Tháng Tám đi qua...

Ngày cuối cùng của tháng Tám, tất bật trong bếp chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà, rồi lại nghĩ ngợi...

Hôm qua là một ngày nặng nề, bởi ngay từ sáng sớm đã đọc nguyên bản kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tối cao công bố kết quả điều tra vụ án anh Nguyễn Công Nhựt chết tại đồn công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Sau 18 tháng chờ đợi đằng đẵng trong im lặng, sau bao nhiêu cố gắng và nỗ lực của em Tuyền và gia đình, thì bản kết luận mà mọi người nhận được không khác gì kết quả đã công bố trước đó của công an tỉnh Bình Dương.

Câu hỏi đặt ra là có hay không một cơ quan điều tra điều tra độc lập từ phía Viện kiểm sát?
Và có cần phải mất 18 tháng để nhấn mạnh rằng: nạn nhân chết là do "tự tử vì ân hận"?

Em Tuyền, cũng như Trịnh Kim Tiến (giờ là con đỡ đầu của mình) chưa bao giờ bỏ cuộc, cho dù rất nhiều người xung quanh chua chát than thở rằng: "Công lý ở Việt Nam chỉ là tên của một diễn viên hài", "không bao giờ có công lý ở Việt Nam"... Chính sự kiên trì và nỗ lực của cả hai em còn rất trẻ làm mình tin tưởng hơn vào ý thức dấn thân vì một xã hội dân sự mới của Việt Nam. Và cũng chính vì sự cố gắng của cả hai, mà mình thấy đỡ cô đơn và mệt mỏi khi nghĩ đến sự thay đổi.

Lỗi hệ thống mục nát của cơ chế này, của xã hội này sẽ còn tiếp tục được duy trì, được vận hành khi mà chính chúng ta - những người đang sống, đang thở cùng guồng máy ấy chấp nhận im lặng buông tay.
Chúng ta hy vọng và mơ đến một xã hội mới, đến những thay đổi mới, nhưng chỉ hy vọng và mơ thôi chưa đủ. Phải biết nuôi dưỡng niềm hy vọng bằng hành động cụ thể, bằng cách thay đổi thái độ của chính mình.
Đấu tranh với cái xấu và cái ác, không chỉ là việc nhận biết nó mà còn cần phải có sự can đảm để dấn thân và đối đầu với nó.
Một người làm được sẽ có 10, 100, 1000, 10000.... người khác cùng làm.

Và mình tin rằng, những gì con người mơ ước và khao khát sẽ phải đến nếu chúng ta không từ bỏ giấc mơ của mình bằng cách nỗ lực hành động.

Có ai đó đã nói: "Mạng người ở Việt Nam sao rẻ quá..." - còn nhớ lúc nghe lại câu này khi đi học ở Philippines về, mình đã nổi xung thiên mà độp lại rằng: "Chúng ta rẻ bởi chúng ta bằng lòng với cái giá người ta đã định sẵn cho mình. Chúng ta rẻ bởi vì chính bản thân chúng ta không ý thức được giá trị của chính mình."
Nói xong, cả hai đứa bạn nhìn nhau muốn khóc.

Tạo hóa sinh ra, mỗi người đều có ý nghĩa riêng với cuộc sống này, không có ai là rẻ - cũng chẳng có ai là đắt giá, nếu mỗi người tự biết đánh giá đúng giá trị của mình. Và có những thứ giá trị chuẩn mực như tự do thì mọi nơi đều giống nhau, chúng ta chỉ bị mất tự do, khi chính bản thân mình nghĩ mình thực sự không có nó.

Tự do không thể tồn tại khi chính người sở hữu nó không cảm được, không cố gắng để chạm vào nó ngay cả trong suy nghĩ của mình.
Hôm chia tay anh bạn Muahda người Miến Điện ở sân bay Indonesia, bạn ấy đã siết tay mình rồi hỏi: "Quin ơi, mày có tin là có tự do cho đất nước của chúng ta không?"
Mình đã trả lời: "Chắc chắn là phải có, vì dù sao ít nhất chúng ta vẫn đang còn thấy mình tự do để làm việc phải làm, và đấu tranh vì nó cho nhiều người khác dù có rất nhiều người không muốn điều đó".
Và đến giờ, anh bạn mình đã phần nào chạm đến ngưỡng cửa tự do khi xuất hiện đồng hành cùng nhiều nhà báo trẻ khác trong chiếc áo đen Stop Killing Press trên đường phố Myanmar hôm ngày 4/8 vừa qua.

Tháng Tám với mình, vậy cũng còn là chút niềm vui và hy vọng.

Tối hôm qua, khi mình thay đổi cover trên Facebook là banner của phong trào Con đường Việt Nam, có hơn 3 người hỏi mình: "Chị là thành viên của Con đường Việt Nam à? Không sợ bị bắt sao?"

Với mình, việc khuyến khích phát huy giá trị của mỗi con người, việc mở mang nhận biết cho nhiều người nữa biết về quyền con người để nâng cao ý thức xã hội luôn xứng đáng được cổ vũ và ủng hộ. 
Bởi chỉ khi con người ý thức được giá trị của mình, ý thức được quyền của mình thì xã hội này mới mong phát triển một cách hoàn thiện.

Tháng Tám, cũng là tháng mà con gái nhập học. 
Năm nay con vào lớp 1, lại chuẩn bị có thêm em nên hình như con lớn và bắt đầu có trách nhiệm hơn.
Sau hai tuần đi học về, tự nhiên nghe con đọc vach vách: "Năm điều bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng: 1... 2... 3... 4... 5... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không..."
Rồi con nói luôn: "Con không thích đọc cái này, nhưng giờ ra chơi nào cô cũng bắt đọc hết. Con giơ tay lên đọc một lần rồi cô không hỏi nữa."
Mình hỏi: Con có biết bác Hồ là ai hay không?
- Dạ không, nhưng mà con biết hình bác Hồ ở trên bảng con học, con còn thấy bác Hồ trên tờ tiền nữa.
Có những thứ muốn tránh cũng không được, mấy năm mẫu giáo con học trường Dòng nên khái niệm "kính yêu" một người không thân thuộc nó còn quá lạ lẫm với con, giờ ở môi trường mới, chuyện con phải học thuộc lòng những thứ "mới mẻ" này, mình cứ để nó nhẹ nhàng như một cuộc chơi và chỉ dạy con: "Nếu con không thích thì chỉ đọc vài lần là được không cần phải học thuộc lòng".
Tránh không được nhưng cũng sẽ có cách thích nghi mà không bị bó buộc đúng không con?

Cuối cùng, tháng Tám cũng đi qua, với nhiều nghĩ ngợi và hy vọng.
Chào tháng Chín, chào mùa mới bởi "chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này" !