Một vài chia sẻ góc nhìn của tôi khi bạn có thái độ chính trị ở Việt Nam



Với một số kinh nghiệm ít ỏi của mình, tôi viết bài viết này, tặng bạn bè tôi – những người trẻ, luôn khát khao được cống hiến cho sự thay đổi, cho tiến trình dân chủ, tự do tại Việt Nam đang phân vân khi muốn chọn cho mình một con đường.

Trước hết phải nói ngay từ đầu, tôi không phải là một người làm chính trị, vì thế để tránh được các cạm bẫy lắt léo trong trò chơi chính trị, tôi đã phải trả giá bằng chính tự do của mình, dù là nó ít ỏi và chẳng thấm tháp gì so với sự hy sinh của các anh chị đi trước, nhưng nó đã dạy tôi một điều rất thực tế rằng, phải học được cách bảo vệ mình trước khi muốn tìm đến với tự do dân chủ.

Với sự bùng nổ của thông tin số hiện nay, khoảng cách giữa người với người rút ngắn lại, mạng Internet trở thành nơi giao lưu, chia sẻ và bày tỏ thái độ của nhiều người. Vì thế việc tìm hiểu và kết bạn với những người có cùng quan điểm chính trị để chia sẻ đường lối và phương thức đấu tranh trở thành hình thức phổ biến. Thế giới blog, mạng xã hội trở thành nơi giao lưu trực tuyến của các quan điểm chính trị, và cũng trở thành nơi để nhiều người tìm kiếm bạn cùng chí hướng với mình. Nhiều tổ chức, đảng phái đã sử dụng mạng Internet để làm công tác tuyên truyền và kết nạp người cho mình.

Trong suốt quá trình làm việc với cơ quan an ninh, tôi luôn “được” gợi ý, gán ghép và chụp mũ về việc đi ra nước ngoài học hỏi với việc tham gia các khóa huấn luyện về đấu tranh bất bạo động của đảng Việt Tân. Và đây không phải là điều mà một mình tôi trải qua, nó là kết quả chung cho tất cả những người có thái độ chính trị rõ ràng tại Việt Nam có điều kiện đi du lịch tại Thái Lan, Philippines, Malaysia..


Chúng ta phải khẳng định rõ ràng với nhau rằng, việc tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kiến thức về đấu tranh bất bạo động là nhu cầu và là quyền không thể chối cãi của mỗi cá nhân. Vì vậy, nếu tổ chức (đảng phái) nào có điều kiện muốn phổ biến các kiến thức trên thì chỉ nên đáp ứng đúng nhu cầu đó.

Việc chọn mục tiêu (đối tượng) cho phương thức đấu tranh bất bạo động như thế nào, hãy để cho người học họ tự quyết định, đừng mặc nhiên mục tiêu là thể chế độc tài, là Cộng Sản như một mẫu số chung – đó mới là dân chủ.
Hơn nữa khi ban tổ chức rủ rê, mời mọc, dẫn dắt người học đấu tranh bất bạo động để đối đầu với đảng Cộng Sản, mà không nghĩ ra phương án bảo vệ họ, thì khác nào việc mở khóa học của anh đã và đang đẩy người ta vào chỗ chết.
Đó không phải là phương thức xây dựng nền tảng đấu tranh, đó là sự hy sinh nhân lực lãng phí.


Mỗi tổ chức, đảng phái có đường lối và cách hành động của riêng mình, tôi không bao giờ muốn đụng chạm đến việc đó, tuy nhiên, đã đến lúc phải đặt câu hỏi rằng: Khi một tổ chức, đảng phái chưa tìm ra phương thức để bảo vệ người của mình khỏi những bản án nặng nề của Cộng Sản thì việc mời gọi họ tham gia tổ chức phải chăng là một hình thức giết chết nhân lực dần dần?

Tôi lấy ví dụ cụ thể như sau:
Năm 2010, khi Đại hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam Thế giới (gọi tắt là DH6) được tổ chức tại Manila (Philippines) thì một anh luật sư mà tôi biết đã giới thiệu cho cậu em trai tôi thế này:
“Anh thấy đại hội đó được lắm, họ tổ chức rất hay, em đăng ký tham gia đi, anh sẽ giới thiệu”.
Tôi ngồi đó nghe và im lặng, đến khi cậu em trai hỏi ý tôi, tôi chỉ trả lời: “Em nên tìm hiểu kỹ về đại hội và cả ban tổ chức rồi lúc đó hãy quyết định cũng không muộn”.
Kết quả tôi được biết là có nhiều người đi dự DH6 lần đó về bị mời làm việc, bị thẩm vấn và cả bị bắt giam. Điều không rõ ràng mà tôi muốn nói ở đây là người giới thiệu DH6 với em trai tôi, đã không sòng phẳng khi không nói cho em ấy biết tổ chức đứng đằng sau đại hội này là ai, và sẽ có rắc rối gì nếu tham gia đại hội.


Một ví dụ khác: Một chị bạn học trên tôi một khóa ở trường Trung học Phổ thông, bị an ninh mời làm việc liên tục cả tháng trời, cuộc sống bị xáo trộn, gia đình bị sách nhiễu và chị bị mất công việc đang làm rất tốt, bởi vì có liên quan đến việc đi học đấu tranh bất bạo động ở Thái Lan. Khi tôi biết chuyện do chị tìm đến để chia sẻ về mặt tinh thần, chị nói nếu trước khi đi học biết rõ ràng như những gì tôi phân tích chị đã không tham gia.
Tôi đưa ra hai ví dụ trên không phải để lên án hay phê phán ban tổ chức và những người giới thiệu, mà tôi muốn nói rằng: để nuôi dưỡng tinh thần dân chủ, chúng ta phải sòng phẳng và thẳng thắn với anh em mình, phải cho họ biết họ đối diện với nguy hiểm gì, và để họ lựa chọn.
Đừng cư xử bằng cách chỉ cho họ biết một phần sự thật dựa trên nhiệt huyết của họ, để rồi có chuyện họ ít nhiều bị shock vì thấy ngỡ ngàng.


Đã là tổ chức , đảng phái thì luôn luôn sẽ có mục tiêu và chắc chắn là người tham dự phải bám lấy mục tiêu đó, không thể nào bước chệch ra khỏi nó.
Bên cạnh đó với tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, chưa hề có một sự chuẩn bị vững chắc nào cho nhận thức của cộng đồng với luận điệu tuyên truyền chụp mũ của nhà nước , điều này dẫn tới sự rủi ro, nguy hiểm khá cao nếu tôi có ý định tham gia tổ chức chính trị. Nói một cách khác, nhìn vào thực tế hiện tại, tôi không thấy mình có sự an tâm hay tin tưởng vào tổ chức nào để dấn thân vào đó.

Đây là lý do lớn nhất khiến tôi không chọn đảng phái để theo đuổi con đường tìm đến tự do, dân chủ của mình.


Có điều kiện tìm hiểu thông tin, có điều kiện tiếp xúc với thế giới, có cơ hội được nghe bạn bè chia sẻ về kinh nghiệm đấu tranh của họ, để từ đó có thể chọn lựa cách biểu thị thái độ chính trị của mình, tôi nghĩ mình là người khá may mắn khi có được nhiều anh em  bạn bè tốt, những người chưa bao giờ coi tôi là người khác biệt, và tôi luôn ghi nhớ lời một người bạn đã nhắc tôi:

“Có thái độ chính trị rõ ràng trong một đất nước bị điều hành bởi chế độ độc tài là điều đáng quý, nhưng quý hơn là phải biết làm sao để mình đừng trở thành dị biệt giữa xã hội đầy rẫy sự sợ hãi kia. Bởi sức mạnh của đám đông không đến từ việc chứng minh mình can đảm, mà đến từ việc ngày càng có nhiều người bớt sợ hơn vì thấy những việc bạn làm là hết sức bình thường. “

Cá nhân tôi cho rằng, trong mỗi con người đều có sẵn tính phản kháng đến lúc cần nó sẽ trở thành phản xạ bản năng. Trong môi trường chính trị độc đảng như Việt Nam thì công dân không có sự lựa chọn nào ngoài những phản ứng bất bạo động. Vì thế, mỗi người là một cuốn sách, một phương thức hành động bất bạo động mà không ai có thể dẫn dắt hay bắt chước nhau, bởi mỗi người có một vị trí một thế đứng.

Với bối cảnh hiện nay, những người ở Việt Nam dù tranh đấu cho dân chủ, tự do hay là chống lại đảng Cộng Sản đều nên ý thức rằng:
Sự dấn thân (lựa chọn) của mỗi chúng ta đều được (bị) xem là làm chính trị. Đây không còn là một cuộc chơi đơn giản nữa, nó có thể buộc chúng ta phải trả giá, phải hy sinh. Và tiếp cận với trò chơi này cũng có rất nhiều hình thái, và đặc biệt là có rất nhiều mối quan hệ được giăng ra mà trong đó vị trí là bạn hay là thù sẽ bị tráo đổi thường xuyên.

Vì thế để tránh tình trạng bị đem ra làm chốt thí. Mỗi người chúng ta nên:

1. Trang bị cho mình thật nhiều kiến thức bằng cách đọc, lắng nghe, đi tìm hiểu để tránh tình trạng phán xét và kết luận theo kiểu duy ý chí để từ đó có thể rèn luyện được khả năng nhận định sự việc một cách khách quan bằng chính năng lực bản thân mình chứ không phải do ai dẫn dụ.

2. Phải cân nhắc mức độ thiệt hai, nguy hiểm và khả năng ảnh hưởng (kết quả) của những việc làm của mình. Đi đường dài nên nhìn vào mục tiêu xa rộng chứ không phải chuyện chỉ có một ngày hai ngày.

3. Nên xác định mục đích rõ ràng của những việc mình làm là vì cái chung, vì bản thân mình mong muốn, vì nhu cầu chung của xã hội để chọn cách hành động và phản ứng thích hợp, tránh tình trạng đẩy mình vào thế chống đối, co cụm (bởi chỉ có một mục tiêu đối đầu với lực lượng an ninh). Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị cô lập, bị đàn áp.

Và cuối cùng là chúng ta phải luôn tự tin vào chính bản thân mình, bởi trong mọi trường hợp xấu nhất chỉ có bạn là người phải giải quyết mọi vấn đề (hậu quả) chứ không có một ai khác đảm đương cùng. Ta nghĩ như thế để luôn sáng suốt và bình tĩnh đón nhận mọi biến cố.

Mỗi người chúng ta có quyền lựa chọn, và để có được sự lựa chọn đúng đắn nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho mục tiêu của mình thì chính chúng ta phải được an toàn.


Lời cuối cùng, tôi thực sự biết ơn tất cả những bạn bè đã lắng nghe và tin tưởng khi cùng làm việc với tôi với tất cả sự quan tâm và thương yêu như anh em một nhà dành cho nhau dù lựa chọn của chúng ta không phải là đảng phái chính trị.

Điều 258 Bộ luật Hình sự & Lợi ích nhà nước



Ngày 2 tháng 9 năm 2009, tôi bị bắt khẩn cấp lúc nửa đêm sau hơn 1 tháng ròng rã làm việc với lực lượng an ninh từ Bộ Công an và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA38) tỉnh Khánh Hòa.

Hành vi được xem là cấu thành tội phạm của tôi lúc ấy là viết blog về các vấn đề chính trị - xã hội, và kêu gọi in áo, mặc áo với nội dung “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Stop Bauxite – No China”, “Hãy giữ lấy màu xanh & an ninh cho Việt Nam”.

Lý do tôi bị bắt khẩn cấp lúc đó là vi phạm điều 258 Bộ luật Hình sự:
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
  1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.


Trong suốt 9 ngày trời bị giam giữ, không một ai giải thích cho tôi biết lợi ích nhà nước được cho rằng tôi “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” của mình bị xâm phạm là gì.

Nội dung thẩm vấn chỉ xoay quanh chuyện ai xúi viết blog, ai xúi in áo, tham gia tổ chức này, tổ chức kia ra sao.


Lần mới đây nhất, ngày 22 và 23 tháng 5 năm 2013, sau gần 24 tiếng làm việc với an ninh tỉnh Khánh Hòa, về việc đã phân phát bản Tuyên ngôn Quốc  tế  Nhân quyền và bong bóng bay với dòng chữ “Quyền Con Người của Chúng Ta phải được tôn trọng”, tôi nhận một biên bản vi phạm hành chính, cũng về việc viết blog (facebook) theo điểm i, khoản 3, điều 7 của Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội: “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo kích động người khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”



Điều đáng chú ý ở đây, khi tôi phản đối quyết định đưa ra biên bản trên, ông Trần Đình Hải, trung tá Công an Thành phố Nha Trang đã nói rằng: Họ kết luận tôi vi phạm hành chính vì tôi nói xấu nhà nước, làm mất hình ảnh của nhà nước…

Và hôm qua, blogger Trương Duy Nhất đã bị bắt khẩn cấp cũng bởi điều 258 Bộ luật Hình sự.

Câu hỏi đặt ra ở đây, với những quy định (được diễn giải) trong điều 258, Việt Nam thực sự có tự do, dân chủ không?

Và lợi ích của nhà nước bị các bloggers quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội xâm phạm là gì?

Ông Trương Duy Nhất cũng như tôi và một số blogger khác đã chọn cách công khai danh tính, để thẳng thắn nói điều mình nghĩ, và đã bị xem là “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” của mình.

Tôi đã từng nói với lực lượng an ninh, nếu cho rằng tôi không có đủ điều kiện để tiếp cận đủ thông tin, để viết những điều mà ban tuyên giáo muốn báo chí viết, thì ít nhất cơ quan công an phải thừa nhận quyền được nói điều mình nghĩ của tôi, ở góc nhìn của một công dân, dù nó có thể đúng, hoặc có thể sai, nhưng ít nhất nó không bao giờ có thể gây tác hại thực sự bằng chính những người có trách nhiệm đang lãnh đạo/thực hiện.

Ngăn cấm chúng tôi nói điều mình nghĩ, chia sẻ ý kiến với cộng đồng là một trong những cách chặn đứng thông tin, bưng bít sai phạm, góp phần tạo điều kiện khiến xã hội thêm trì trệ, tệ nạn có chỗ hoành hành.

Lợi ích của nhà nước, người được thụ hưởng thực sự phải là công dân, trong đó có cá nhân tôi, chứ không phải là lợi ích của một nhóm người, một lực lượng đảng viên đảng Cộng Sản.

Lợi ích của nhà nước không thể được xây dựng và phát triển bằng việc bóp nghẹt quyền phản biện của mỗi công dân.

Điều cuối cùng không kém phần quan trọng, mà tôi muốn bạn bè đọc bài viết này hãy thử suy nghĩ xem phải chăng điều 258 của Bộ luật Hình sự sẽ là cái thòng lọng xiết chặt quyền tự do ngôn luận của chúng ta – những người đang sử dụng mạng xã hội (blog, facebook, twitter…) để nói lên tiếng nói của mình.

Giả sử cứ cho rằng việc ông Trương Duy Nhất bị bắt là do có sự đánh nhau giữa các phe phái trong nội bộ của Bộ Chính Trị, thì tác nhân ảnh hưởng sâu nặng nhất trong vụ bắt giữ lần này vẫn là những người viết blog trong lĩnh vực chính trị - xã hội.

Liệu chúng ta có dám chiến đấu để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình hay không?

Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc ấy.