được gọi là công khai, người ta chặn các ngã đường, ngăn những bước chân của nhiều người đến để xem hai anh chị trong độ tuổi thanh niên, sinh viên bị xét xử.

Một chị bé xinh xắn đã lấy hòa máu trên tay mình viết nên dòng chữ "Tàu Khựa cút khỏi biển Đông", chị bé ấy đã khẳng khái nói lên suy nghĩ và hành động của mình với lương tâm và trách nhiệm của những người trẻ.  "Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm". Chị bé ấy tên là Nguyễn Phương Uyên.

Một anh trẻ tuổi khác, đã khẳng khái nói rằng: " "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội". Anh ấy tên là Đinh Nguyên Kha.
 Các anh chị ấy còn rất trẻ các con à.

Như trong một câu chuyện mà mẹ đã kể cho hai đứa nghe, thời của mẹ, thời của những đứa trẻ lớn lên trong hai thế giới Đỏ và Vàng - những đứa trẻ tội nghiệp vì bị thiếu hụt dữ kiện và sự thật - những đứa trẻ tội nghiệp vì phải mang vác nuối tiếc, hoài bão và hận thù của những người lớn.
Và hôm qua, trong một ngày đau buồn của lịch sử Việt Nam, những người lớn ở thế giới Đỏ kết tội hai anh chị trẻ tuổi vì khơi gợi lại giấc mơ màu Vàng.
Và mẹ với vị trí là một người hơi lớn, đứng nhìn tất cả những điều đó với sự ngổn ngang trong lòng.

Các con thương yêu,
Có thể hôm nay, ngày mai và nhiều ngày nữa, mọi người sẽ nhắc nhở và ca ngợi hai anh chị trẻ tuổi trên như những người anh hùng, anh thư của Tổ quốc.
Mọi người hồ hởi vì hai anh chị ấy đã nói, đã làm, đã vượt qua sợ hãi giùm mình, và rồi cũng chỉ có vậy.
Tất cả những lời ngợi ca ấy đều bất lực trước bản án vô lương dành cho hai anh chị, và rồi vòng tròn cứ thế mà xoay vần.
Những người lớn có trách nhiệm quên rằng việc chỉ ra những cái bẫy, việc tính toán, cân nhắc làm sao để mỗi ngày những người trẻ can đảm như chị Uyên, anh Kha tránh được tù tội.
Có người lạc quan rằng: "Nước Việt sẽ hưng nếu có những người như anh Kha, chị Uyên".
Mẹ thì khác, thật chua chát khi phải nhìn nhận sự thật rằng: "Nước Việt ta khó mà thay đổi nếu tất cả những người trẻ đều phải vào tù".

Ai cũng biết rằng cuộc chiến để giành lấy tự do ở thế giới Đỏ - không hề đơn giản một chút nào.
Ở cái thế giới mà người ta đang cố gắng bôi đen sự thật, xóa nhòa hai chữ Tự Do thì việc giữ gìn, nâng niu và bồi dưỡng kiến thức cho các anh, các chị trẻ là một việc cần phải làm và phải chú trọng hơn việc đẩy các anh chị ấy ra đối diện với tòa án, với những bản án bất công.
Mọi người đang bận quay cuồng với lý luận, phân tích để bảo vệ/công kích, tung hô/bôi nhọ hành động của các anh chị trẻ mà quên rằng, họ có quyền được biết sự thật, có quyền được tự do bày tỏ suy nghĩ của mình.
Và cuộc chiến ở thế giới Đỏ này vẫn sẽ còn tiếp tục vì sự dấn thân của những người trẻ như chị Uyên, anh Kha, mẹ tin là như vậy.

Không ai có thể sống mãi với cái màu đỏ ngột ngạt, đầy phỉnh phờ và dối lừa kia.

Nấm và Gấu thương yêu,
Mẹ đã hứa với lòng mình là sẽ không để tụi con và những bạn nhỏ khác phải mang vác quá khứ của người lớn nên việc duy nhất mà mẹ có thể làm là nỗ lực giành lấy cho con sự thật, giành lấy cho con quyền được nhìn nhận và phán xét sự việc do chính nhận thức của mình, để từ đó có thể lựa chọn phản ứng và hành động bằng chính bản năng và suy nghĩ của mình chứ không do bất kỳ một ai phán xét.

Nấm và Gấu thương yêu,
Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng, những người lớn như mẹ, phải nỗ lực giành quyền được nói, được bày tỏ cho các con,
Và cũng đã đến lúc để nói một cách sòng phẳng rằng, những người như chị Uyên, như anh Kha hoàn toàn không có tội khi viết những dòng này.



(Nguồn ảnh : Dân Làm Báo)

Thông báo của Chúng Ta- Công dân Tự Do về việc tiếp tục công khai phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Những buổi dã ngoại tại Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang vào ngày 5 tháng 5 năm 2013 vừa qua đã chỉ ra thực tế: Nhiều người vẫn "chưa hiểu" thế nào là Quyền con người và việc thể hiện Quyền Làm Người tại Việt Nam dù ở hình thức đơn giản nhất thông qua một cuộc Dã ngoại cũng đã phải đối diện với muôn ngàn khó khăn, trong đó, có cả máu và nước mắt.

Chính vì có sự "không hiểu" thế nào là Quyền Làm Người dẫn đến tình trạng không tuân thủ những yêu cầu và quy ước quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã cam kết tôn trọng khi ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ). Vì thế, nhu cầu HIỂU nội dung văn bản này để từ đó BIẾT TÔN TRỌNG Quyền Làm Người cần phải được tiếp tục đáp ứng.

Chính vì "không hiểu" và có hành vi chà đạp lên những giá trị căn bản và phổ quát được nêu ra trong bản TNQTNQ nên hiện nay những vận động để Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đang trở thành một nghịch lý khó có thể chấp nhận được bởi cộng đồng thế giới và lương tâm nhân loại.

Vì lẽ đó, Chúng Ta - Công Dân Tự Do sẽ:

- Cùng nhau công khai phổ biến văn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đến với nhiều người tại những nơi công cộng vào Chủ Nhật ngày 12 tháng 5 năm 2013.

- Gửi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đến các cơ quan công quyền gồm có các Đại Biểu Quốc Hội, Bộ Công An và UBND các thành phố lớn.

- Mời gọi các bạn trẻ cùng các bác, các cô, chú, anh chị tiếp tay để tất cả Chúng Ta đem những ý tưởng về Quyền Làm Người đến với đồng bào bằng cách lập nên mỗi nhóm 3-5 người cùng phổ biến tài liệu TNQTNQ ở những khu vực đông dân cư nơi mình sinh sống.

Các bạn thân mến,

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào hay bị quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới. (Điều 19 - TNQTNQ)

Và vì thế, tiếp nhận cũng như quảng bá tư tưởng của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chính là một trong những quyền của Chúng Ta. Mọi hành vi ngược đãi, ngăn cấm chỉ có thể tạm thời ngăn cản hành động của Chúng Ta nhưng không đời nào có thể tước đoạt được quyền con người của Chúng Ta. Chúng Ta muốn thật sự hiện hữu thì Quyền Con Người trong ta đương nhiên phải hiện hữu.

Có nhiều cách thức sáng tạo khác nhau để TNQTNQ đến được với nhiều người...

TNQTNQ sẽ là những chiếc bong bóng bay trên trời cao...
TNQTNQ sẽ là những máy bay trẻ con bằng giấy...
sẽ là những cánh diều bay...
hoặc bình thường một xấp tài liệu trao tay người bán hàng...

Chúng Ta hãy đồng hành với nhau trên con đường con nhiều gian nan nhưng bắt buộc phải tiến bước này.

Hãy sáng tạo...

TNQTNQ được gửi đến mọi người theo vũ điệu Gang Nam...
được chuyền tay nhau và mỗi điều của nó là một giòng chữ trên người,
trên áo của Chúng Ta...
hay là những chiếc thuyền con trên giòng nước...

Chúng Ta hẹn nhau vào ngày 12 tháng 5, 2013 để đem ánh sáng của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đến với nhiều người:

ở chợ
ở công viên
ở khuôn viên đại học
ở bãi biển
ở bến xe
ở nhà thờ, chùa chiền và ngay cả văn phòng quốc hội...

Và dã ngoại, trao đổi, chia sẻ bất kỳ ở đâu.

Chúng Ta- Công Dân Tự Do

VÀI HƯỚNG DẪN CHO BUỔI DÃ NGOẠI NGÀY 5/5/2013

Các bạn thân quý,

Ngày 5/5 sắp tới, Chúng ta chắc hẳn đang rất háo hức đón chờ và chào đón nhau tại buổi picnic để trao đổi về Quyền Con Người vào lúc 08h30 sáng. Để cho buổi dã ngoại được diễn ra thành công, xin được có vài hướng dẫn nhỏ dưới đây, mong các bạn lưu ý:

1. Tại Hà Nội:
- Chúng ta sẽ gặp nhau tại địa điểm được đánh dấu màu đỏ trên bản đồ đính kèm (1). Lối vào gần nhất là cổng công viên trên đường Nguyễn Văn Huyên, đối diện Bảo tàng Dân tộc học. Chúng ta có thể đi xe bus các tuyến 07, 12, 38, 39 hoặc đi xe máy và gửi xe trước cổng công viên. Tuy nhiên, có thể ngày đó sẽ rất đông đúc, chúng ta nên đi xe bus, xe ôm hoặc taxi hoặc gửi xe máy ở cách đó vài trăm mét. Có rất nhiều điểm gửi xe xung quanh công viên.


- Trong trường hợp công viên Nghĩa Đô bị đóng cửa để "sửa chữa" hoặc các con đường xung quanh công viên bị phong tỏa, Chúng ta sẽ đi bộ hoặc đi xe máy từ cổng công viên Nghĩa Đô về công viên Thủ Lệ theo đường Nguyễn Khánh Toàn như bản đồ đính kèm (2).


2. Tại Nha Trang:
- Chúng ta sẽ gặp nhau ở góc phải của Công viên Bạch Đằng, khu vực bãi cát có nhiều cây tràm, chéo góc cổng Học viện Hải Quân chừng 100m. Mời các bạn xem hình đính kèm.


3. Tại Sài Gòn:
- Chúng ta sẽ gặp nhau ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Duẩn. Khuyến khích các bạn tìm chỗ gửi xe trước khi tập trung ở khu vực này.


*** Chúng ta có thể mang theo 1 chai nước uống, một tờ báo cũ để trải ra ngồi và có thể cầm theo ô che nắng. Chúng ta sẽ nghiêm chỉnh chấp hành nội quy công viên: bỏ rác vào thùng, không dẫm lên cỏ, không hái hoa, bẻ cành.

- Chúng ta cần chuẩn bị trang phục nhẹ nhàng và gọn gàng, đúng như tinh thần của buổi dã ngoại, nên trang phục áo phông, quần jeans, đi giày thấp gót, thể thao và dép quai hậu. Chúng ta sẽ mang theo Chứng Minh Nhân dân và khoảng 100 ngàn đồng. Điện thoại được sạc pin đầy đủ.

Hẹn gặp các bạn vào 8h30 ngày Chủ Nhật ngày 5 tháng 5, 2013 này.

Thân mến,

Chúng Ta - Công Dân Tự Do

Một số hướng dẫn đáng chú ý khác