Đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình

Chiều ngày 11/09/2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, trú tại phường Kỳ Bá, Thái Bình xông vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố dùng súng bắn 5 cán bộ thuộc Trung tâm phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình khiến một người chết, ba người bị thương.
Sau đó, ông Viết về quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình và tự sát dưới chân tượng Phật trong buổi chiều cùng ngày.

Theo thông tin trên các báo, nguyên nhân bức xúc của ông Viết có liên quan đến chuyện thu hồi đất đai và chính sách đền bù của chủ trương xây dựng khu đô thị mới ở phường Kỳ Bá.
Sự việc gây chấn động này một lần nữa nhắc người ta nhớ đến các bất cập trong những vụ giải phóng mặt bằng.

Trong nhiều năm gần đây, số lượng người đi khiếu nại, khiếu kiện các vấn đề liên quan đến đất đai ngày càng gia tăng. Đỉnh điểm là năm ngoái tại Hải Phòng, gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng đã buộc phải nổ súng vào đoàn công an, cán bộ tham gia cưỡng chế để bảo vệ tài sản của mình.

Luật đất đai năm 2003 ở điều 7 có quy định: “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai”.
Rất khó để viện dẫn, giải thích cho toàn dân hiểu vì sao đất đai do mình sở hữu nhưng nhà nước lại đại diện quản lý.

(Hình sưu tầm từ Internet)

Trên thực tế, trong những dự án giải phóng mặt bằng, với những quy định có sẵn trong luật đất đai 2003, trong những dự án thu hồi đất do nhà nước làm chủ đầu tư thì nhà nước sẽ áp giá đền bù, hỗ trợ tái định cư…Đối với các dự án phục vụ mục đích phúc lợi công cộng như bệnh viện, trường học, chợ… thì hầu như người dân không còn cách lựa chọn nào ngoài việc đồng ý với các thoả thuận do phía nhà nước đưa ra, nhanh chóng nhận tiền đền bù hoặc chấp nhận di dời theo phương án tái định cư nếu không muốn bị cưỡng chế giải toả trắng.

Nhưng vấn đề dễ gây cho người dân bức xúc nhiều nhất đó chính là những dự án mà nhà nước đứng ra thu hồi đất để giao cho tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý. Đây chính là kẽ hở lớn nhất để nhà nước và các chủ dự án mập mờ đánh lận con đen với quyền lợi của người dân. Bởi khi nhà nước thu hồi đất thì sẽ áp mức đền bù theo giá do nhà nước quy định (thường giá này thấp hơn nhiều so với thị trường thực tế), sau khi đã có đất sạch (đất đã giải toả xong) thì nhà nước giao lại cho chủ đầu tư tư nhân tiếp quản, toàn quyền định đoạt. Những mảnh đất đó thường sẽ được tư nhân bán lại với giá cao gấp chục lần giá đền bù mà người dân nhận được. Đây chính là mấu chốt của nhiều vụ việc bức xúc đã xảy ra.

Một nút thắt thứ hai thường gặp trong những vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng chính là quy trình, thủ tục triển khai của các dự án. Theo quy định của luật đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành luật này thì những trình tự pháp lý liên quan tới chủ trương, thu hồi, đền bù, giải toả, hỗ trợ tái định cư...đất của người dân đều có những quy định rất rõ ràng nhưng trên thực tế người dân hầu như không được biết (ví dụ như quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ học nghề, tái định cư..).
Theo quy định của pháp luật, tất cả phải được thông báo công khai hoặc gửi tận tay người dân có quyền lợi liên quan, nhưng thực tế nhiều dự án đã lơ đi chuyện này.

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến các cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng làm việc với các gia đình bị mất đất. Thay vì làm rõ việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, đa số các văn bản, các thủ tục hướng dẫn lại thường chỉ muốn người dân đồng ý ký vào các biên bản thoả thuận càng sớm càng tốt. Đặc biệt với các biên bản giao nhận đất tái định cư, hoặc biên bản đồng ý với việc nhận tiền đền bù. Thậm chí có những địa phương còn áp dụng đủ thứ “lệ”, để lừa dân ký cho bằng được, và với quan niệm “một khi đã ký nhận đền bù thì coi như kết thúc không thoả thuận, đàm phán gì nữa”. Cũng có tình trạng các cán bộ đi vận động, “bỏ nhỏ” với từng hộ dân rằng “khu này đã nhận đền bù hết, gia đình cũng nhận đi chứ không khi tất cả đã đồng ý thì ở trên buộc phải ra lệnh cưỡng chế nhà anh (chị)”.

Nhiều người dân không có đủ thông tin và không được hỗ trợ về mặt kiến thức luật pháp đã chấp nhận ký kết thoả thuận. Đến khi người dân có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin, được tư vấn đầy đủ về pháp luật và biết được nhà nước hoặc chủ đầu tư lừa mình thì đi việc khiếu nại, khiếu kiện sẽ diễn ra rất dây dưa và chậm chạp trong khi dự án vẫn cứ triển khai, nhà cửa vẫn bị giải toả.
Chính điều này đã dẫn đến những hệ luỵ khó giải quyết:
Có nhiều người mất nhà cửa, mất ruộng vườn lặn lội khiếu kiện ròng rã từ năm này sang năm khác.
Có nhiều người im lặng trong cay đắng chấp nhận làm lại từ đầu và góc nhìn của họ với xã hội thay đổi hẳn đi.
Và cũng có người đã lựa chọn cách hành động theo bản năng để giải thoát cho bản thân và gia đình như ông Vươn, ông Viết.


Câu hỏi luôn được đặt ra là liệu luật pháp đã đảm bảo được hoàn toàn quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những gia đình có đất đai bị giải toả hay chưa?
Pháp luật và những quy định của nó được tạo ra là để đảm bảo quyền lợi của người dân, để hướng dẫn mọi người hiểu và thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chứ không phải để đánh lừa họ.
 
Vì sao những người như ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Ngọc Viết phải chấp nhận đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình? Phải chăng là họ không còn tin rằng mình sẽ được bảo vệ bởi luật pháp nữa?

Một khi công dân mất niềm tin rằng nhà nước sẽ bảo vệ được mình, thì vai trò của nhà nước nằm ở đâu trong xã hội này?
Với tình trạng người dân phải đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình như hiện nay, liệu có tồn tại một nhà nước “do dân và vì dân” như người ta thường được nghe tuyên truyền hay không?

Trách nhiệm của bà Bộ trưởng và sự lên tiếng của chúng ta

Trả lời phóng viên báo chí chiều ngày 24 tháng 7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích việc bà không đi thăm hỏi các gia đình có con em xấu số đã thiệt mạng sau khi được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) như sau:
Lịch trình, chuyến bay... đã được bố trí kín lịch. Do vậy, bà không thể bố trí thời gian đi thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong.
“Bộ Y tế cũng đã có đoàn công tác tại Quảng Trị thăm hỏi, chứ tôi không thể trực tiếp đi” (1)

Tôi tự hỏi với trách nhiệm của một người đứng đầu một bộ có sự cố liên quan đến sinh mạng của ba đứa trẻ vô tội kia mà bà Kim Tiến có thể buông những lời vô cảm như trên kia, thì liệu tính phụ nữ, bản năng làm người, làm mẹ có còn tồn tại trong con người bà chút nào không?
Hơn thế nữa, cái ghế bộ trưởng ở Việt Nam hóa ra chỉ là ngồi đợi nghe báo cáo và chứng kiến người khác chịu trách nhiệm cho sự yếu kém năng lực quản lý lẫn lãnh đạo của mình thôi ư?
Giả sử những em bé sơ sinh vô tội kia là con cháu, là người thân của bà Bộ trưởng thì liệu bà có bình thản đi dâng hoa, dâng hương cho các anh hùng liệt sỹ một cách bình thản được hay không?
Hỏi tức là đã trả lời.

Thật lòng mà nói, tôi không thấy phẫn nộ với cách hành xử và những gì bà Tiến trả lời trên báo chí, bởi bà cũng như nhiều vị quan chức lãnh đạo khác ở xứ này. Họ đều có chung một căn bệnh, đó là bệnh vô trách nhiệm – vô cảm. Một người bạn của tôi đã nói, một khi còn tin cậy, còn hy vọng thì người dân mới lên tiếng trách móc và cảm thấy bất bình. Tôi hoàn toàn đồng ý như vậy. Riêng tôi, tôi không có cả niềm tin và sự hy vọng vào lương tâm và năng lực lãnh đạo của những người như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Câu hỏi đặt ra là khi ta mất lòng tin vào năng lực lãnh đạo của một người quản lý thì ta có quyền làm gì?
Yêu cầu Quốc hội bãi nhiệm?
Yêu cầu Thủ tướng cách chức?

Có người đã nói với tôi rằng, bà Tiến này xuống sẽ lại có một ông hay một bà Tiến ngu dốt và vô cảm khác lên thay, tất cả lại đi theo một đường tròn như từ trước đến giờ.
Tôi không nghĩ như vậy.

Sự lên tiếng của chúng ta không bao giờ lãng phí, bởi thực tế đã chứng minh chính phản ứng của dư luận gần đây đã khiến nhiều bộ, ngành phải xem xét lại các quyết định và nhân lực của mình.
Bạn còn nhớ không, Bộ Công an đã phải dừng việc ghi tên cha mẹ vào chứng minh nhân dân, phải cân nhắc lại quyết định xử phạt xe chính chủ… Cá nhân Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình (nhiệm kỳ 7/2002 - 6/2006) đã phải rời ghế vì sự vô trách nhiệm của mình trước sự cố lật tàu E1 tại Lăng Cô (Huế), bởi trong lúc nhiều người đang hoảng hốt vì tai nạn giao thông đường sắt đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân thì ông Bình lại đang ung dung nghỉ mát trong một khu tắm bùn hạng VIP tại Suối khoáng nóng Tháp Bà, Nha Trang. Mới gần đây nhất là Bộ Giáo dục Đào tạo đã phải ra Thông tư bãi bỏ quy định ưu tiên cộng điểm khi thi vào đại học, cao đẳng đối với các đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 bởi nó thiếu thực tế.
Quay trở lại với việc trẻ em bị chết oan vì tai biến sau tiêm chủng, năm ngoái, 5 trẻ em tại Nghê An chết sau khi được tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.
Không một lời xin lỗi, không một lời giải thích, sau đó Bộ Y tế quyết định dừng sử dụng loại vắc xin này trong chương trình tiêm chủng quốc gia.(2) Để rồi không lâu sau đó khi có kết quả kiểm định tại một phòng thí nghiệm độc lập ở Vương quốc Anh khẳng định các lô vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem đạt yêu cầu, Bộ Y tế lại vội vàng cho sử dụng lại. (3)
Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ thực sự quan tâm đến việc người ta chích loại thuốc gì vào cơ thể bé bỏng của những thiên thần của mình tại các trạm xá?
Và thực sự nếu có thắc mắc thì chúng ta phải làm gì?
Hãy nghe ông PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khỏe bao biện cho việc sử dụng vắc xin cũ như sau:
Còn nói về vắc-xin Quinvaxem cần phải biết rằng, ngay cả bản thân nước sản xuất ra nó là Hàn Quốc, họ cũng không sử dụng loại vắc-xin này. Họ chỉ bán cho các nước khác, còn tại nước của họ, người dân sử dụng vắc-xin vô bào. Nước chúng ta nghèo nên chúng ta phải chịu, phải chấp nhận.”(4)

Bạn có chấp nhận sự bao biện trên đây không?

Một bác sĩ có uy tín đã chia sẻ trên blog của mình như sau:
Đất nước đáng thương xót của chúng ta còn nghèo. Nhưng không phải vì nghèo mà con cái chúng ta phải chết vì những lọ vaccine giết người kia. Con cái chúng ta có quyền được chích ngừa bằng những vaccine tốt nhất, an toàn nhất như mọi trẻ em khác.
Và chúng có quyền được sống, sau khi được tiêm chủng!
” (5)
Tôi tin là bạn cũng sẽ đồng ý như tôi vậy, bởi không thể lấy lý do là “nước chúng ta nghèo” làm đáp số cho sự ra đi oan uổng của những đứa trẻ vô tội.

Thôi thì ta tạm chấp nhận rằng vắc xin hỗn hợp 5 trong 1 Quinvaxem từ Hàn Quốc là lỗi thời, là do nước ta thiếu điều kiện, vậy còn lô vắc xin viêm gan B liên quan đến nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh tại BV huyện Hướng Hóa – Quảng Trị thì sao?
Một chi tiết mà tôi nghĩ ít người chú ý đến đó là lô thuốc này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) vắcxin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất.
Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 được thành lập theo Quyết định số 6 50/2000/QĐ-BYT ngày 02/03/2000 của Bộ Y Tế. (6)
Nếu kết luận bốn trẻ sơ sinh vừa tử vong gần đây là do vắc xin, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Bộ Y tế, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến? Hay người điều hành Công ty TNHH MTV Vabiotech kia? Hay chỉ là các cô y tá, ê kíp bảo quản vắc xin?
Bạn thân mến, sự lên tiếng của tất cả chúng ta không bao giờ là vô nghĩa, bởi không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Bạn có con, em (hoặc cháu) nhỏ không?
Nếu có, hãy vì con, em (cháu) mình mà làm một điều gì đó, thực sự đã đến lúc chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng (nhất là những chính sách phục vụ quyền lợi của trẻ em) phải được cải thiện.



1-   
http://m.tienphong.vn/xa-hoi/638345/Bo-truong-Y-te-ly-giai-viec-den-Quang-Tri-nhung-khong-tham-3-tre-tu-vong.html
2-   
http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/vacxin-quinvaxem-bi-cam-nganh-y-te-quen-luon-viec-tiem-chung-dinh-ky-cho-tre.html
3-   
http://nld.com.vn/20130623081736935p0c1050/voi-vang-dung-lai-quinvaxem.htm
4-   
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/201307/tsdo-sy-hien-nuoc-ta-ngheo-nen-danh-cho-tre-vac-xin-cu-2351149/


http://rfavietnam.com/node/1715 

"Bà Tiến từ chức đi!"

Đến hôm nay đã có hơn 3 đứa trẻ sơ sinh chết sau khi được chích ngừa vắc xin phòng bệnh viêm gan B. Thông tin trên báo hiện nay vẫn đang loanh quanh đổ lỗi do điện áp không ổn định, do khâu bảo quản, và cũng chỉ mới là những tin tức và phát biểu của cấp cơ sở, chưa thấy bất kỳ động thái nào của người đứng đầu Bộ Y tế với sinh mạng của những đứa trẻ tội nghiệp trên.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, chiều ngày 22 tháng 7 sau một cuộc họp kín dài dằng dặc tại Sở Y tế tỉnh Quảng Trị giữa đoàn chuyên gia Bộ Y tế với UBND và các ban ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị thì kết luận cuối cùng đưa ra rất chung chung cho cái chết của ba trẻ sơ sinh chưa đến một ngày tuổi tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) rất chung chung như sau: “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”.
Một bác sĩ có uy tín đã chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình như  sau:
“Có nhiều cách để xác định một cái chết do choáng phản vệ (phản ứng dị ứng nặng nhất, gây tử vong nhanh chóng) sau khi dùng thuốc:
1. Phân tích hoá học các chai thuốc, tìm các dị nguyên (allergen)

2. Mổ tử thi để tìm dấu hiệu co thắt phế quản, một tổn thương đặc trưng của choáng phản vệ

3. Lấy thuốc ấy chích vào cơ thể sống (in vitro testing) các loại động vật như thỏ, chuột lang, trâu bò, bộ trưởng, quan chức... để tái hiện (reproduce) phản ứng phản vệ.
Có quá khó để xác định nguyên nhân sốc phản vệ của ba trẻ sơ sinh đã thiệt mạng cùng một nơi trên kia không?
Câu trả lời là không, vấn đề là người ta dám mổ xẻ và đi đến cùng vấn đề đến đâu hay thôi.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thử nghiệm trên sinh mạng của nhân dân?
Câu trả lời là không có ai cả.
Bởi lối ra để giải quyết vấn đề cho việc tiêm ngừa vắc xin đã được đẩy dần sang ngành điện:
“Mất điện trước và sau thời điểm chích vắc xin” (1)
Cần phải nhắc lại cho rõ, trường hợp 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm ngừa vắc xin tại Hướng Hóa (Quảng Trị) không phải là trường hợp xảy ra lần đầu tiên.
Kết quả tìm được trên Google cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2013, đã có tới 9 trường hợp tai biến tử vong sau tiêm chủng cho các bé trong độ tuổi từ một ngày đến 4 tháng tuổi.

Chưa hết, liên quan đến việc tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng quốc gia trong năm 2012, tính từ tháng 1 đến hết tháng 9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 83 trường hợp phản ứng với vắc xin Quinvaxem “5 trong 1”. Trong 65 trẻ sơ sinh của xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được cha mẹ đưa đến trạm y tế xã tiêm chủng thì bốn trẻ đã không được sống tròn tháng thứ tư. Một trẻ khác ở xã Đồng Hợp cũng không qua khỏi. (2), (3)
Có ai phải chịu trách nhiệm cho tất cả những việc này chưa?
Câu trả lời vẫn là không có một ai cả.
Còn nhớ năm 2012, khi con trai thứ 2 của tôi ở độ tuổi phải tiêm ngừa vắc xin 5 trong 1, cùng lúc với việc rộ lên hàng loạt thông tin về việc trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm phòng, tôi đã tìm hiểu rất kỹ những người chích ngừa ở trạm xá về việc bảo quản và thông tin liên quan đến thuốc. Họ có vẻ rất bực mình và cho rằng đây là chương trình tiêm chủng mở rộng không tốn phí, thuốc đã được thử nghiệm và bảo quản cẩn thận nên người dân không phải lo. Khi tôi căn vặn về các trường hợp tử vong sau khi tiêm thuốc thì có y tá cho rằng con số đó vẫn nằm trong “tỉ lệ cho phép”, “vắc xin luôn được bảo quản đúng quy trình”… Quy luật nào cho phép người ta đánh giá mạng sống của người này là quý giá hơn người kia?
Đến tận bây giờ không thể phủ nhận là thủ phạm gây ra cái chết của nhiều trẻ sơ sinh là những loại thuốc quái gở mà Bộ Y tế dùng chính tiền thuế của người dân để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, rồi dán cho nó cái mác thật kêu là “tiêm chủng không tốn tiền”.
Thật vô sĩ khi không có một nhân vật nào lên tiếng về những cái chết của các bé sơ sinh vô tội.

Thật trơ tráo khi ngày hôm qua, hôm kia, những giọt nước mắt của cha mẹ và người thân các bé đang tức tưởi đổ ra thì bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại đang dẫn đầu đoàn công tác đi dâng hương, dâng hoa trong lễ khởi công xây dựng Nhà tháp chuông Nghĩa trang Liệt sĩ huyện  Gio Linh (4)
abc
(Anh Nguyễn Đình Đạo (chồng chị Nguyễn Thị Nga) vật vã đau đớn trước cái chết của con - Ảnh báo Dân Trí)

(Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến đang tham dự lễ khởi công Nhà tháp chuông Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh. Ảnh báo CAND)
(Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến đang tham dự lễ khởi công Nhà tháp chuông Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh. Ảnh báo CAND)
Lương tâm và trách nhiệm của bà Tiến và những người cộng sự của bà nằm ở đâu khi đến tận bây giờ vẫn là một sự im lặng khó hiểu?
Có ai đó tưởng tượng rằng nếu bà Tiến không đủ liêm sỹ để từ chức thì chúng ta phải làm gì không?
Nếu Quốc hội không đủ can đảm để cách chức những quan chức vô trách nhiệm như bà Tiến thì chúng ta phải làm gì?
“Bà Tiến từ chức đi !” – đó không chỉ là thái độ, là sự phản kháng mà còn là yêu cầu chính đáng của tất cả những bậc làm cha mẹ như tôi, như bạn và nhiều người khác.
Phải trả giá bằng bao nhiêu sinh mạng con trẻ nữa thì chúng ta những người làm cha làm mẹ mới đủ dũng cảm để lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi và sự sống của con em mình?



1.    
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130723/tam-ngung-su-dung-2-lo-vac-xin-viem-gan-b.aspx

2.    
http://vtc.vn/321-356450/suc-khoe/83-tre-phan-ung-sau-tiem-vac-xin-5-trong-1.htm

3.    
http://vtc.vn/321-360287/suc-khoe/5-chu-khong-phai-3-tre-tu-vong-sau-tiem-chung.htm

4.    

http://cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2008/5/204421.cand

http://rfavietnam.com/node/1713

Một thế hệ chuột bạch

Viết tặng những bạn sinh năm 1979 như tôi
Năm tôi sinh ra đời, 1979, cuộc chiến tranh biên giới miền Bắc nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, một cuộc chiến mà thế hệ chúng tôi hầu như không biết đến bởi rất khó có thể tìm đọc thông tin trong giáo trình lịch sử được giảng dạy.
Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, có thể nói lứa học sinh sinh năm 1979 là những học sinh trải qua đầy đủ các bước cải cách giáo dục ở cả ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tôi còn nhớ rất rõ, năm tôi thi tốt nghiệp cấp 2 (THCS) là năm đầu tiên Bộ Giáo dục Đào tạo áp dụng việc thi 6 môn, đến kỳ thi tốt nghiệp trung học (THPT) cũng là lần đầu tiên Bộ đưa môn tiếng Anh vào chương trình thi bắt buộc, và điểm liệt cho mỗi môn học là 2 điểm. Quy định này có nghĩa là dù bạn cộng tất cả 6 môn thi tốt nghiệp lại, bạn đủ 30 điểm để đậu nhưng nếu trong 6 môn thi mà có một môn điểm 2, thì bạn vẫn rớt như thường. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp PTTH năm tôi ra trường rất thấp, đến độ người ta phải tổ chức lại kỳ thi tốt nghiệp lần 2 cho những thí sinh bị rớt, và đương nhiên là nhiều bạn bị lỡ kỳ thi đại học năm này.
Đây là năm đầu tiên và duy nhất áp dụng quy chế thi như trên.
“Chúng ta là những con chuột bạch của Bộ Giáo dục” – tôi thường nói đùa với bạn bè mình như vậy mỗi khi nhắc lại thời học sinh. Nói không phải để đùa, nhưng để chúng tôi nhớ rằng mình đã được trải qua quá trình “được thử nghiệm” thế nào, có người vượt qua được, nhưng cũng có người dang dở ở lại.
Và đương nhiên là như hàng trăm ngàn lần cải cách khác, không có ai phải chịu trách nhiệm cho những ý tưởng, hành động mang tính thử nghiệm trên tương lai của người khác.
Tôi lấy ví dụ ở lĩnh vực giáo dục với thế hệ sinh năm 1979 vì chính cá nhân tôi là người đã đi qua các giai đoạn đó, trên thực tế, những ai đang sống ở Việt Nam đều đang đóng vai chuột bạch trong phòng thí nghiệm cho các chính sách, quy định, nghị định, luật dự thảo… đã và sắp được ban hành.
Đa phần người ta không phải không biết tính thiếu thực tế và bất khả thi của một số chính sách, dự án… nhưng hầu như có rất ít sự phản đối, bởi đa phần chọn cách im lặng coi như là đồng ý.
Thỉnh thoảng tôi tự hỏi: những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm nó không thể nói, không thể lựa chọn được, nhưng nếu chúng có suy nghĩ, có tiếng nói liệu chúng có chấp nhận vai trò bị xem là vật thử nghiệm hay không?
Viết đến đây tự nhiên liên tưởng đến việc thu phí bảo trì (sử dụng) đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải quy định. Lần đầu tiên nước Việt áp dụng chính sách thu thuế đường bộ trực tiếp từ nhân dân thông qua tổ dân phố (có tỉ lệ ăn chia).
Đã có nhiều bài phân tích, nhiều ý kiến phản biện về việc thu phí này nhưng cuối cùng nó vẫn được đưa ra thực hiện. Điều khiến tôi đặt câu hỏi là tại sao cùng một loại phí nhưng ở Hà Nội lại thu 150.000đ cho xe máy trên 50 phân khối, trong khi tại Nha Trang (Khánh Hòa) mức thu là 120.000đ. Thời điểm thu cũng không đồng nhất, theo thông tin trên trang Facebook cá nhân của tôi thì tại Thanh Hóa chính quyền đã triển khai thu phí, trong khi tại Khánh Hòa thì đến tháng 8 và Sài Gòn thì hoãn đến năm sau? Phải chăng số phận của những con chuột bạch trong dự án thu phí sử dụng đường bộ tùy thuộc vào quyết định và chính sách của từng địa phương.
Cũng đã có bài phân tích người tiêu dùng Việt Nam hiện nay phải gánh 7.500đ cho một lít xăng trong đó đã bao gồm cả phí giao thông. (Trích lời ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó cục trưởng Cục đường bộ: "Thực chất phí xăng dầu hiện tại đang thu chính là phí giao thông. Vì vậy, khi bộ GTVT đã thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ thì phải kiến nghị các cơ quan chức năng bỏ ngay phí xăng dầu".) (1)
Có vô lý quá không?
Xin thưa là có mà vẫn phải chấp nhận.
Tất cả những điều vô lý ấy đang diễn ra trước mắt, ít nhiều là nhờ vào sự im lặng đồng thuận của chính chúng ta bạn ạ.
Tôi đã từng tự hỏi, tại làm sao mà những thế hệ lớn hơn chúng ta lại đứng nhìn để mọi thứ trôi qua như hôm nay. “Tại sao chúng ta biết những việc sai trái, chúng ta thậm chí không đồng ý với nó, chúng ta bực bội, chúng ta cười nhạo các quyết định sai lầm mà chúng ta vẫn để nó xảy ra?”. “Tại sao chúng ta biết nó sai mà không lên tiếng? Để rồi có lúc lại phải biết ơn những người ban hành các quyết định sai lầm vì họ có động thái sửa sai.”.
Và tự mình tôi cũng đã tìm ra câu trả lời lớn nhất đó chính là sự sợ hãi trong sâu thẳm của mỗi người. Sợ mất chỗ ở, mất công ăn việc làm, sợ bị xa lánh, bị coi là thành phần dị biệt trong “xã hội đồng thuận”, sợ cả những thứ không hiện hữu… bởi không thể suy nghĩ được điều gì khác ngoài nỗi sợ hãi mơ hồ bao trùm.
Xã hội hôm nay của chúng ta đang sống là hệ lụy của sự sợ hãi được gieo rắc từ trên cao xuống thấp, từ trung ương đến địa phương, từ thành phố đến nông thôn.. Người ta nhìn nhau đầy sợ hãi mà đôi khi chẳng biết là mình đang sợ cái gì.
Hôm nay, khi trở thành một phụ huynh của hai đứa trẻ, phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi mà những người lớn đã trải qua, tôi cũng cảm thấy mình sợ hãi như nhiều người khác. Nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất bao trùm trong lòng tôi đó là cái viễn cảnh sẽ lại sẽ có nhiều thế hệ chuột bạch khác ra đời. Con cái chúng ta phải cắm cúi nhồi nhét vào đầu một đống kiến thức mà người khác muốn chứ không cần biết điều gì mới là thiết thực và cần thiết. Con cái chúng ta bị cuốn vào vòng quay thành tích ảo, lướt qua mọi cảm xúc của cuộc sống này vì bị định hướng, bị nhồi nhét..
Và đến một lúc nào đó, chúng cũng sẽ quay lại hỏi chúng ta câu hỏi tương tự mà ta đã hỏi những người lớn hơn mình.
Không ai muốn mình có cuộc sống của loài chuột bạch, tôi tin là như vậy.
Vì thế, nếu phải lựa chọn để có tiếng nói của mình, tôi nghĩ rằng, mỗi người sẽ có sự lựa chọn thích hợp và tối ưu nhất với hy vọng nhỏ nhoi là sẽ không có một thế hệ chuột bạch kế tiếp.
Luôn tin và mong như vậy các bạn thân mến của tôi ơi.

1- http://www.nguoiduatin.vn/thu-phi-su-dung-duong-bo-thi-phai-bo-phi-xang-...

http://rfavietnam.com/node/1687

Phải tranh đấu để chấm dứt tình trạng công an làm chết người

Ngày 19 tháng 3, 2012 ông Nguyễn Quang Phục, chị Trịnh Kim Tiến, và chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền gửi đơn tố cáo đến Quốc hội về việc công an lạm quyền đánh chết dân. Họ, những thân nhân của những người bị công an đánh chết viết trong đơn như sau:
" Vấn đề nan giải công an đánh dân giống như một căn bệnh dịch có sức lây truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt khi sự thật được làm sáng tỏ, công lý được thực thi..." (1)
Cũng trong ngày 19 tháng 3, 2012 anh Lê Quang Trọng, 25 tuổi chết trong đồn công an. Lại thêm một người "bất thường treo cổ chết" dưới sự "quản lý" của công an.
Tội ác vẫn tiếp diễn.
Bi kịch tiếp tục tái diễn không khác gì những cái chết trong đồn công an trước đây. Nạn nhân bị công an đánh đập. Áo quần có máu và phân người. Thi thể có vết bầm tím khắp nơi. "Tự tử" nhưng lưỡi không thè ra ngoài, mắt vẫn nhắm. Công an không báo cho gia đình tới ngay hiện trường nhưng lại tự đem xác người chết vào bệnh viện, phi tang mọi chứng cứ.
Và vẫn điệp khúc cũ: Vụ việc sẽ được điều tra, làm rõ.
Cho đến nay biết bao nhiêu vụ việc được làm rõ?
"Đau đớn trước những cái chết oan ức, tức tưởi của người thân, chúng tôi càng đau xót hơn khi sự thật bị che giấu, công lý bị chà đạp bởi những người thực thi pháp luật và tình trạng công an đánh chết người vẫn liên tục tiếp diễn mà không được giải quyết trọn vẹn."
Những điều lo ngại của ông Nguyễn Quang Phục, chị Trịnh Kim Tiến, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền không cần phải chờ lâu. Ngay khi họ gửi những lời thiết tha đến những đại biểu của dân thì thêm một nạn nhân bị chết trong đồn công an. Anh Nguyễn Công Nhựt, chồng chị Tuyền bị công an "cho chết" bằng sợi dây sạc pin điện thoại. Sau đó đổi ý "cho anh Nhựt chết" bằng dây cáp điện thoại bàn.
Hơn 3 năm trước, ngày 7 tháng 5, 2010 công an Đại Lộc, Quãng Nam "cho" anh Võ Văn Khánh chết bằng dây buộc giày.
Ba tháng sau đó, ngày 8 tháng 8, 2010, công an quận Ninh Kiều, Cần Thơ "cho" anh Trần Duy Hải chết bằng áo sơ mi dài tay treo vào cổ.
Thêm một tháng sau, ngày 9 tháng 9, 2010 công an Trảng Bom, Đồng Nai "cho" ông Trần Ngọc Đường "ngồi treo cổ chết".
Đồn công an – cơ quan làm việc của những người thừa hành pháp luật hay là nhà xác ? Nơi những sợi dây thắt cổ lúc nào cũng sẵn sàng?
"Sự bao che lấp liếm, dung túng cái ác đang được diễn ra một cách công khai, công lý đang bị chà đạp.”
“Người nhà chúng tôi không thể sống lại, trở về cùng gia đình nhưng chúng tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần có những bản án đúng lương tâm, một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy tội ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, cảnh những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi cái chết của người thân do bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo vệ luật pháp và bảo vệ công dân."
Những lời nói của ông Phục, chị Tuyền, Kim Tiến rõ ràng đã được tiếp tục chứng minh. Thật oái oăm, bi đát bởi cái chết xảy ra trong cùng một ngày họ cùng nhau lên tiếng nói, tố cáo tội ác của công an với Quốc hội. Nó cũng chứng minh cho thấy việc làm của họ là cần thiết vì rõ ràng là khi tội ác được bao che, lấp liếm, công lý bị chà đạp thì tội ác lại tiếp tục xảy ra.
Làm thế nào để không còn những sợi dây treo cổ "tự do treo", "thoải mái treo" trong đồn công an và "vô tư" tiếp diễn?
Làm sao để không còn những người đi vào đồn công an bằng đôi chân khoẻ mạnh và ra khỏi đồn công an là một các xác bầm tím khắp người?
Ba người Nguyễn Quang Phục, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã mòn mỏi đi tìm câu trả lời ấy bằng nước mắt, bằng ý chí, bằng lòng can đảm và hành động dứt khoát của họ.
Nhưng không đủ!
Vì tội ác vẫn cứ tiếp diễn, tin tức về người dân bị chết bởi công an, chết trong đồn, chết sau khi bị chận trên đường giao thông vẫn xuất hiện trên mặt báo.
Chúng ta cần những bàn tay, tiếng nói, đôi chân góp sức của nhiều người cùng đồng hành với gia đình nạn nhân để ngăn chặn tội ác đang ngày đêm tiếp tục diễn ra bởi bàn tay của một số công an coi thường mạng sống của người dân.
Hãy cùng với họ, cùng tranh đấu để chấm dứt tình trạng công an giết người vô cớ, vô pháp luật và vô nhân đạo.

1 - http://danlambaovn.blogspot.com/2012/03/ong-on-to-cao-va-yeu-cau-quoc-ho...

http://rfavietnam.com/node/1684

Tôi đi xem “tấu hài”

Việc khiếu nại, khiếu kiện đất đai luôn là chủ đề nóng tại Việt Nam hiện nay. Bởi việc ban hành các nghị định, quyết định, thông tư của các cơ quan chức năng nhà nước trong vấn đề thu hồi, cưỡng chế giải tỏa đất nhằm phục vụ nhu cầu đô thị hóa của chính quyền hoặc các chủ đầu tư (tư nhân) ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của người dân.
Khi việc tư hữu hóa đất đai chưa được hiến pháp công nhận, thì bằng cách quyết định trái pháp luật được ban hành, các cơ quan nhà nước đã tạo ra một giai cấp xã hội mới sau năm 1975, được gọi là dân oan – tức là những người đang từ có nhà cửa, công ăn việc làm, nay bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất, không nghề nghiệp do bị tịch thu mất đất, mất nhà.
Mặc dù đã được nghe, được đọc nhiều thông tin về các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ được trực tiếp tham gia vào một phiên tòa xử những vụ việc tương tự như trên. Và hôm nay, ngày 27/06/2013, lần đầu tiên, tôi được xem “tấu hài” miễn phí tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, số 2 đường Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang.
Nguyên đơn vụ khởi kiện quyết định hành chính về việc cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng là vợ chồng ông Quang Nhật Mạnh.
Bị đơn là Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang.
Tóm tắt vụ việc như sau:
Sau khi phê duyệt dự án xây dựng mới chợ Vĩnh Hải, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi trắng 402m2 đất sở hữu hợp pháp của gia đình ông Quang Nhật Mạnh tại địa chỉ 40B đường 2/4, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang. Địa chỉ này đồng thời là nhà ở, cũng là nơi sinh hoạt của Clb Thanh niên Vĩnh Hải (một trong những địa chỉ rèn luyện thân thể và sinh hoạt văn hóa khá mạnh ở phía Bắc thành phố), và là nơi tập luyện của Clb Khuyết tật Vĩnh Hải do ông Mạnh làm chủ nhiệm.
mn-0627-2-250.jpg
Ngày 25/07/2008, trong khi ông Mạnh đang thực hiện nhiệm vụ là HLV Đội tuyển Paralympic Bắc Kinh 2008 của Việt Nam thì nhà ở và câu lạc bộ của gia đình ông bị cưỡng chế giải tỏa trắng. Điều đáng nói ở đây là quá trình tống đạt các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, biên bản giao đất tái định cư đều không đúng với quy định của pháp luật.
Từ chỗ là một gia đình có nơi ở và nghề nghiệp đàng hoàng, cả gia đình ông Mạnh phải thuê nhà trọ ở và kiếm sống bằng nghề giữ xe tại khu vực chợ Vĩnh Hải. (*)
Sau 5 năm ròng rã đi khiếu nại, khiếu kiện, lần đầu tiên vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Bên phía bị đơn, Chủ tịch UBND thành phố không xuất hiện. Hai người được ủy quyền là ông Phạm Văn Thọ, giám đốc Ban QLDA các CTXD Nha Trang, và ông Trần Duy Sơn, cán bộ Ban QLDA các CTXD Nha Trang, chỉ có ông Sơn xuất hiện.
Phiên tòa được bắt đầu trễ hơn dự kiến một tiếng mà không có bất kỳ thông báo nào. Ngay trong phần bắt đầu phiên tòa, ông Quang Nhật Mạnh đã phát biểu “sau chừng đó năm chờ đợi, hôm nay tôi hy vọng công lý sẽ được thực hiện”.
Ngay trong phần tranh luận, đại điện bị đơn là ông Trần Duy Sơn không trả lời được hầu hết các câu hỏi do luật sư bên nguyên đưa ra, và không thể cung cấp các chứng cứ có liên quan theo đề nghị của tòa. Chủ tọa phiên đã nhắc nhở ông Sơn: nếu câu nào anh trả lời được thì anh trả lời, câu nào không thì anh thông báo, vì đây là cơ quan nhà nước, khâu quản lý không chỉ do một người đảm nhiệm nên có thể anh sẽ không tìm ra nếu không trực tiếp thực hiện.
Sau phần hỏi đáp cả hai bên nguyên và bị đơn, bà Phạm Thị Minh Huyền, đại diện VKS Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã đọc bản kết luận của VKS (hình như đã được chuẩn bị sẵn từ trước)nội dung chủ yếu như sau: xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý của VKS nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đề nghị tòa xem xét.
Khi chứng kiến hình ảnh bà Huyền rút sẵn tập giấy A4 đã được đánh máy sẵn ra đọc, tôi tự hỏi, nếu đã biết trước kết luận này thì hóa ra màn hỏi – đáp nãy giờ của bà là một màn diễn ư?
Thực sự, tôi rất thắc mắc về việc chuẩn bị sẵn kết luận của VKS, bởi nó là một trong những yếu tố quyết định sự công bằng trong phiên tòa, và quả thật lời đồn có những “bản án bỏ túi” là có cơ sở.
Sau giờ nghỉ trưa, chủ tọa thay mặt HĐXX tuyên bố “đình chỉ xét xử vụ án hành chính”, “chuyển toàn bộ hồ sơ về Tòa án thành phố Nha Trang để giải quyết theo thẩm quyền”.
Vậy là chỉ cần khoảng 7 phút, màn tấu hài đã kết thúc dù nó bắt đầu trễ hơn dự định 1 tiếng.
Câu hỏi theo tôi trên suốt đường về: Nếu đã xác định là không thuộc thẩm quyền của tòa án tỉnh, tại sao ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu nguyên đơn bổ sung, cung cấp chứng cứ họ không từ chối thụ lý vụ này? Tạo sao phải lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân để diễn một màn tấu hài như hôm nay? Phải chăng họ muốn xem nguyên đơn thực sự có những chứng cứ gì từ đó đá lại quả bóng trách nhiệm cho tòa thành phố để dễ bề đối phó với người dân hơn??
5 năm chờ đợi công lý của gia đình ông Mạnh có thể chưa là gì so với thời gian chờ đợi mỏi mòn của hàng tram ngàn dân oan khác trên khắp các tỉnh thành tại Việt Nam.
Điều đó nói lên điều gì?
Pháp luật được lập ra là để duy trì trật tự xã hội, không phải phục vụ lợi ích của một nhóm người nào, cũng không phải là cái bẫy để đẩy người dân vào vòng tròn khiếu kiện lẩn quẩn vì đợi chờ.
Cùng lúc với việc Quốc hội hoãn thông qua sửa đổi luật đất đai, hành động của những người đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm nay một lần nữa chỉ ra rằng: chính quyền sẽ không từ bỏ lợi ích của mình khi bị phát hiện có sai phạm một cách dễ dàng. Họ không thể lôi từng cá nhân có quyết định sai phạm ra ánh sáng, bởi đương nhiên là không ai chịu chết một mình, họ sẽ bằng mọi giá, mọi cách, mọi thủ đoạn để bấu víu và bảo vệ quyền lợi của mình.
Không giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn xung đột giữa người dân và chính quyền trong các vụ khiếu nại, khiếu kiện đất đai hôm nay, xem ra, chính quyền Việt Nam không khác gì mấy bọn cường hào ác bá bóc lột xương máu, tiền của nhân dân mà họ đòi xóa bỏ từ thời Cách mạng Tháng Tám.
Lẽ nào đi một vòng tròn, nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quang vinh muôn năm hôm nay, ngã đúng vào vết xe đổ của chế độ phong kiến ngày xưa?
Có lẽ, hỏi tức là đã trả lời.

(*)http://www.tienphong.vn/xa-hoi/150838/HLV-xuat-sac-trong-xe-o-cho.html

http://rfavietnam.com/node/1677

Quyền tự do dân chủ & lợi ích nhà nước

Tối ngày 13/06/2013, nhiều báo trong nước đồng loạt đưa tin “Bắt khẩn cấp ông Phạm Viết Đào” về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Ông Phạm Viết Đào là blogger thứ 2 sau ông Trương Duy Nhất (cho tới thời điểm này, đã 20 ngày trôi qua nhưng ông Nhất vẫn bặt vô âm tín) bị cơ quan An ninh bắt trong tình trạng khẩn cấp theo điều 258 Bộ luật Hình sự - Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
(Trích Bộ luật Hình sự Việt Nam)
Cả ông Trương Duy Nhất và ông Phạm Viết Đào đều đã từng là người của “nhà nước” trước khi trở thành blogger.
Ông Nhất nguyên là nhà báo tại báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng, sau chuyển sang báo Đại Đoàn Kết, thường trú khu vực miền Trung. Còn ông Đào nguyên là cán bộ thanh tra thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nguyên trưởng Phòng Thanh tra hành chính chống tham nhũng - Bộ Văn hóa – Thông tin, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Có lẽ không có blogger nào hiểu rõ về khái niệm “lợi ích nhà nước” hơn hai bloggers vừa bị bắt khẩn cấp trên.
Không như các vụ án hình sự khác, toàn bộ “tang vật” được sử dụng làm bằng chứng trong vụ bắt giữ hai bloggers trên có lẽ là những bài viết mang quan điểm cá nhân được đăng công khai trên blog “Một góc nhìn khác” và blog “Nhà văn Phạm Viết Đào: Thế sự - Văn chương – Tâm linh” . Những ai truy cập Internet đều có thể “tiếp cận” với tang vật vụ án một cách dễ dàng.
Điều đáng bàn ở đây là nội dung toàn bộ các bài viết, thường được cơ quan an ninh điều tra suy diễn, diễn giải theo hướng hiểu nhất định của họ, hòng đi đến một kết luận chung là “nói xấu, làm giảm uy tín nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân”.. Và với kinh nghiệm của cá nhân tôi sau nhiều lần làm việc với an ninh thì những gì bên phía an ninh hiểu (hoặc cố tình hiểu), luôn được mặc nhiên là sự hiểu của đa số bộ phận người dân còn lại, tức là lực lượng an ninh đã và đang nhân danh nhân dân để tuyên bố rằng tôi hiểu bài viết của anh có mục đích (ý đồ) như thế.
Đúng, sai trong vấn đề này tôi xin nhường lại câu trả lời cho người đọc.
Tuy nhiên cơ quan an ninh cố tình quên một điều rằng, các bloggers chưa bao giờ ép buộc ai phải đọc những điều họ viết, cũng không bao giờ kêu gọi người đọc phải đồng thuận với quan điểm cá nhân được đăng tải công khai của họ. Blogger viết vì họ muốn sử dụng các trang mạng xã hội để bày tỏ quan điểm của mình. Điều này rất khác với hệ thống truyền thông đang chịu sự quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông và ban Tuyên giáo. Vì thế để đi đến kết luận rằng các bloggers lợi dụng “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước” thì phải xem xét kỹ rằng họ thực sự có quyền tự do dân chủ để nói những điều mình nghĩ một cách công khai hay chưa?
(Nguồn ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, phải làm rõ cụm từ “lợi ích nhà nước” được cho rằng “bị xâm phạm” là lợi ích gì, ai là người thụ hưởng trực tiếp lợi ích ấy.
Việc các blogger đăng tải công khai danh tính và hình ảnh cá nhân của mình khi viết bài cho thấy họ thực sự rất sòng phẳng và nghiêm túc khi đưa ra nhận định của mình, nên việc làm rõ lợi ích và tổ chức bị xâm phạm bởi các bài viết là việc làm cần thiết. Bởi không thể có một phiên tòa mà bên bị xâm phạm là chủ thể mơ hồ không được định nghĩa rõ ràng nhưng lại cử đại diện là lực lượng công an, an ninh, viện kiểm sát, tòa án… nhân danh pháp luật để đứng ra điều tra, kết tội và tuyên án.
Với vai trò là một blogger tôi nghĩ rằng, nếu Việt Nam thực sự có tự do dân chủ thì chắc chắn sẽ không có ai bị sách nhiễu, bị tạm giữ, bị bắt giam bởi việc phát biểu quan điểm cá nhân của mình công khai trên các trang mạng xã hội.

Nếu ai đó cho rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm thì hãy xem việc bắt giữ hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào hôm nay là câu trả lời rõ ràng nhất cho ý nghĩ đó.
(Nguồn ảnh: Internet)
Một nhà nước "của dân, do dân và vì dân", một nhà nước luôn nêu cao khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" không thể nào lại hành xử kém văn minh như những kẻ ngoài vòng pháp luật như vậy được. Và càng không thể có một nhà nước được đại diện bởi một chính quyền luôn sợ hãi những điều dân nghĩ, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như vậy.
Đừng ai nói với tôi đó mới là "thiên đường".

http://rfavietnam.com/node/1663

Mạng người - mạng chó ?

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam thì tội trộm cắp (ăn trộm) thường gây hậu quả ít hơn hơn tội cướp giật (ăn cướp) và vì thế kẻ ăn trộm khi bị người dân bắt giữ được giao cho cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật rất ít khi bị tước đoạt mạng sống.
Vụ việc vừa mới xảy ra tại xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khi hai kẻ trộm chó chuyên nghiệp trên địa bàn vừa bắt được một con chó thì bị người dân phát hiện, truy đuổi rồi đánh chết một đối tượng, đánh trọng thương đối tượng còn lại (kể cả lúc đó đang có mặt trưởng công an xã đang đứng bảo vệ hiện trường) khiến tôi lại phải một lần nữa đặt ra câu hỏi:
Phải chăng một bộ phận người dân đã không còn niềm tin vào lực lượng thi hành và bảo vệ pháp luật nữa?
Người miền Bắc, Việt Nam có thói quen ăn thịt chó quanh năm suốt tháng. Nắm bắt được thói quen này nên nhiều người đã chọn nghề trộm chó (hay nói một cách khác theo ngôn ngữ của báo chí là cẩu tặc) để kiếm sống, bởi lợi nhuận mà nó mang về không phải là nhỏ. Điều này đã khiến cuộc sống của nhiều người dân ở vùng nông thôn bị xáo trộn, và gây ra bức xúc không nhỏ cho những gia đinh bị mất đi con vật nuôi thân thiết hàng ngày.
Giải quyết tình trạng này thế nào là trách nhiệm của bộ phận công an xã, nơi đại diện cho sự hiện diện của lực lượng thừa hành pháp luật.
Theo lời ông Lưu Xuân Hùng – Trưởng công an xã Tân Thành: cách đây hơn 2 tháng, cũng chính hai đối tượng ăn trộm bị truy đuổi và đánh đập kể trên đã được gọi lên công an để làm việc nhưng tuyệt nhiên hai đối tượng này ngoan cố chống đối và trốn tránh. Quá bức xúc người dân đã sang tận nhà hai đối tượng này để đánh dằn mặt nhưng cả hai đã bỏ trốn. (1)
Cho đến khi vụ việc xảy ra thì lực lượng công an xã đành thúc thủ đứng nhìn, bởi không thể kiểm soát được sự phẫn nộ của đám đông.
Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về việc xử phạt đối với những trường hợp trộm cắp tài sản của người khác mà thiệt hại không lớn hơn 2 triệu đồng thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Nhưng nếu lực lượng công an xã được đào tạo căn bản và làm hết trách nhiệm trong công việc của mình thì vụ việc lấy làm thí dụ trên đây đã đáp ứng đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm bởi hành vi có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp và được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến việc ra các quyết định ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh hơn đối với hai đối tượng vi phạm và răn đe các đối tượng khác.
Tuy nhiên thực tế không diễn ra như vậy, điều này nói lên điều gì?
Phải chăng việc bổ nhiệm các chức danh Trưởng, Phó công an xã ở cấp cơ sở không được chặt chẽ dẫn tới “có nơi có bí thư đoàn xã, chủ nhiệm hợp tác xã hay thậm chí có nơi, một anh kế toán xã… không hề có chuyên môn, nghiệp vụ gì về lĩnh vực pháp luật, an ninh trật tự… cũng được điều sang làm Trưởng, Phó công an xã - Thượng tá, Nhà giáo ưu tú Bùi Quang Vũ (Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I).
Cũng chính thượng tá Vũ đã cảnh báo “nếu không được đào tạo, bồi dưỡng đến nơi đến chốn thì nguy cơ công an xã mắc sai phạm trong công tác là rất cao”. (2)
Lời cảnh báo đã thành sự thực khi nghiệp vụ của một bộ phận các cán bộ trong ngành công an rất kém, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra.
Một mạng người không đổi được một mạng chó kể trên là một thí dụ.
Mọi người dân dù sống ở thành thị hay nông thôn thì đều có quyền được bảo vệ và bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Không thể đổ lỗi cho tình trạng “làm bậy” hay thiếu trách nhiệm trong xử lý tình huống của một số bộ phận công an xã là do không được đào tạo căn bản.
Nếu mạng sống của một con người nếu chỉ ngang hàng với sinh mạng của một con chó như hôm nay thì đã đến lúc đặt câu hỏi nghiêm túc rằng chúng ta đang sống ở thời nào?
Đọc con số thống kê "toàn quốc vẫn còn 1.915 Trưởng công an xã và dự bị, dự nguồn vẫn chưa được đào tạo chuẩn hóa, hơn 2 vạn công an xã chưa được huấn luyện" bạn có suy nghĩ gì không?
(1) http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Truong-CA-ke-lai-canh-hang-nghin-nguoi-vay-...
(2) http://www.phapluatvn.vn/phapluat/201210/May-anh-cong-an-xa-lam-bay-thuo...
------
http://rfavietnam.com/node/1644

An ninh Việt Nam và RFA


303914_294610687228500_835967159_305.jpg
Lần đầu tiên tôi chính thức nghe cơ quan an ninh Việt Nam nói đài Á Châu Tự Do (RFA) là “đài phản động” khi tôi trả lời phỏng vấn về việc mình bị câu lưu làm việc đến quá nửa đêm vào năm 2009, với lý do liên quan đến chuyện viết blog, in áo và phân phát áo thun với nội dung “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Stop bauxite – No China”, “Hãy giứ lấy màu xanh và an ninh cho Việt Nam”.


Cuộc phỏng vấn tôi lúc ấy do phóng viên Hà Giang thực hiện đã được cơ quan an ninh in ra để trở thành một phần hỏi – đáp trong quá trình làm việc tiếp theo. Tôi không thể cải chính hay giải thích gì giùm cho RFA khi bị cơ quan an ninh kết luận là phản động, tôi chỉ có thể nói với họ rằng: Nếu tôi nói gì sai thì hãy bắt bẻ và kết tội tôi, nếu tôi phản ánh đúng sự thật, dựa trên quan điểm của tôi, thì anh/chị không có quyền bắt tôi im lặng.
Có vẻ cơ quan an ninh rất quan tâm đến mối liên hệ của mỗi công dân Việt Nam với các phóng viên báo chí bên ngoài nên họ thường tìm hiểu lý do quen nhau, cách thức trả lời phỏng vấn… Và tôi đã chia sẻ rằng, với thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, việc tra hỏi về một mối quan hệ truyền thông thì thật là ngớ ngẩn, thế giới Internet là cầu nối mọi người với nhau cơ mà.
Sau đó lần đó, họ không bao giờ in bất kỳ bài trả lời phỏng vấn nào của tôi với đài RFA ra để hỏi nữa.
Với những gì đã trải qua, tôi nhận thấy rằng quan điểm phản động mà cơ quan an ninh Việt Nam dành cho các cơ quan báo chí truyền thông bên ngoài như RFA, BBC, RFI, VOA… chính bởi vì một nửa sự thật mà họ che giấu nay đã được công khai trên mặt báo chí, đài phát thanh trong các lĩnh vực nhạy cảm như dân oan, đàn áp tôn giáo, đàn áp quyền tự do ngôn luận… Và cũng vì lý do này hầu hết những người nắm vị trí lãnh đạo, điều hành các cơ quan chức năng trực thuộc hệ thống hành chính của nhà nước luôn e dè khi được các cơ quan báo chí kể trên phỏng vấn.

Một hình thức mới


308604_294610650561837_18432744_250.jpg

Qua vài năm trở lại đây, khi không thể kiểm soát được việc công dân tìm hiểu thông tin “ngoài luồng” trên Internet, thì việc vu vạ cho RFA là “đài phản động” dường như đã chuyển sang một hình thức mới. Đã xảy ra tình trạng gán ghép RFA là cơ quan phát ngôn của vài đảng phái ở hải ngoại, cũng như đã có chuyện “bỏ nhỏ” rằng một số phóng viên đang làm việc cho đài RFA là người của an ninh Việt Nam cài vào. Tôi ngồi nghe, xem và chứng kiến tất cả những điều đó rồi tự đi tìm cách để kiểm chứng sự thật cho riêng mình.
Trước khi quyết định trở thành một thành viên của RFA, tôi đã có một câu hỏi thẳng và ngắn với anh Nguyễn Khanh – Giám đốc Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do – để giải tỏa sự nghi ngờ trong lòng mình (và có lẽ cũng là sự nghi ngờ của nhiều người khác):
“RFA có phải là kênh thông tin riêng của đảng phái nào ở nước ngoài không?”
Và câu trả lời tôi nhận được là: “Không”
Nó hoàn toàn thỏa mãn tiêu chí của tôi rằng cơ quan truyền thông phải đứng độc lập để phản ánh sự thật mà người đọc, người nghe cần phải biết để tự đó có đánh giá, nhận xét của riêng mình.
Có người đã hỏi tôi rằng: “Liệu an ninh Việt Nam có gây khó khăn gì cho tôi khi tôi nhận lời xuất hiện chính thức trên RFA không?”
Tôi đã trả lời rằng: “Chuyện an ninh gây khó khăn cho người viết blog là chuyện có thật đã xảy ra hàng ngày ở Việt Nam, vì vậy cá nhân tôi không thể đánh giá được việc họ sẽ làm trong tương lai.”
Tôi chỉ có thể tin rằng: Viết blog, hay viết cho RFA là một trong những cách bày tỏ quan điểm, thái độ, và góc nhìn của cá nhân tôi với xã hội Việt Nam, và tôi có trách nhiệm với những gì mình viết.
Nếu bị gây khó dễ, bị “kiếm chuyện” vì những gì mình viết một cách công khai thì tôi hoàn toàn sẵn lòng, bởi qua đó, cơ quan an ninh Việt Nam đã giúp tôi chứng minh cho sự hiện diện của quyền tự do ngôn luận đã được quy định bởi Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với người dân trong nước và quốc tế.
Tôi không nghĩ rằng, Internet làm cho nhà nước Việt Nam phải sợ hãi, nhưng nguyên nhân chính là do sự hiện diện của Internet đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân trong nước, và thực sự họ không thích điều này.
Đến với RFA, tôi hy vọng mình có thể góp một phần nhỏ bé của mình trong việc độc lập truyền tải thông tin và sự thật đang diễn ra tại Việt Nam đến với nhiều người, nhất là cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, để từ đó chúng ta cố gắng và nổ lực hơn vì một Việt Nam tự do và phát triển thật sự.
Và tôi cũng hy vọng rằng một ngày không xa, tự do báo chí thực sự sẽ đến với Việt Nam, để cơ quan an ninh Việt Nam không còn coi RFA là thế lực phản động nữa.
Trân trọng cám ơn mọi sự khuyến khích và giúp đỡ cá nhân tôi trong việc cất tiếng nói của mình của tất cả mọi người.

http://rfavietnam.com/node/1633