Có một sân chơi bị quên lãng...

"Trong khi mọi thông tin thể thao gần như dành trọn cho giải bóng đá AFF Suzuki Cup 2012 thì tối 22/11 tại Sài Gòn, giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2012 đã khai mạc tại Trung tâm Văn hoá Thể thao quận Tân Bình.

Năm nay có 914 vận động viên (VĐV) tham gia đến từ 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là giải có số lượng VĐV tham dự đông nhất trong những năm gần đây. Riêng đơn vị chủ nhà TP Hồ Chí Minh tham gia với số lượng áp đảo 400 VĐV."

(Tin từ báo Thể Thao Điện Tử)

Và lễ bế mạc giải đã được tổ chức vào ngày 25/11/2012 vừa qua.

Tham dự giải lần này, Câu lạc bộ người khuyết tật Vĩnh Hải đạt được 7 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

* Môn cử tạ:


- Nguyễn Văn Hùng - Hạng cân 67,5kg - Thành tích: 175kg - Huy chương Vàng - Phá kỷ lục Đông Nam Á.

- Nguyễn Thanh Xuân - Hạng cân 56kg - Thành tích: 164kg - Huy chương Vàng - Phá kỷ lục quốc gia.

- Nguyễn Phi Thuận - Hạng cân 48kg - - Thành tích: 125kg - Huy chương Bạc

- Đinh Thị Ngà - Hạng cân 56kg - Thành tích: 65kg - Huy chương Vàng

- Lê Thị Ánh Nga - Hạng cân 44kg - Thành tích: 65kg - Huy chương Vàng

*Môn điền kinh:

- Trương Tấn Hiền : 100m - Huy chương Vàng

200m - Huy chương Vàng

400m - Huy chương Vàng

Anh Nguyễn Văn Hùng (người bên trái trong ảnh) - vừa phá kỷ lục cử tạ Đông Nam Á hạng cân 67,5kg - trên nền đất của CLB vừa bị cưỡng chế.

Câu lạc bộ người khuyết tật Vĩnh Hải được thành lập trên cơ sở của CLB Thể thao Vĩnh Hải, và bị xóa sổ vào năm 2008 bởi dự án chợ Vĩnh Hải.

Trong thời gian đó, các thành viên của CLB phải ly tán khắp nơi.

Một số vận động viên có thành tích được Sở Thể dục Thể thao Khánh Hòa và Hà Nội đầu tư, nhưng việc đầu tư không dài hạn mà chỉ đặt mục tiêu thành tích, hoặc ngắn hạn khiến cho các vận động viên khó xoay sở trong cuộc sống mưu sinh của mình.

Từ 28 thành viên ban đầu, nay CLB người khuyết tật Vĩnh Hải chỉ mới nhen nhóm lại được một nhóm nhỏ tập trung ở môn cử tạ và điền kinh. Các vận động viên bơi lội và một số môn khác vẫn đang chờ ngày được luyện tập trở lại.

Không muốn làm bất kỳ một phép so sánh, cũng như đưa thêm lời bình luận nào bởi những gì được chứng kiến và thực tế đầu tư cho thể thao của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung, đã chứng minh tất cả.

Chia sẻ tin này với bạn bè, thực tâm chúc mừng các vận động viên đã đạt thành tích vừa qua, và hy vọng rằng sẽ có nhiều người quan tâm hơn tới niềm đam mê và nỗ lực thật sự của những người kém may mắn xung quanh mình.

Tôi thực sự ngưỡng mộ họ - những người mà tôi có dịp được gặp và làm việc cùng ở Câu lạc bộ người khuyết tật Vĩnh Hải.

Họ đã cho tôi biết rằng: chỉ cần có niềm tin và đam mê, bạn sẽ làm được điều mình muốn ngay cả khi hoàn cảnh không mỉm cười với bạn.

Huấn luyện viên Quang Nhật Mạnh cùng các vận động viên của mình.

P/S: Khi những dòng cuối cùng của entry này lên khuôn, tôi chợt nhớ rằng, sắp tới sẽ là phiên tòa hành chính xét xử việc ông Quang Nhật Mạnh khiếu kiện quyết định cưỡng chế Câu lạc bộ Thanh niên Vĩnh Hải của UBND Tỉnh Khánh Hòa năm 2008. 4 năm ròng rã để đưa được vụ án ra tòa, hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp để các thành viên của CLB có chỗ sinh hoạt khang trang hơn.

Toàn bộ diễn biến vụ "Đại gia truyền thông đánh hai bà cháu ăn mày sắp chết"


Tóm tắt vụ việc "Đòi công bằng cho bà Võ Thị Kim Hường và cháu Trúc Ly dưới đây được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, gồm: facebook của Sinh Lão Tà, blog Khải Đơn và Page "Cùng đòi công bằng cho bà Võ Thị Kim Hường và cháu Trúc Ly trước kẽnh 14".

(Mong quý bạn đọc đồng tình và chia sẻ bài viết này để góp thêm tiếng nói đòi công bằng cùng bà Hường và cháu Trúc Ly trước hành động các đại gia truyền thông với hai bà cháu ăn mày sắp chết)

 
Cháu Võ Thị Trúc Ly - sinh năm 2010 (con của Võ Thị Kim Giàu) là cháu ngoại của bà Hường.


Bà Võ Thị Kim Hường (sinh năm 1958), quê quán Bến Tre, hộ khẩu tại hèm 239 Trần Văn Đang (có hộ khẩu và CMND) và cháu Võ Thị Trúc Ly (sinh năm 2010 – có giấy chứng sinh) là 2 người ăn xin sống lang thang trên vỉa hè tại Trung Chánh, Hóc Môn.Do bà Hường bị bệnh tiểu đường, suy thận, mờ mắt và ung thư (có bệnh án của bệnh viện 115 và bệnh viện mắt TP.HCM) nên không còn sức lao động, phải ăn xin vật vờ ở vỉa hè để kiếm tiền nuôi cháu.

Bà Hường có 11 lần sinh nở, chết 3, còn 8. Hiện tại, 1 đứa (Đẹp) mất tích, 2 đứa con gái lấy chồng ko nuôi nổi mẹ (Lượm: 2 đời chồng – 3 đứa con, làm công nhân may, lương hơn 1 triệu/tháng; Thắm: ở nhà chồng, có chồng đi tù, hiện tại có 2 con – 1 đứa vừa tâm thần, vừa câm, vừa điếc lại mù 1 mắt, 1 đứa con nữa bình thường).

5 đứa con lại tù tội (trong đó, Được bị Sida trong tù; Kim Giàu – mẹ của Trúc Ly sinh con năm 14 tuổi, hiện đang nằm ở trường giáo dưỡng 4, Long Thành, Đồng Nai).

Trong số 8 đứa con bây giờ, không có đứa con nào được đi học. Bà Hường cũng không được đi học do quá khứ từng là 1 thiếu niên nghịch ngợm, bà chỉ biết chữ do năm 1976 đi thanh niên xung phong dưới sự chỉ huy của ông Võ Văn Kiệt).

Năm 2006, khi nuôi 9 đứa con, bà lãnh 9 tháng tù treo do tội trộm cắp tài sản lúc đi mua ve chai. Công an thương tình cho về nuôi con, không giam giữ ngày nào.

Bà Hường có hộ khẩu ở quận 3 nhưng không có nhà ở đó mà phải đi ở trọ tại Hóc Môn cho đến ngày bế cháu đi ăn xin (không đủ tiền thuê trọ nữa).

Bệnh tật sắp chết, không nhà cửa, lại thêm đứa cháu mới 2 tuổi, bà phải lang thang ra đường để xin ăn chứ không còn cách nào khác.

Kết quả siêu âm nhiều lần cho biết, bà Hường có 1 khối u rất lớn trong gan. Bệnh viện 11 5 không thể chữa trị được khối u này nên đã trả bà về. Ngoài ra bà còn bị tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận và mắt gần như bị mù.
Giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Hường do UBND phường 11, quận 3 xác nhận.
Cùng với bệnh tật và đứa cháu 2 tuổi, đây là lý do bà Hường phải đi xin ăn.


Một số người biết hoàn cảnh của bà, sau khi xác minh và đưa thông tin của bà lên mạng internet, bà Hường được hỗ trợ khoảng 13 triệu đồng.

Sau đó, một phóng viên tên Thanh của Kenh14 đã đến gặp bà Hường với mục đích "giúp đỡ hai bà cháu". Sau khi mua phở cho 2 bà cháu ăn, Thanh và đồng nghiệp đã tiến hành theo dõi, quay phim và chụp ảnh lén bà.

Nghe bà Hường kể về cuộc gặp với phóng viên Thanh: http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=I2mHs2Bwvps

Ngày 30/9/2012, website Kenh14 (một trang thông tin điện tử thuộc Công ty truyền thông Việt Nam – VC Corp) đã đăng bài ‘"Day dứt câu chuyện người đàn bà không nhà dắt cháu đi xin ăn" – tác giả T.A (lấy nguồn từ báo TTVN) với những thông tin, hình ảnh, clip được bà Hường cho là không đúng sự thật, phiến diện, 1 chiều, uốn nắn thông tin một cách miễn cưỡng, với hơn 60 bình luận cho bài viết và những dư luận xã hội coi bà là kẻ lừa đảo.


Theo bà, ảnh hưởng lớn nhất là dư luận nơi bà sống lang thang gọi bà là kẻ lừa đảo, việc bà bị công an Hóc Môn kiểm tra nhân thân vì nghi ngờ bà hành vi “bắt cóc trẻ em” và các nhà hảo tâm không giúp đỡ bà nữa.Ngày 2/10, bà Hường làm đơn khiếu nại gửi lên VC Corp và Kenh14.vn đề nghị thực hiện 4 yêu cầu: gỡ bở bài, ảnh, clip; đăng tin xin lỗi; cung cấp thông tin cá nhân những người trực tiếp sản xuất tin bài để bà làm việc với cơ quan công an và bồi thường thiệt hại cho bà.  Kenh14 hẹn bà muộn nhất đến ngày 12/10 sẽ trả lời khiếu nại.

Theo bà Hường, những thông tin sai sự thật trên Kenh14 gồm:

-   Thông tin từ chị K. về đám đầu xanh đầu đỏ (phóng viên đã không xác minh mà tùy tiện đưa vào).
-  Thông tin về anh Bảo tổ trưởng tại ấp Mỹ Hòa 1 (thực ra bà Hường lang thang ở tổ 9, anh Bảo lại là tổ trưởng tổ 12).
-   Thông tin bà Hường vào nhà nghỉ với 1 đám thanh niên làm nhiều người tưởng bà là gái mại dâm (thực ra là chủ nhà nghỉ  Hoàng Tiến thương tình cho bà ở đó với mức giá cho 2 bà cháu là 20.000 đồng/ngày đêm, bao điện nước và tắm rửa, đôi khi bao cơm).
-   Thông tin bà mua vé số.
-   Thông tin bà có xe ôm riêng (thực ra đó là những ông xe ôm tại chợ Ba Bầu, Hóc Môn. Khi trước bà vẫn phải đi bộ, sau này đã quá yếu vì bệnh tật + cháu Ly đã khá nặng cân, khi có khoản tiền 13 triệu đồng, bà cũng chỉ trả tiền xăng cho xe ôm chứ không phải có xe ôm riêng. Từ Hóc Môn đi Gò Vấp lấy thuốc – giá 20.000 đồng, đi Long tTành thăm con – giá 70.000 đồng).
-   Thông tin bà Hường gặp gỡ 1 người đàn ông và một cô gái ăn mặc hở hang và nói chuyện với họ thân mật (thực ra đó là con ông Út Hùng bán bánh mì cạnh nhà nghỉ Hoàng Tiến).
-   Thông tin bà Hường thỉnh thoảng lại quay lại chỗ ăn xin cũ (bà quay lại để chăm mấy cây thuốc và rau bà trồng).

Tuy nhiên, trong lúc chờ giải quyết khiếu nại, đêm 3/10, Soha.vn (cũng là một trang thông tin điện tử thuộc Tập đoàn truyền thông Việt Nam – VC Corp như Kenh14) đã đưa bài viết “Những người đàn bà "to gan" lấy tay che mắt thiên hạ” – tác giả Nhật Ly (cũng lấy nguồn từ báo TTVN), tổng hợp bài viết trên Kenh14 và TTVN, có lấy lời bà Hường và đưa những thông tin sai lệch, bịa đặt về bà Hường, dù rằng bà Hường khẳng định: “CHƯA BAO GIỜ TIẾP XÚC VỚI TÁC GIẢ NHẬT LY’ này.

Bài viết trên Soha News gọi bà Hường là người "to gan lấy tay che mắt thiên hạ". ( http://baohay.vn/chuyen-de/doi-song/81699/Nhung-nguoi-dan-ba-%22to-gan%22-lay-tay-che-mat-thien-ha.html )

Ngày 1/10, bà Hường vừa nhận thẻ BHYT do các nhà hảo tâm mua tặng. Ngày 6/10, bà đã đi khám bệnh tại Bệnh viện quận 3, sau đó phải chuyển lên tuyến trên. Tại bệnh viện Mắt TP.HCM ,bà được kết luận với 1 mắt chỉ nhìn xa được 1 mét, 1 mắt (không còn nhìn thấy gì) bất bình thường. Cùng với các bệnh ung thư gan, tiểu đường, suy thận, bà được các bác sĩ Bệnh viện 115 yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị.Chiều 9/10, bà Hường đã phải xuất viện do bác sĩ cho biết, khối u gan quá lớn, không thể chữa trị.

21h ngày 11/10, Báo Tiền Phong đăng bài viết “ 'Bà ăn xin bên cháu bé 2 tuổi'-Sự thật nhói lòng” – tác giả Lê Nguyễn bới móc lại quá khứ của bà sai sự thật.

Theo bà Hường, những thông tin trên bài viết của báo Tiền Phong gồm:

-   Thông tin bà Hường có 11 người con với ông Phước Súng – buôn ma túy (bà Hường chỉ có 7 con với ông Phước, ông Phước buôn ma túy chứ bà Hường không buôn ma túy).
-   Nghi ngờ về nhân thân của bà và kêu gọi sự giúp đỡ cháu Trúc Ly mà không được sự đồng ý của bà.
-   Thông tin về việc bà làm đơn kêu cứu lên báo Tiền Phong (bà Hường chưa từng ký vào lá đơn nào gửi báo Tiền Phong)

Và trên thực tế, tác giả Lê Nguyễn chưa bao giờ gặp và tiếp xúc với bà Hường và cháu Trúc Ly.

Bài viết trên báo Tiền Phong với nhiều thông tin sai sự thật. ( http://www.tienphong.vn/xa-hoi/595109/Xon-xao-chuyen-nguoi-dan-ba-an-xin-bi-cuc-tpov.html )


Chưa hết, ngay sau đó, ngày 12/10, TTVN và Kenh14 đăng tiếp bài viết “Bé Trúc Ly đang cần lắm sự giúp sức của cộng đồng” kêu gọi độc giả tìm giải pháp giúp đỡ cháu Ly mà không có sự đồng ý của bà Hường. thực tế, nhiều lần bà Hường đã ngăn cản qua điện thoại khi đại diện Kenh14 đề nghị làm việc này. Tuy nhiên Kenh14 vẫn đăng bất chấp sự phản đối của bà.

Bài viết bới móc quá khứ của bà Hường trên Kenh14, và kêu gọi giải pháp giúp đỡ cháu Trúc Ly mà không có sự đồng ý của bà. ( http://kenh14.vn/doi-song/be-truc-ly-dang-can-lam-su-giup-suc-cua-cong-dong-2012101207053411.chn )


Theo bà Hường, chị Bùi Hồng Vân, đại diện Kenh14 trực tiếp giải quyết khiếu nại cho bà Hường có “nháy” với bà một cuộc ngã giá: “Nếu cô rút khiếu nại, cô muốn gì chúng con sẽ giúp”.

Tuy nhiên bà Hường không đồng ý với đề nghị này, bà cho biết, bà chỉ cần được Kenh14 minh oan chứ không cần tiền của Kenh14.

Bà Hường cũng chưa từng gửi đơn khiếu nại lên TTVN nhưng trong nội dung bài viết của mình, TTVN vẫn viết là “đã nhận được đơn khiếu nại của bà Hường”.

Ngày 20/10, đại diện kenh14 gửi cho bà Hường 1 văn bản giải quyết khiếu nại, theo đó, đại diện Kenh14 không cho rằng mình có sai sót gì cả và không thực hiện bất cứ yêu cầu nào trong khiếu nại của bà Hường.

(Mong quý bạn đọc đồng tình và chia sẻ bài viết này để góp thêm tiếng nói đòi công bằng cùng bà Hường và cháu Trúc Ly trước hành động các đại gia truyền thông với hai bà cháu ăn mày sắp chết)

--------------
Link tham khảo: Bài viết "Khi các đại nhà báo quyết tiêu diệt 1 bà ăn mày" trên blog của Khải Đơn

Thư gửi một người bạn ngoại quốc


Pamela thân mến,
Cám ơn những lời thăm hỏi và động viên của bạn đã dành cho tôi.
Tôi vẫn khỏe, mọi việc vẫn bình thường sau vài lần thăm hỏi của "lực lượng chuyên trách", và như lời bạn khuyên, tôi đã cố bỏ tất cả những thứ đó ra khỏi đầu bởi "không thể để ý thức của con cái chúng ta xấu đi vì những người không tốt".
Bạn thân mến,
Để trả lời câu hỏi của bạn về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay, tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện của một cô bé sinh viên đang bị công an bắt giữ mà gia đình cô ấy không hề có chút thông tin nào về việc giam giữ người này.


Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi, sinh viên trường Đại học Công nghệ thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt giữ từ hôm 14/10/2012 đến nay chưa có tin tức gì về nơi giam giữ cô.
Lý do bị bắt giữ theo thông tin ban đầu từ bạn học của cô là có liên quan đến việc làm thơ và viết lên tiền bài thơ có nội dung chống Trung Quốc.

Tôi muốn bạn biết thêm về trường hợp cô bé bị bắt giữ này.
Gia đình cô ấy, người mẹ đã lặn lội hơn 200km từ Phan Thiết (Bình Thuận) lên tận Sài Gòn để hỏi thăm về tin tức của cô, nhưng công an đã từ chối cung cấp thông tin.
Trường đại học nơi cô học, và Phòng công tác chính trị sinh viên, nơi trực tiếp quản lý Uyên, cũng từ chối cho gia đình biết thêm thông tin về việc bắt giữ này.
Và sáng sớm nay, khi đọc những tin tức về việc này trên trang blog Danlambao, tôi được biết rằng cô gái trẻ này đã bị công an chuyển về Long An, giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh.


Bạn thân mến,
Chỉ với chừng đó thông tin ít ỏi mà không có bất kỳ giấy tờ gì của cơ quan công an - nơi đã giam giữ cô Nguyễn Phương Uyên thì người mẹ của cô bé này lại tiếp tục lên đường đi tìm con gái mình.
9 ngày, là khoảng thời gian Uyên bị bắt giữ mà gia đình không có tin tức gì, cũng như không biết cô phạm tội gì hay bị giam giữ ở đâu.
Điều này có thể là quá vô lý đối với bạn, nhưng đáng buồn thay, nó đang dần dần trở thành chuyện bình thường ở đất nước tôi bạn à.


Việc bắt giữ một người mà không có thông báo rõ ràng cho gia đình người thân, cũng như việc giam giữ, đưa ra xét xử và kết án những người có thái độ với sự bành trướng xâm lược của Trung Quốc, những người phát biểu chính kiến riêng của mình về các vấn đề của đất nước mà không tuân thủ các trình tự quy định của pháp luật, bất chấp sự lên tiếng của công luận, của các tổ chức quốc tế về nhân quyền dần dần trở thành tiền lệ đáng sợ tại Việt Nam.

Và kinh khủng hơn, dưới sự che giấu khéo léo và việc đổ trách nhiệm chồng chéo cho các đơn vị có nghĩa vụ liên quan với nhau, thì bức tranh về tình trạng nhân quyền Việt Nam đã và đang được vẽ ra với rất nhiều cải thiện đối với những người bên ngoài quan tâm tới đất nước tôi.
Đó thực sự mới là vấn đề phải quan tâm Pamela à.


Tình trạng nhân quyền Việt Nam tôi biết sẽ lại là chuyện cười ra nước mắt và cần phải có thêm sự góp sức của nhiều người cả trong và ngoài nước để thay đổi nó.
Câu chuyện của Nguyễn Phương Uyên hôm nay, chỉ là một ví dụ mới, trong nhiều câu chuyện đã xảy ra tại Việt Nam.

Và nếu chúng ta ngừng lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền một cách rất tinh vi này thì mọi chuyện sẽ rất tồi tệ.

Thăm bạn và cầu chúc một ngày an lành nhé!

Quynh Nguyen




Nói với em về Đức Tin Công Giáo

Em thân mến,
Hôm nay ở Nha Trang khai mạc năm Đức Tin em ạ, và giữ lời hứa với em, chị nghĩ có lẽ cần chia sẻ đôi chút suy nghĩ của mình về đức tin của một người Công giáo và việc sống đức tin trong xã hội hiện nay.

Như hôm trước chị em mình nói chuyện, lúc nhỏ, tụi mình tới nhà thờ vì sợ ba má, không đi lễ thì ba má la, đi lễ thì phải nghiêm trang vì sợ mấy cha, mấy thầy, mấy sơ... Lớn hơn một chút thì ham chơi, bắt đầu kiếm chuyện trốn lễ, bỏ học giáo lý, bớt đi sinh hoạt, nhưng vẫn còn sợ bị nhận xét là người Công giáo mà sống không tốt nên vẫn cố giữ mình. Rồi già dần đi, có nhận thức, biết suy xét vấn đề bằng suy nghĩ riêng thì mỗi người tìm cách giữ và sống đạo cho riêng mình. Đức tin lúc này không còn là nỗi sợ bị người lớn xét nét la mắng nữa, nó trở thành một thứ vũ khí bí mật nâng đỡ cuộc sống của chúng ta theo cách riêng, và thực sự chị nghĩ, một khi còn có đức tin chúng ta sống tốt hơn, có trách nhiệm, tin cậy và phó thác hơn em ạ.

Em thân mến,
Hôm nay trong bài giảng, Đức Cha chủ tế chia sẻ rằng, năm đức tin, hy vọng mỗi người chúng ta sống trọn vẹn hơn ý nghĩa của năm thánh bằng việc thể hiện đức bác ái - nguồn gốc làm nên sự khác biệt của mỗi tín hữu với cộng đồng. Niềm tin được xây dựng trong tình bác ái sẽ giúp cải thiện cuộc sống này theo hướng tốt đẹp nhất.
Chị nghĩ là chị cũng đồng ý như vậy, đương nhiên trong khuôn khổ một bài giảng, Đức Cha không thể chia sẻ nhiều, nhưng việc nhắc đến Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận ngay từ đầu bài giảng khiến chị nhớ tới việc chúng ta đồng ý với nhau rằng: sống đức tin ở thời đại này cần lắm sự vâng phục, phó thác và tận hiến.

Làm sao sống đức tin trong thời đại của chúng ta?
Đức tin làm cho con người trở nên khác biệt, và tùy theo ơn gọi của đức tin mà mỗi người chọn lấy cho mình con đường sống riêng em ạ.
Chính bởi điều này, mà hôm trước, khi bàn về Giáo hội Việt Nam, chúng ta - những người trẻ đã thốt lên rằng - còn rất nhiều điều phải làm để nuôi dưỡng đức tin của người trẻ Công giáo, và trách nhiệm này không của riêng ai.

Còn nhớ lời một bạn trẻ đã chia sẻ với chị: "Nhiều người chê trách Hội đồng Giám mục Việt Nam thiếu can đảm, thỏa hiệp để được tin, nhưng chính họ quên rằng, chúng ta có một Hội đồng Giám mục khác với Trung Quốc, và nên nhìn điều đó để thấy rộng hơn nỗ lực của những người khác".
Chị đã từng nghĩ về việc này và cũng buộc phải thừa nhận rằng, sống và giữ được đức tin cùng với ước muốn duy trì tinh thần công bằng - bác ái - yêu thương ở xã hội này là quá khó. Và chị nghĩ rằng, một khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống đức tin để làm chứng nhân, Người đã trao ban thêm cho chúng ta thần trí sự sáng để biết lựa chọn và phân biệt đường đi.

Cái chúng ta cần đó là sự bình tĩnh và lắng nghe, cũng như cần có sự giao lưu tương tác nâng đỡ tinh thần trong các sinh hoạt với nhau để có thêm kiến thức và thông tin để tự bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh.

Đã có người nói rằng: "đừng biến Công giáo thành lực lượng chính trị đối lập" bởi khát khao được hòa mình vào sự thật trên tinh thần Kitô giáo. Điều này cần có thời gian để suy xét trước bối cảnh của giáo hội Việt Nam, trước những gì đã xảy ra trong xã hội hiện nay, bởi chúng ta đến và sống trong thế giới này, không phải để minh chứng rằng Chúa mạnh hơn Phật, hay Công giáo có ảnh hưởng hơn Phật giáo và các tôn giáo khác. Mà sự hiện diện của chúng ta ở thế giới này để chứng tỏ rằng vì yêu thương, con người có thể làm tất cả.Chỉ có những kẻ không biết thế nào là yêu thương, chia sẻ mới gieo rắc sự nghi kỵ và hận thù khắp nơi để duy trì sức mạnh độc tôn của mình em ạ.

Điều cuối cùng chị muốn chia sẻ với em rằng: Đức Tin - không phải do ai ban phát hay hướng dẫn, mỗi người Công giáo sẽ sống và hành động vì đức tin của mình vào lẽ công bằng - sự bác ái - tình yêu thương vì sự tiến bộ của xã hội.

"Tôi biết tôi tin vào ai" - chủ điểm của năm Đức Tin 2012 - 2013 nhắc chúng ta nhớ rằng: bản thân mình phải biết rõ mình đặt niềm tin ở đâu, và sống thế nào cho xứng đáng với nó em nhé!

Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, khó hay dễ?



Thái độ thường gặp khi bàn về vấn đề tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng là việc chỉ ra các bất cập trong khâu quản lý, là lỗi cơ chế…  và kết luận sẽ là “không làm được”.
Có khi nào chúng ta tự hỏi rằng: “Nếu người tiêu dùng cứ đổ lỗi cho cơ chế trong khi bản thân không thay đổi được cơ chế này, thì chúng ta chấp nhận đi vào chỗ chết từ từ hay sao?”

 
Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, khó hay dễ?


Câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi trên là khó, rất khó, nhưng không phải là không làm được.


Hãy thử suy nghĩ xem, việc chọn câu trả lời cho câu hỏi “Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, khó hay dễ?”
  chỉ ra cho ta thấy thực tế: chúng ta bị phụ thuộc  -  một hình thức khác của nô lệ - vào người hàng xóm quá nhiều đến nỗi mặc nhiên chấp nhận việc đó như lẽ tự nhiên.

Đã có ai đặt câu hỏi: vì sao thực phẩm, đồ dùng, hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc tràn ngập thị trường hiện nay, và người tiêu dùng Việt Nam giống như những người bị ném vào vào một “bãi rác sân sau” khổng lồ của các mặt hàng này mà không có cách chống đỡ?

 – Trách nhiệm này thuộc về ai?

Cơ chế kiểm soát hàng nhập khẩu bị thả lỏng, nhiều khi thờ ơ, vô nguyên tắc là nguyên nhân tạo điều kiện cho hàng giá rẻ, kém chất lượng có mặt khắp nơi.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận đã chủ động nhập những mặt hàng kém chất lượng về bán dù biết hàng hóa có vấn đề. Và một nguyên nhân quan trọng không kém là do người tiêu dùng thiếu thông tin, đôi lúc thờ ơ với chính sức khỏe của bản thân mà “nhắm mắt chọn bừa” vì suy nghĩ “không mua hàng Tàu thì lấy gì mà dùng”.

Để giải quyết các vấn đề này đòi hỏi phải giải quyết triệt để cả ba nguyên nhân trên.

Bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng là trách nhiệm của các cơ quan kiểm soát, quản lý chất lượng. Đây là lúc chúng ta có quyền đòi hỏi các hiệp hội, các hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phải phát huy hết chức năng và nhiêm vụ của mình.

Ngoài việc thúc đẩy các quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa sản phẩm, cần phải để người tiêu dùng biết rõ ràng thực trạng của các loại hàng hóa, thực phẩm độc hại, kém chất lượng của Trung Quốc để họ có thể tự lựa chọn phương cách bảo vệ mình. Lấy ví dụ đơn cử, với tình trạng hoa quả, thực phẩm, gia vị mang nhãn mác Trung Quốc kém chất lượng hiện đang trôi nổi trên thị trường hiện nay, nếu còn tiếp tục bưng bít thông tin, xử phạt nhẹ tay với những người buôn bán các loại thực phẩm độc hại trên là trực tiếp đầu độc người tiêu dùng và thế hệ mai sau của đất nước.


Để hạn chế việc chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa Trung Quốc bên cạnh yêu cầu nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng cũng đòi hỏi một phần không nhỏ sự hợp tác của những doanh nghiệp, những nhà phân phối, đại lý, tiểu thương buôn bán. Ai cũng phải kiếm sống, kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng nếu bản thân những người làm kinh tế lớn, vừa, nhỏ nhìn rộng hơn một chút về tương lai về sức khỏe của cá nhân, gia đình mình trước hết để chọn các mặt hàng, các sản phẩm có chất lượng tốt,giá cả phù hợp thì việc hạn chế các sản phẩm độc hại, kém chất lượng của Trung Quốc là chuyện không quá khó chút nào.


Phần cuối cùng, là quyền lợi và trách nhiệm của chính mỗi người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi sức cung cấp của thị trường phải phù hợp. Nếu chúng ta không dễ dãi với bản thân trong việc lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có chất lượng đảm bảo thì khả năng hạn chế sức ảnh hưởng của hàng hóa Trung Quốc là chuyện hoàn toàn có thể thực hiện được. Hiện nay, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội đã có những chỉ dẫn phân biệt các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn mà không bị đánh lừa bởi nhãn mác.



Với những sản phẩm, thực phẩm đến từ Trung Quốc thường tạo sự bất an cho người tiêu dùng, Trung Quốc biết rằng khách hàng không hề chuộng những sản phẩm "MADE IN CHINA", vì thế nhiều sản phẩm chúng không ghi rõ xuất xứ. Vì vậy việc trang bị cho mình những kiến thức đọc và hiểu mã vạch là hết sức cần thiết.
Và đây là cách thức nhận biết như sau:
Nếu ba số đầu tiên của mã vạch là 690 - 691 - 692 - 693 - 694 - 695 thì 100% hàng MADE IN CHINA.
Nếu ba số đầu tiên của mã vạch là 471 thì MADE IN TAIWAN (Đài Loan)
Và những nước khác như :

Từ 00 -> 13....USA và CANADA
Từ 30 -> 37....FRANCE (PHÁP)
Từ 40 -> 44....GERMANY (ĐỨC)
893................VIETNAM (VIỆT NAM)
885................THAILAND (THÁI LAN)
471................TAIWAN (ĐÀI LOAN)
49..................JAPAN (NHẬT BẢN)
50..................UK (ANH)
57..................DENMARK (ĐAN MẠCH)
64..................FINLAND (PHẦN LAN)
76..................SWITZERLAND & LIENCHTENSTEIN (THỤY SĨ & CỘNG HÒA LIENCHTENSTEIN)
480................PHILIPPINES (PHI LUẬT TÂN)
628................SAUDI ARABIA (Ả RẬP SAUDI)
629................UAE [United Arab Emirates] (CÁC TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả RẬP THỐNG NHẤT)
http://www.makebarcode.com/specs/ean_cc.html
Nguồn: egyhacks.net


Thực tế hiện nay có nhiều sản phẩm không ghi nhãn là Made in China, mà dòng chữ này được thay thế bằng Made in PRC - PRC nghĩa là People's Republic of China = Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tôi nghĩ rằng, việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng thực tế không quá khó như chúng ta nghĩ.

Trước hết, để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của chính mình, mỗi người tiêu dùng có quyền cân nhắc và lựa chọn vì chính bản thân, gia đình và những người xung quanh mình. Bên cạnh đó, đây cũng là lúc chúng ta lựa chọn việc làm phù hợp với sức mình để thể hiện thái độ của một công dân Việt Nam trước hành vi gây hấn, xâm lấn của người láng giềng phương Bắc.

Nếu bạn nghĩ khó có thể tẩy chay hàng hóa Trung Quốc bởi cơ chế kiểm soát hàng nhập khẩu là một vấn đề lớn, việc hạn chế
  tình trạng chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa Trung Quốc nằm ngoài khả năng, ngoài quyền kiểm soát của bạn thì đây chính là lúc bạn sử dụng sức mạnh của mình: Sức mạnh của bạn - Sức mạnh Bạn có toàn quyền quyết định mua hay không mua một sản phẩm Trung Quốc, bạn có toàn quyền lựa chọn thái độ của mình lúc này.

Nói không với hàng hóa Trung Quốc, người Thái, người Philippines, người Miến Điện làm được, tại sao chúng ta lại không? – Vấn đề nằm ở sự lựa chọn của mỗi cá nhân chúng ta.


Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, một hành động nhỏ thể hiện thái độ lớn của mỗi công dân với đất nước mình, một hành động không quá khó để thực hiện.của người tiêu dùng - Sức mạnh đồng tiền mà các tập đoàn kinh tế quan tâm nhất.





 





Viết cho ngày sinh nhật Lê Công Định 1/10/2012


Sinh nhật lần thứ 44 - không nến, không hoa … chỉ có lời cầu chúc bình an của những người  trân trọng và quý mến anh ở nhiều nơi khác nhau.

Đêm qua trăn trở, đã bật dậy định viết cái gì đó về khái niệm “đầu hàng” , “đối thoại” và “thỏa hiệp” rồi, nhưng rồi lại nén tiếng thở dài, lại nằm.
Suy nghĩ về phiên tòa và bản án của anh Điếu Cày chưa nguôi, nhìn lại đã đến ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ  4 của anh Định ở trong tù.
Nhiều lời phản đối, nhiều tiếng thở dài ngao ngán sau bản án phi lý, bất công dành cho blogger Điếu Cày, và ngay sau hôm xử anh, mọi người dường như bận tâm nhiều hơn đến định nghĩa mới về tự do được cho rằng của viên Trung tá Vũ Văn Hiển, công an phường 6, quận 3 hơn là hành động.

Tôi còn nhớ hoài một comment mà tôi đã được đọc khi nói về trường hợp của Lê Công Định trên blog Linh dạo nào: "Thực ra chúng ta đang rất vô trách nhiệm. Chúng ta nhìn người khác đi vào chỗ chết - cho chúng ta sống tử tế hơn. Nhưng chúng ta biết làm gì ngoài việc ngồi đây tranh luận qua mạng, rồi sáng mai, bạn lại đi khắp nước Mỹ chẳng hạn, còn tôi, tôi lại chúi đầu vào công việc. Nhiều lúc ngao ngán là thế thôi"


4 năm – nhắc lại trường hợp Lê Công Định, tôi vẫn còn được nghe nhiều về sự “đầu hàng”, sự “thỏa hiệp” nhiều hơn là sự dấn thân và từ bỏ những gì mà anh đang có ở thời điểm đó.
Rõ ràng là phán xét một người bao giờ cũng dễ dàng hơn là đặt mình vào vị trí của người đó để có những quyết định và hành động đúng đắn.


Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy nhiều người đổ lỗi cho sự đầu hàng của Lê Công Định là làm tiêu tan nhuệ khí đấu tranh, làm mất tinh thần và niềm tin của nhiều người dấn thân vì dân chủ. Đã 4 năm rồi, và mọi thứ  dường như không thay đổi mấy thì phải.

Ấn tượng của tôi về Lê Công Định đó là một trí thức có tài và trí lực, nếu cam tâm làm một con ốc trong guồng máy chính trị - xã hội Việt Nam hiện tại, hẳn anh sẽ còn tiến xa hơn và là một con ốc lớn nếu chấp nhận quy luật 3 không: không nghe – không thấy – không biết.
Anh đã lựa chọn, và chúng ta ngồi đây phán xét sự lựa chọn ấy.

Phải chăng chúng ta quá xét nét và nhẫn tâm với chính những người can đảm có cùng khao khát tự do như  chúng ta?

Chúng ta thường phán xét người này khôn hay dại trong hành động, mà quên rằng chính sự dấn thân vì khôn hoặc vì dại của họ đã là một bài học, một kinh nghiệm cho chính bản thân chúng ta.

Một người có một vai trò, một vị trí và cách hành động khác nhau, không phải chúng ta đang mở một cuộc tìm kiếm hình ảnh của một vị anh hùng, một nhà lãnh đạo. Đây không phải là thời kỳ của các anh hùng, đây là thời điểm của những con người đã can đảm, đang và sẽ can đảm.

Những người can đảm đi tù hết thì sao? Thì chúng ta thôi can đảm và chấm dứt ước mơ về tự do ư?
Không hề có chuyện đó, vì vậy, nếu thoát ra khỏi được  tâm lý tôn vinh lãnh tụ, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình nhẹ nhàng và cư xử nhân văn hơn với những người đi trước đã hy sinh tự do cá nhân của mình.


Chừng ấy năm qua đi, blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG phải đối mặt với bản án khốc  liệt vì đã nói những gì mình nghĩ, đã truyền bá suy nghĩ của mình đến với mọi người.


Chừng ấy năm qua đi, Trung Quốc tiến thêm một bước dài, đánh dấu việc thành lập thành phố Tam Sa bằng những tuyên bố và những buổi lễ với đầy đủ nghi thức và cờ hoa.

Còn chúng ta, chúng ta còn đang trăn trở và bất lực buông tay nhìn những người xung quanh mình bị đánh, bị tạm giữ, bị bắt giam mà không thể làm gì ư?


Sinh nhật lần thứ 44 của luật sư Lê Công Định – đánh dấu năm thứ 4 trải qua giai đoạn khốn khó của anh ở trong tù, ngoài lời cầu chúc bình an, sức khỏe, tinh thần kiên định đến anh, tôi luôn tin tưởng rằng “hào khí Diên Hồng” sẽ không bao giờ lụi tàn trong tinh thần mỗi con người chúng ta.

Đừng để thêm một người yêu nước nào phải cảm thấy mình lẻ loi, đơn độc nữa mọi người ạ!




Bài viết năm ngoái:  Cho Một Niềm Hy Vọng 

Làm việc với an ninh 26/09/2012

Ở đất nước này việc tự do đi lại, tự do thu thập kiến thức, học hỏi đôi khi trở thành một điều cấm kỵ. Bởi nhiều khi, nó có thể bị chụp lên đầu một cái mũ nguy hiểm với những lời "nhắn nhủ" rất ngọt ngào: bạn có thể bị đe dọa là bạn sẽ phải ân hận, phải trả giá, là sẽ bị bắt giam...Chuyện đã xảy ra với nhiều người, hôm nay, vừa diễn ra với tôi.

Sáng 25/09/2012, tôi nhận được giấy mời đến Công an thành phố Nha Trang, gặp ông Hải (đội An ninh) để "làm việc".

Tôi đã phúc đáp bằng thư gửi ông Hải vào đầu giờ chiều cùng ngày với lý do như sau:

Hai tiếng sau, tờ giấy mời lần 2, được gửi ngay, lần này đã có lý do làm việc cụ thể hơn.


Trên tinh thần đối thoại với nội dung làm việc rõ ràng, tôi đến Công an thành phố Nha Trang đúng như giấy mời đã ghi.

Có 6 người tiếp tôi, và ông Hải (Đội phó Đội An ninh - Ca Thành phố Nha Trang) cùng ông Trí (người ký giấy mời) chỉ xuất hiện ở phần giới thiệu cá nhân. Sau đó là màn chào hỏi người quen: anh Phương (người nói giọng Nam, đã gặp trong buổi Trà chiều 14/03/2011) và một người trạc tuổi, tự giới thiệu là Nguyên (nói giọng Bắc). Mặc dù được giới thiệu là công an tỉnh, nhưng vì không lạ với anh Phương, nên tôi đoán đây là hai người từ Bộ Công an.
Hơi lạ, vì từ xưa giờ tôi chưa bao giờ phải làm việc với Công an thành phố, và hai người từ Bộ Công an vào sao lại "mượn" danh Công an Thành phố để làm việc với tôi? Không biết công an tự diễn biến hay mình hết nguy hiểm nữa.

Hai người còn lại là em Huy, Ca Tp Nha Trang, người vẫn thường xuyên gặp và trao đổi với tôi. Người còn lại là phụ nữ, vì lý do tôi đang mang thai, nên chị này có mặt.

Để buổi làm việc được rõ ràng và nhanh chóng tôi đề nghị nên làm việc theo nội dung đã ghi trên giấy mời là liên quan đến blog, các việc không liên quan sẽ hỏi sau (nếu có thời gian).

Tuy nhiên, trình tự buổi làm việc đã không diễn ra đúng như vậy.

Ngoài việc hỏi tôi, mục đích của tôi khi tôi viết bài là gì, tức là thông báo ý muốn chuyển tải của người viết cho người đọc trên blog là gì thì các câu hỏi quan tâm đến bài viết khá ít.
Tôi đã bật cười khi cho an ninh cho rằng, một tác giả phải trình bày mục đích với người viết. Bởi với quan điểm của tôi, khi anh chia sẻ điều anh nghĩ, thì đương nhiên phải có nhiều ý kiến khác nhau, viết để buộc người khác nghĩ đúng điều mình muốn là khiên cưỡng, là can thiệp vào tự do tư tưởng của người khác. Đó không phải là điều tôi theo đuổi.

Điều các anh quan tâm hôm nay là việc đi học ở Philippines của tôi, và việc đi Thái Lan trong khoảng thời gian đó.
Cá nhân tôi chỉ chịu trách nhiệm về những việc làm của mình nên không có gì để giấu diếm. Thiết nghĩ việc đi học hay gặp gỡ cá nhân nào đó là quyền tự do và cũng không ảnh hưởng gì đến ai.

Hội thảo "Nhân quyền - Quyền Tự do phát biểu" tại Bangkok tháng 5/2012 do Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA) tổ chức, đã tạo cơ hội cho cá nhân tôi là một blogger thấy và hiểu nhiều hơn về khái niệm tự do.


Bên cạnh đó việc tham dự lớp học Bảo mật Internet do Front Line Defenders tổ chức là nhu cầu học hỏi để trang bị kinh nghiệm và tự bảo vệ an toàn cho máy tính của mình cũng chẳng có gì để giấu.

Điều đáng buồn cười, là anh Nguyên liên tục khích tôi rằng: Chị là nhà dân chủ, hoạt động dân chủ, đã làm thì không sợ, sợ thì không làm. Những người khác người ta đã khai hết rồi thì chị cứ khai đi, có gì phải giấu đâu?
Tôi cũng nói rất rõ ràng rằng: Tôi không phải là nhà dân chủ, và tôi nghĩ rằng tôi không có gì để giấu. Hơn nữa, chẳng có lý do gì để tôi phải chịu trách nhiệm về những gì người khác làm hoặc người khác đã khai. Nếu tôi có làm gì vi phạm pháp luật thì cứ thẳng thắn mà xử, không cần phải dọa nhau như thế.

Không biết, anh Nguyên có giữ được bình tĩnh hay không, nhưng anh liên tục tỏ thái độ với tôi bằng cách nhắc đi nhắc lại rằng: "Chị tưởng mình là ai, đừng nghĩ rằng các anh ở đây nhẹ nhàng với chị thì chị muốn gì cũng được. Chưa đến lúc thôi, chúng tôi chưa muốn thôi...Chị chưa là gì so với Hải Điếu Cày, Tạ Phong Tần đâu, chị muốn nổi tiếng như họ không?"

Lúc này, tôi không giữ được bình tĩnh và đập tay xuống bàn: Anh đang dọa tôi đấy à? Tôi nghĩ, việc tôi đến đây làm việc, trong thời gian đang mang thai thế này là cách tôi thể hiện rằng tôi tôn trọng anh và công việc của anh. Anh đừng nói chuyện với tôi bằng thái độ đó.
Những người khác khuyên tôi nhẹ nhàng, bình tĩnh, và tôi có hỏi lại: Nếu là chị (anh) thì chị (anh) có giữ được bình tĩnh hay không? Tôi đã từng bị đi tù chứ chưa phải là không? Và cuối cùng thì sao? Có gì thay đổi không? - Không một ai trả lời!
Không kiềm chế được cảm xúc vì tức, tôi chảy nước mắt.
Anh Nguyên sau một hồi đi ra ngoài đã quay lại và nhắc tôi rằng: "Tôi nhắc để chị nhớ, người không vì mình thì trời tru đất diệt. Mấy thằng ở nước ngoài hả, tụi nó chỉ giỏi kích chị lên, có giỏi thì tụi nó về đây, để xem lúc có chuyện thì ai cứu chị. Làm người là phải vì mình, phải biết mình là ai, đang ở đâu." Trước đó anh cũng liên tục nhắc tôi rằng, những người khác đã khai thế này về tôi, thế kia về tôi.. Xét rằng những điều đó có thể không đúng, ảnh hưởng đến tôi nên anh "tạo cơ hội" cho tôi đính chính.
- Đương nhiên là tôi sẽ vì tôi, nhưng không phải vì mình mà phát ngôn những điều chẳng liên quan đến người khác.Từ trước giờ, cả hai phía an ninh và dân chủ đã cho tôi quá nhiều cái mũ rồi, oan cũng đã sẵn rồi, có oan thêm nữa cũng không sao. Và với tôi, không nhất thiết phải đi giải thích những gì người khác nói. Tôi đương nhiên là người luôn biết mình là ai, và đang ở đâu, vì vậy anh không cần phải dọa tôi như thế.
- Chúng tôi không dọa chị, chúng tôi muốn là chúng tôi làm được, chưa đến lúc thôi. Chị nghĩ tự do là cái gì, là như chị đang viết blog đó hả?
Đúng là có những người có thể nói chuyện, đối thoại, làm việc, cũng có những người không thể chỉ vì thái độ dành cho nhau.

Tôi trả lời rất rõ ràng rằng: "Tự do đối với tôi đơn giản lắm, đó là tôi tôn trọng anh, anh cũng phải tôn trọng tôi. Quan điểm của tôi về đảng phái rất rõ ràng, và tôi không hoạt động chính trị, bởi ở Việt Nam, việc tham gia đảng phái chính trị là con đường ngắn nhất để đến nhà tù. Đó là chuyện tôi nói, còn nghe và tin hay không là quyền của anh.".

Tóm lại rất rõ ràng thế này, anh Nguyên kết luận: Việc đi học là do Việt Tân tổ chức, cơ quan an ninh có đủ bằng chứng để kết luận như vậy.
Tôi cũng trả lời rất rõ ràng rằng: Tôi không tham gia khóa học nào của Việt Tân hết. Nếu mà tôi thực sự có liên quan đến Việt Tân thì tôi nghĩ tôi không còn ngồi được ở đây để làm việc như thế này.

Cái trò cứ thấy việc gì cũng đội cho cái mũ Việt Tân nó đã nhàm chán rồi. Điều này chỉ làm cho người ta tưởng mấy ông bà Việt Tân làm hết tất cả mọi thứ mà thôi.


Việc tôi đi học ở Phi hay đi Thái học, là chuyện cá nhân của tôi, không liên quan đến ai, cũng không liên quan đến tổ chức nào. Những gì tôi học, nếu có ích cho người khác, cho cộng đồng thì tôi không ngại để chia sẻ nó với tất cả mọi người một cách công khai như tôi đã và đang làm.

Chuyện tôi đi đâu và làm gì, tôi có viết, có chia sẻ trên Facebook và blog, không có gì phải giấu diếm.
Tên cơ quan, tổ chức làm việc ở Philippines cũng như Front Lines tôi cũng đã cung cấp rồi, các anh có thể tự điều tra xem họ là ai.


Anh Phương cũng có hỏi thăm anh Nguyễn Xuân Châu người có liên quan đến việc in áo năm 2009 trong nhóm Người Việt Yêu Nước mà tôi vẫn giữ liên lạc hỏi thăm trên Facebook đến bây giờ, và Tập hợp Thanh niên Dân chủ mà tôi không giữ liên lạc, cũng như không có thông tin gì về nhóm từ 2009 đến giờ.

Điều làm tôi chú ý nhất là việc các anh hỏi: "Có cá nhân, tổ chức nào nhờ tôi về nước làm việc này, việc kia, hoặc tiếp xúc với ai sau khi đi học về không? Và tại sao phải đi học?"
Hình như, trong suy nghĩ của những người như anh Nguyên, việc một người tự tìm tòi nghiên cứu điều mình cần học hỏi, và trang bị kiến thức cho mình nó không tồn tại. Phải học và phải làm theo chỉ đạo của người khác - đó là cái khuôn, và mọi người đều phải được đúc cùng một cái khuôn như thế.

Tôi còn nhớ anh Nguyên đã nói thế này:
- Chị nói chị không làm chính trị, nhưng những gì chị viết nó ít nhiều thể hiện điều đó!
- Những gì tôi viết là điều tôi nghĩ và là điều tôi muốn, đừng nghĩ xa xôi đó là làm chính trị, đó chỉ là những nhu cầu căn bản về tự do của một con người đã bị tước đoạt lâu nay thôi. Anh đừng quy chụp những gì tôi nghĩ một cách thiển cận như thế.

Đến 11h trưa, buổi làm việc tạm kết thúc, với lý do để đảm bảo sức khỏe cho tôi, và sẽ bắt đầu lại vào lúc 2 giờ chiều. Tôi đã đề nghị rất thẳng thắn rằng, còn việc gì chưa làm xong thì cùng làm rồi kết thúc luôn. Tôi không thích đi về rồi lại đi lên đồn công an như thế này, và nếu tôi về mà không lên thì lại mang tiếng là không giữ lời, nên nếu muốn, các anh có thể đến làm việc tại nhà tôi.
Các anh chị rất tốt tính và nhân đạo khi cho rằng một bà bầu như tôi cần ăn trưa, nghỉ ngơi rồi làm việc.

Và tôi ra về mà không hứa là sẽ quay lại.

Đôi dòng gửi em Huy (Ca Tp Nha Trang) thân mến,
Nếu em đọc những dòng này, có lẽ em hiểu vì sao chị không trả lời điện thoại buổi chiều của em. Chị thực sự mệt và cảm thấy mình không được tôn trọng, bởi bản thân chị không làm gì sai cả. Và vì chị không hứa, cũng không có lý do gì để chị ép mình phải làm việc với an ninh trong trạng thái không thoải mái như thế.
Hơn nữa, khi phải làm việc với một người luôn muốn khẳng định mình đúng, và đe dọa tinh thần người khác (dù bằng kiểu nói rất nhẹ nhàng thảo mai) là điều không tốt cho phụ nữ đang mang thai như chị.
Việc điều tra và tìm bằng chứng để kết tội người khác là việc của cơ quan an ninh, chị đã làm việc và sẽ chịu trách nhiệm về phần của mình. Thế là đủ.

Bạn bè thân mến,
Tôi viết lại những dòng này, để mọi người hiểu rõ những gì đã xảy ra thật rõ ràng và công khai đúng như nguyên tắc từ xưa giờ của tôi.
Tôi nghĩ, việc tìm tòi học hỏi của mỗi người là chuyện cần thiết và là quyền tự do. Bởi có đi, có học chúng ta mới thấy rõ cái mình cần và cái mình thiếu. Không một ai có thể ngăn cấm chuyện học hỏi của người khác với lý do an ninh quốc gia. Đương nhiên ở trong thể chế chính trị này, người ta sẽ vẽ ra rất nhiều con ma để nhát người khác, nhưng tôi tin rằng, không một con ma nào có thể tồn tại khi chính chúng ta được trang bị kiến thức đầy đủ cho chính mình, để tự bảo vệ mình, và bảo vệ những người khác.

Và chuyện làm việc với cơ quan an ninh, hoàn toàn là quyền của bạn, nếu thấy không đủ an toàn, không rõ lý do và không có nguyên nhân cụ thể, chúng ta có quyền từ chối lời mời.
Muốn công dân tuân thủ pháp luật, trước hết, lực lượng an ninh hãy thôi nhân danh pháp luật để ngồi xổm lên mọi thứ. Làm việc với an ninh, không có nghĩa người được mời là tội phạm, bởi an ninh quốc gia không có nghĩa là vi phạm quyền tự do của con người.




Giấy mời & Thư hồi đáp




Sau khi nhận thư này, ngay trong chiều 25/09/2012, An ninh Thành phố đã có giấy mời lần 2 - lần này có lý do rõ ràng.


Bản lên tiếng chung của các Bloggers và Nhà báo Tự do về trường hợp nhà báo Hoàng Khương



Trong bối cảnh tham nhũng là quốc nạn, tình trạng lợi dụng chức quyền để tham ô bòn rút túi tiền của người dân ngày càng phổ biến, mục tiêu của nhà báo Hoàng Khương là chính đáng, là tích cực góp phần vào nỗ lực chung của cả nước nhằm làm trong sạch guồng máy điều hành quốc gia.
Trong môi trường hoạt động vô cùng khó khăn và hiểm nghèo của làng báo Việt Nam, trước những đe doạ vô hình lẫn hữu hình mà mỗi phóng viên luôn phải đối diện hàng ngày, hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương là hành động can đảm, xứng đáng với đạo đức, danh dự và lương tâm của một nhà báo chân chính.

Các phóng sự của Hoàng Khương, cụ thể là “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” , “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép ”, “Nhức nhối nạn mãi lộ, ghê hơn cướp cạn”... không những góp phần soi sáng những góc tối tiêu cực của những người đang nắm trong tay trách nhiệm duy trì, gìn giữ kỷ cương pháp luật mà còn là bằng chứng hùng hồn nhất về động cơ việc làm chính đáng của nhà báo Hoàng Khương.
Dựa vào mục tiêu và việc làm, đối chiếu với những tiêu chuẩn về giá trị đạo đức, nền tảng công bằng, minh bạch của một nền pháp lý đúng đắn và những kết quả đóng góp tích cực cho đất nước của nhà báo Hoàng Khương, chúng tôi, những Bloggers và Nhà báo tự do tin tưởng và khẳng định rằng:
- Hoàng Khương là một nhà báo có lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm và đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết.
- Hoàng Khương là một công dân Việt Nam có trách nhiệm, đã can đảm dấn thân góp phần tích cực nhằm lành mạnh hóa xã hội để phát triển đất nước.
Do đó,
- Trong một phiên tòa mà cơ quan chủ quản nơi Hoàng Khương đang làm việc không được phép tham gia tranh tụng để chứng minh hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương hoàn toàn không có dấu hiệu vi phạm hình sự bởi bản chất hành động ấy đã góp phần làm giảm bớt mối nguy cơ do tệ nạn tham nhũng trong xã hội thì không thể kết án nhà báo Hoàng Khương. Vì vậy, bản án sơ thẩm 4 năm tù dành cho anh là một bản án bất công.
- Đây không những chỉ là bản án bất công đối với nhà báo Hoàng Khương mà còn là một bản án treo đối với những nhà báo có lương tâm, tích cực chống tham nhũng. Nó chính là sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu giới báo chí Việt Nam.
- Bản án này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của mọi tuyên bố từ Đảng và Nhà nước trong việc chống sai trái, lạm quyền, lạm chức; phản bội những khát vọng và nỗ lực của nhân dân trong sứ mệnh bài trừ tham nhũng, tham ô, hối lộ, cửa quyền đã và đang phá nát xã hội Việt Nam.
Cho dù nhà báo Hoàng Khương bị cầm tù bởi bản án bất công thì hành trình anh đi vẫn sẽ được tiếp nối bởi bước chân của chúng tôi và sự đồng tình của nhân dân. Người ta có thể giam cầm anh nhưng không thể bắt nhốt sứ mệnh của anh vốn là sứ mệnh chung của bao nhiêu người. 
Việc làm có ý nghĩa nhất, thực tế nhất, có lợi cho đất nước thân yêu là chúng ta sẽ luôn đứng bên anh, đứng cùng chiến tuyến của anh, và tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến giữa thiện và ác này.

Những người ký tên:
 

1.   Blogger Hành Nhân
2.   Blogger Huỳnh Công Thuận
3.   Blogger Huỳnh Thục Vy
4.   Blogger Trịnh Kim Tiến
5.   Blogger Quang Minh Đỉnh
6.   Blogger Mẹ Nấm
7.   Blogger Vũ Đông Hà
8.   Blogger Phạm Văn Hải
9.   Blogger  Phương Bích
10. Blogger Đào Hữu Nghĩa Nhân
11. Blogger Nguyễn Ngọc Lịch
12. Blogger Lê Anh Hùng
13. Nhà báo Nguyễn Quốc Chính
14. Blogger Lê Dũng
15. Nhà báo Bình Minh - Báo Trí Nhân Media
16. Blogger Nguyễn Thị Mỹ Linh
17. Blogger David Thiên Ngọc
18. Blogger Nguyễn Bá Chổi
19. Blogger Jimmy Hoàng Lê
20. Blogger Phi Vũ
21. Ký giả Trương Minh Đức
22. Linh mục DDCT Ân Thanh - Truyền thông Chúa Cứu Thế Sài Gòn
23. Nhà báo tự do Lê Diễn Đức
24. Facebooker Nguyễn Hồ Nhật Thành
25. Facebooker  Võ Quốc Anh
26. Facebooker Trần Hoài Bảo
27. Facebooker Nguyễn Văn Dũng
28. Facebooker Nguyễn Văn Hùng
29. Phóng viên VNRs Huỳnh Nguyễn Minh Toàn
30. Facebooker Trần Đức Anh
31. Facebooker Võ Trường Thiện
32. Facebooker  Lý Liêm Chandler
33. Facebooker  Đoàn Hương Giang
34. Facebooker  Trần Xuân Huyền
35. Facebooker Nguyễn Lân Thắng
36. Facebooker Nguyễn Tiến Nam
37. Facebooker Bùi Thị Trúc Phương
38. Facebooker Huỳnh Trung Tín
39. Facebooker Mịchael Ngo
40. Facebooker Hoàng Xuân Lĩnh
41. Facebooker Lê Sinh Mẫn
42. Facebooker Lê Quốc Tuấn
43. Facebooker Bùi Việt Hà
44. Blogger Tô Oanh
45. Blogger Nguyễn Hoàng Vi
46. Blogger Vũ Thế Phan
47. Blogger Trương Bá Thụy
48. Blogger Bùi Hằng (Bùi Thị Minh Hằng)
49. Blogger Đinh Tấn Lực
50. Blogger Nguyễn Lương Khanh
51. Facebooker Trần Phong
52. Facebooker Châu Văn Thi
53. Facebooker Trịnh Anh Tuấn
54. Facebooker Phương Nguyễn
55. Facebooker Lê Thị Hy Vọng
56.  Facebooker Phạm Đình Diệm
57.  Facebooker Đặng Văn Lập
58. Nhà báo tự do Nguyễn Quang Duy
59.  Facebooker Trịnh Văn Toàn
60.  Facebooker Nguyễn Đình Khôi
61.  Facebooker Trương Minh Tịnh
62.  Facebooker  Vũ Thùy Liên
63. Facebooker Lê Trung
64. Facebooker Lê Công Qui
65. Blogger Lê Hiền Đức
66. Nhà báo tự do Tạ Dzu
67. Facebooker Nguyễn Quang Duy
68. Facebooker Nguyễn Văn Khải
69. Facebooker Phạm Đức Tuấn
70.
....
(Tiếp tục cập nhật)

Nguồn: Facebook Phản đối việc bắt giữ nhà báo chống tiêu cực Hoàng Khương