NHỮNG NGÀY J YÊU DẤU

NGÀY J THỨ NHẤT: 3/09/2009

4h sáng
Thế là trời sáng, mình đã chợp mắt được khoảng 10 phút sau khi gục xuống bàn vì chịu không nổi. Mình được đề nghị là ra sân để đi loanh quanh một vòng cho tỉnh ngủ. có lẽ người làm việc với mình cũng không tỉnh táo hơn mình là mấy.
Mình cảm thấy đau nhói ở dạ dày, vậy là nó đã quay trở lại, bệnh đau bao tử, sau một đêm thức trắng.


6h30
Có người hỏi mình muốn ăn gì, mình đang đau, có lẽ bánh mì mềm và sữa nóng là thích hợp.
Mình không đói, chỉ thấy bụng đau nhói, mình sắp không chịu được nữa rồi thì phải.
Có một cuộc điện thoại, họ hỏi mình ai là người gọi, làm sao mà mình biết được? Có vẻ họ lúng túng vì không biết xử lý tình huống này thế nào thì phải? Họ hỏi mình, mình sẽ nói gì khi mình nghe điện thoại? Mình hỏi lại: “Vậy anh muốn em nói gì??”
Không biết giờ này có ai biết mình bị bắt chưa nhỉ?
Lại có điện thoại và cả tin nhắn nữa, họ lại đang bàn bạc về việc liệu có để mình nghe điện thoại hay không.
Sau này, khi được nhận lại điện thoại, mình phát hiện ra rằng, tất cả các tin nhắn và các cuộc gọi trong ngày 3 tháng 9 đều đã bị xóa sạch.
Thật là sáng ngời chính nghĩa.

7h30
Mình chịu không nổi những cơn đau này, đề nghị được nhai Malox để giảm đau và để tỉnh táo, có vẻ họ không tin là mình bị đau thì phải?
Kệ, mình đau và mình chỉ cần biết có thế.
Ăn sáng, nhai thuốc và ngồi đợi, mình nằm ngủ ngay trên ghế trong phòng vì không chịu nổi.
Có nhiều người đi ra, đi vô phòng, những người trẻ nhìn mình ái ngại.
Mệt và đau, mình chẳng cần quan tâm nữa.
Sự thật là mình vẫn không thể tin được là mình đã bị bắt.

10h30
Một phụ nữ trung niên và một người nữ trẻ hơn đến đưa mình sang khu trạm xá của công an để khám vì mình chịu không nổi.
Trên đường đi họ hỏi có phải mình đang mang thai hay không? Mệt đến nỗi không muốn trả lời..
Bác sĩ nhấn vào xung quanh bụng mình và hỏi tiền sử bệnh đau dạ dày.
Kết luận: có triệu chứng đau, nhưng chưa thấy dấu hiệu đau.
Mình muốn chửi thề quá đi mất bởi cái kiểu khám bệnh lạ đời này.
Đau dạ dày mà khám bằng tay và siêu âm.
Trở về khu vực công an tỉnh, mình đã bớt đau nhờ nhai 4 viên Malox.
Nhiều người bắt đầu tham gia thẩm vấn mình. Họ nói với mình đây không phải là thẩm vấn, vì họ tôn trọng mình.
Ừ, sao cũng được, một mình phải đối diện với rất nhiều câu hỏi của hai, ba người.
Họ muốn tranh luận một cách khoa học, nhưng hễ mình bắt đầu tranh luận là bị cắt ngang vì không đủ thời gian, và không phải lúc.
Ngộ nghĩnh thiệt.

Đến giờ ăn trưa, họ mua cơm hộp cho mình. Mình nghĩ là phải cố ăn một chút để lấy sức, nhưng sự thật là mình đang rất đau nên việc ăn uống giống như một gánh nặng. Tính ra từ sáng đến giờ, có khoảng 5 người đã tra hỏi mình, mình đã nhận đó là ý tưởng in áo và mặc áo thun phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên là của mình và mình phụ trách việc thực hiện ý tưởng đó.

Họ nói với mình rằng, việc khai thác bauxite là một chủ trương lớn và đúng đắn của đảng, chỉ riêng việc mình phản đối dự án đó và kêu gọi mọi người cùng phản đối là đã đủ kết tội mình vi phạm lợi ích quốc gia rồi. Họ nói, đảng và chính phủ cân nhắc từng phần của dự án, lợi ích của quốc gia được tính đến ở đây là của nhiều người chứ không phải một nhóm người. Ảnh hưởng đến nguồn nước, đến môi trường đó là phạm tù khoa học, hãy để các nhà khoa học chứng mình. Mình đã đưa dẫn chứng từ những lời cảnh tỉnh của các khoa học gia có uy tín, từ những bài viết trên mạng. Họ nói rằng, mình đã không biết cách chắt lọc thông tin, hay nói một cách văn vẻ là mình bị ngộ chữ.

Mình đang nghĩ, thông tin trên mạng thì đầy, người đọc và nhận định thông tin đó theo hướng như thế nào là tùy thuộc vào trình độ và tự do suy nghĩ của người đó.

Họ không thể là mình, và mình càng không thể là họ. Mình không kêu gọi họ suy nghĩ theo hướng của mình, vậy tại sao họ lại buộc mình phải nghĩ những gì họ nghĩ?

Đó không phải là tự do.

Một con người không thể tự do suy nghĩ và hành động theo ý tưởng của mình được hay sao?

Tại sao cứ nhất định phải có người chắt lọc thông tin và dẫn dắt đầu óc của mình??

Quan điểm về tự do của họ quả thật khác xa với mình, vậy có nên tiếp tục tranh luận hay không??

Mình đang mất tự do, và mình đang cân nhắc đến việc tranh luận về tự do với chính những người cho rằng họ có quyền quyết định tự do của nhiều người khác. Có phải là nực cười quá hay không???

14h00
Họ giải thích việc mình tham gia nhóm Người Việt Yêu Nước là sai trái sau khi trưng ra một số bằng chứng như anh A đã khai thế này, anh B đã khai thế kia.
Họ yêu cầu mình hợp tác, và họ nói rằng, nếu mình chối đây đẩy những việc đó thì mình thật là hèn nhát.
Mình cũng nghĩ mình phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Sự thật là mình có in áo, có phát áo và cũng có mặc áo. Hình ảnh cái lưng của mình đã được đưa lên Internet, mình không chối điều này, nếu mình chối, tự mình cũng cảm thấy mình thật là hèn.
Đây là lúc mình phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Mình quyết định sẽ giao nộp tiền quỹ in áo mà mình giữ.
Họ đề nghị gia đình đến gặp.
Mình đã được nhìn thấy mẹ, và mình đã chịu không nổi khi mẹ khóc. Chút cứng cỏi và lạnh lùng còn sót lại đã rơi đâu mất, mình thấy thật yếu đuối khi đứng trước mặt mẹ mình, cảm giác có lỗi với gia đình dâng lên khiến mình nghẹn lời.
Mẹ về. Họ làm việc với mình thêm một lúc nữa, rồi đưa ra quyết định tạm giữ 3 ngày. Cầm tờ quyết định trên tay, mình không thể tin được là mình chính thức bị vướng vào vòng tù tội.
Sáng giờ họ nói mãi với mình, tội của mình không nặng, chỉ cần mình hợp tác thì họ sẽ thả mình ra ngay. Mình không tin tưởng vào những gì họ nói, nhưng mình cũng đã hy vọng rằng, ít nhất với những việc mình làm không phương hại đến họ, và lương tâm của họ cũng sẽ cảm thấy là mình không có tội.
Mình đã lầm.
Họ nói mình không cần mang theo chăn màn vì ở trong trại tạm giữ có đầy đủ, và mình có mang theo tiền nên sẽ mua ở đó những gì cần thiết.

15h40
Xe đưa mình đến trại tạm giam công an tỉnh Khánh Hòa.
Mệt, đói và buồn ngủ khiến mình không còn tỉnh táo nữa.

16h20
Trại tạm giam - nhiều ánh mắt nhìn mình dò xét. Nhiều người chép miệng, tắc lưỡi khi nghe đến tội danh "xâm phạm lợi ích quốc gia” của mình.
Mặc kệ, mình đã quá mệt mỏi.
Trại tạm giam - nơi mà phẩm giá của con người là món hàng xa xỉ, không cần biết đã bị kết án hay chưa, khi bước chân vào trại thì những ứng xử của người với người sẽ không tuân theo quy tắc, chuẩn mực. Lịch sự, tôn trọng - hai từ này có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện trong từ điển của những người nơi đây. Giờ thì mình lờ mờ hiểu ra, vì sao những người phạm nhân khó có thể tái hòa nhập với cộng đồng, họ không chịu nổi và sẽ bị thay đổi hay mài mòn bởi ánh nhìn dè bỉu, thái độ khinh khi ngay những ngày còn ở trong tù.

Sau khi kiểm tra, lục soát đồ đạc, người ta cho phép mình mang theo bàn chải và một cái khăn mặt. Mình đi chân không vào phòng tạm giữ.

Một căn phòng khoảng 12m2, có một người ở trong đó, mình là người thứ hai.

Mệt mỏi và đói khát, mình ngủ ngay sau khi chào hỏi chị ở chung phòng.

Đêm đầu tiên trong tù đã trôi qua trong giấc ngủ không mộng mị.
--------------
NGÀY J THỨ HAI : 4/09/2009

Không biết là mấy giờ, mình đoán có lẽ khoảng 5-6 giờ sáng bởi nhìn theo ánh mặt trời hắt qua ô thông gió phía trên buồng giam.
Mình nằm nghĩ và vẫn không thể tin được là mình đang ở trong tù.
Mình không muốn suy đoán gì trong lúc này, bởi mình không thể biết chuyện gì sẽ sẽ xảy ra và mình tự nhủ, mình sẽ chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Mình không làm phương hại đến ai, không làm gì sai trái với lương tâm. Mình không có tội, mình phải bám lấy cái suy nghĩ này.

7h20
Có người đến gọi tên mình và bảo mình chuẩn bị "đi cung". Đây là một từ ngữ mới, đi cung, tức là đi ra ngoài làm việc với cơ quan an ninh điều tra. Có lẽ qua đợt này, vốn từ ngữ của mình sẽ trở nên phong phú hơn bởi một số từ “chỉ ở trong tù” mới có.
Ánh sáng chói chang và không khí thật trong lành, mình cảm nhận được điều này rõ ràng và gần gũi hơn bao giờ hết.
Có hai người đợi mình sẵn ở phòng trên lầu, lại tiếp tục làm việc.
Họ giải thích với mình rằng mình đã sai khi tham gia nhóm Người Việt Yêu Nước, điều này không được phép. Chưa kể đến việc mình in ấn và phân phát áo thun, đó là sai luật quảng cáo và tuyên truyền.
Họ đã nói với mình "Nếu có thành lập một chính phủ mới, thì những người như mình chắc chắn là sẽ không có chân trong đó". Cha mẹ ơi, mình không biết phải trả lời sao ngoài một nụ cười. Bởi những điều họ nói nó khiến mình nghĩ đến giọng văn trào phúng của Azít Nêxin quá.
Mình đang sống, đang thở và mình yêu bầu không khí đó. Mình muốn nó xanh tươi và đẹp đẽ, mình muốn con mình và thế hệ sau mình cũng như thế, nên mình phản đối dự án khai thác bauxite, chứ nó liên quan gì đến chính phủ mới nhỉ? Họ đang đề cao hay cười nhạo mình vậy ta???
Phản đối việc khai thác bauxite thì liên quan gì đến Hoàng Sa - Trường Sa?
Mình phải giải thích cho họ bao nhiêu lần nữa là tất cả có liên quan đến nhau bởi yếu tố NO CHINA nhỉ??
No China không có nghĩa là bài Hoa, nó là tiếng nói của những người Việt không cam chịu làm nô lệ. Ai cũng thấy Trung Quốc nó thâm hiểm, nó tàn ác, vậy tại sao mình không được quyền công khai ghét bỏ nó??
Khôn ngoan và khéo léo trong ngoại giao như họ nói, với mình, điều đó không đồng nghĩa với việc im lặng và cúi đầu trước sự ngang ngược.
Mình bắt đầu thấy mệt mỏi, bởi trong các cuộc tranh luận, mình luôn luôn bị cắt ngang bởi những lý do đại loại như : chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này vào một dịp khác, chúng ta không có thời gian....
Thật sự, bây giờ đây, mình ngồi đây và vẫn không thể nào tìm ra được câu trả lời cho việc họ cho rằng mình đã bị lôi kéo, lợi dụng.
Bởi thật sự nếu có một thế lực thù địch nào đó, hẳn nhà nước phải cám ơn họ vì đã để mình và nhiều người trẻ khác thức tỉnh với lòng yêu nước và sự quan tâm đối với môi trường xung quanh mình.
Tất cả sự vật đều có sự liên quan đến nhau không nhiều thì ít, vậy tại sao họ lại đang cố tách rời nó và buộc mình cũng phải nghĩ như họ.

11h30 :
Bụng đau nhói, mình nhớ ra là từ tối qua đến giờ mình chưa ăn gì. Mình yêu cầu được ăn cháo, nhưng không có, bởi đã quá giờ yêu cầu thức ăn trong trại tạm giam.
Họ hẹn mình buổi chiều sẽ có cháo.

12h00 :
Về phòng giam, mình cố ngủ sau khi trao đổi với chị ở cùng phòng. Chị ấy động viên mình rất nhiều, và chị rất ngạc nhiên với tội danh "xâm phạm an ninh quốc gia" hay nói theo ngôn ngữ của chị ấy là tội "chống Trung Quốc" của mình. Chị nói, ở trại tạm giam này không án kinh tế thì là án ma túy, hay án trộm cắp, tội của mình chắc mới có lần đầu quá.
Mình nghĩ, đây là phản ứng của rất nhiều người mà mình gặp. Gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày là những nỗi lo trước mắt khiến con người ta quên đi quyền tự do, quyền đòi hỏi của mình.
Tại sao mình phải trả tiền để mua sắm những thứ hàng hóa độc hại từ Trung Quốc? Ngoài lòng tham của những người kinh doanh, còn phải tính đến trách nhiệm của những người cho phép nhập khẩu các loại hàng trôi nổi vào Việt Nam nữa.
Người Việt mình quả thật là hiền, họ chấp nhận cuộc sống như nó đang diễn ra mà không bao giờ tự đặt ra câu hỏi vì sao?? Có phải vậy không??
Có lẽ, lý do này chỉ có vai trò khoảng 50%, phần còn lại là do thiếu kiến thức, thiếu thông tin, bị đè nén và kìm kẹp nên đâm ra chấp nhận.
Có phải vậy không???
Tự nhiên mình có cảm giác không nên phung phí niềm tin của mình ở chốn này. Quan điểm của mình trước giờ là hãy sống và tin tưởng, bởi nếu không có lòng tin, cuộc đời sẽ toàn gam màu tối. Nhưng lần này thì khác, mình có cảm giác phải cẩn thận và đề phòng với người bên cạnh.
Quả thật, có ở trong tù mới biết, không chỉ có khảo cung, ép cung, mà những hình thức mớm cung, dụ cung và dọa cung còn ghê gớm hơn nhiều.
Họ tách bạn ra khỏi gia đình, và lâu lâu lại nhắc về tổ ấm của bạn như một sự cảm thông, chia sẻ.
Họ động viên bạn “thành khẩn, hợp tác” để nhanh chóng được trở về với gia đình.
Lúc này, bạn dễ dàng quên mất là mình không có tội, bởi chưa bị kết án.
Bạn đang cô đơn và hoảng loạn bởi sự thay đổi môi trường sống quá đột ngột, bạn cần được cảm thông.
Tất cả - đó là những cái bẫy.
Mình bây giờ giống như một người đang lạc giữa một rừng bẫy, nếu không cẩn thận, bẫy sập, không ít thì nhiều mình cũng sẽ bị thương.

1h30 :
Lại làm việc, lại xoay quanh vấn đề hội nhóm và động cơ của mình.
Mình đã nói : những gì mình làm là hoàn toàn không vụ lợi. Họ không tin mình đâu, bởi theo lời họ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức những người có sự nghiệp, học vấn, tiếng tăm đều bị danh vọng và quyền lực dẫn đường và thôi thúc. Họ cho rằng mình cũng như vậy thôi.
Tại sao họ luôn thăm dò nhận định của mình về những người này nhỉ?
Mình và những người này có duy nhất một điểm chung là đang phải trả giá cho sự ngây thơ và tin tưởng vào động cơ trong sáng của lương tâm mình.
Nếu gặp ai họ cũng hỏi về những người như Định, như Trung, phải chăng họ sợ sức mạnh của sự ảnh hưởng tinh thần từ những người này không??
Hết một buổi chiều, mình đã trải qua ngày thứ hai xa gia đình.

16h00 :
Trong phòng giam, vẫn không có cháo, mình chỉ ăn được một muỗng cơm rồi thôi. Mình trao đổi với chị cùng phòng về cuộc sống, về ước mơ, về ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Hôm nay mình nghiệm ra rằng, cuộc sống là nhiều gánh nặng, hay nói một cách khác, cuộc sống có rất nhiều thập giá
Chẳng hiểu chị có nghĩ được những gì mình nghĩ hay không, nhưng chị rất nhẹ nhàng với mình. Điều này làm mình giảm bớt lo lắng và thoải mái hơn.
Đêm ở trại giam thật yên tĩnh, không biết giờ này ở nhà Nấm làm gì nhỉ? Mọi người chắc là đang lo lắng và hốc hác đi vì mình.
Không dám nghĩ tiếp nữa.
Mình bắt đầu cầu nguyện, xin được bình an và tín thác mọi việc vào tay Chúa.
---------------
NGÀY J THỨ BA : 05/09/2009

7h30 :
Hôm nay, nếu mình nhớ không lầm là ngày khai giảng. Ở ngoài giờ này mọi người đang làm gì nhỉ? Mấy đứa nhỏ chắc là xúng xỉnh chuẩn bị quần áo đến trường. Mình không muốn nghĩ đến những điều này, phải thật tập trung và tỉnh táo. Mình đang ở trong tù.
Có người đến đưa mình "đi cung".
Lần này mình được ra ngoài trại giam, về lại công an tỉnh.
Họ bắt đầu hỏi mình về mối quan hệ với báo chí, mình quen ai, ai là người đứng sau lưng mình nếu mình bị bắt, ai trong gia đình là người sẽ thay mình trả lời phỏng vấn báo chí...???
Làm sao mình trả lời họ được khi chính mình đến giờ cũng không tin được làm mình đã bị bắt, làm sao mình có sự chuẩn bị khi mình không hề nghĩ đến việc như thế này?

Có vẻ họ không hài lòng. Mình chịu thôi.
Họ hỏi mình về chị Hà Giang - phóng viên đài RFA - người đầu tiên đã thực hiện cuộc phỏng vấn lúc mình bị PA38 mời đi làm việc vào tháng 7.
Họ hỏi mình về một người nào đó nói tiếng Pháp, làm cho RFI hay tổ chức nào đó.
Mình không biết người này, mãi đến sau này mới phát hiện ra, họ đã nghe điện thoại của mình lúc mình rời công an tỉnh và người này đã gọi vào số máy của mình. Họ đã xóa toàn bộ những chi tiết này khi trao trả điện thoại cho mình, bởi khi kiểm tra máy, mình nhận ra những cuộc gọi lúc mình có mặt tại phòng thẩm vấn đã không còn trên máy.

Họ bảo : mình sẽ được gặp mẹ, gặp chồng và gặp Nấm, với điều kiện mình phải động viên gia đình không được trả lời báo chí nước ngoài.
Mình không đồng ý, bởi mình không biết chuyện gì đang xảy ra ngoài kia.
Mình lại càng không muốn gặp Nấm lúc này, bởi nếu gặp con rồi phải quay trở lại trong trại giam, mình sẽ tạo ra một vết cắt thật sâu trong lòng con và cả trong lòng mình.

Mình không chịu nổi điều này đâu.

Họ hỏi mình Nấm được mấy tuổi, và mình trả lời, ngày 28 tháng 10 tới đây Nấm tròn ba tuổi.
Mình không hề đá động gì đến việc Nấm chưa tròn 36 tháng, bởi mình không muốn đem con ra làm lá chắn. Những gì mình đã làm thì mình sẽ chịu trách nhiệm.
Những người viết ra luật và cố tình lách luật thì hãy để lương tâm của họ tự vấn.

Sao mà mình cảm thấy khó chịu mỗi khi có ai nhắc đến Nấm với mình quá. Không ai thấy nhục, thấy hèn kém khi làm thế với mình hay sao?

Mình có chống đối họ đâu?

Việc mình từ chối gặp gia đình dường như khiến họ ngạc nhiên.

Có một người đã nói là mình khẳng khái. Mình không nghĩ là ông ta khen mình, bởi tiếp theo câu đó ông ấy nói rằng ông ấy nghĩ mình sẽ không hạnh phúc, bởi một người phụ nữ có cá tính như mình thường rất khó có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Điều này làm mình khó chịu, nhưng mình không tranh luận. Thứ nhất, ông ta là một người lớn có thể quan điểm về hạnh phúc của ông ta khác mình. Thứ hai, quan điểm về vai trò và chức năng của người phụ nữ trong gia đình của những người ngồi đối diện mình cũng khác mình. Không nên mất thời gian tranh luận khi biết chắc là nó sẽ chẳng đi đến đâu.

Họ khen chồng mình là một người hiền lành và hiếm có.

Họ khuyên mình nên làm tròn bổn phận của một người vợ.

Bổn phận ở đây là như thế nào?

Họ có sống cuộc sống của mình không? Có chăm sóc và nuôi nấng gia đình mình không?

Họ là ai mà cho mình cái quyền quyết định thay cuộc sống của một người khác nhỉ??

Hạnh phúc tùy thuộc vào cảm quan và đánh giá của từng người, thế mới có câu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" chứ.

Mình đề nghị họ không nhắc đến gia đình mình, bởi đó là khía cạnh riêng tư.

Thật lòng là mình muốn nói cho họ biết, việc họ gửi giấy mời, tra hỏi chồng mình trước khi bắt giam mình cũng là một nguyên nhân khiến mình và chồng mình khó gần nhau hơn.

Bởi xét trên thực tế, mình trên 18 tuổi, sức khỏe bình thường, không hề có dấu hiệu tâm thần, tại sao lại bắt chồng mình phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành vi của mình nhỉ???

Họ nói với mình là họ đã tiến hành đúng trình tự công việc.

Mình không muốn tìm hiểu thứ gọi là trật tự của họ. Mình cho rằng họ khiến mình thấy phiền, và mình cũng cho rằng họ đang đem công việc của chồng mình ra để dọa mình.

Họ có hỏi han đến việc ăn uống trong trại giam của mình, và họ tỏ vẻ bất ngờ vì mình không có chăn màn để ngủ, không có cháo để ăn theo yêu cầu.

Rồi họ giải thích là mỗi cơ quan có một cơ cấu và cách làm việc khác nhau.

Giờ thì mình bắt đầu hiểu ra cái cơ cấu đó, ai nói cứ nói, còn làm hay không thì tùy hoàn cảnh.

Mình chợt nghĩ đến việc phải những nhìn những gì họ làm thay vì tin vào những gì họ nói.

Mình bắt đầu cân nhắc đến việc đối mặt với họ, bởi thực sự là mình không biết mình sẽ bị giam cho đến lúc nào.


16h00 :
Họ đưa mình trở lại trại giam. Chị ở chung phòng vẫn đang đợi cơm mình, vẫn chưa có cháo, và mình ăn được hơn nửa chén cơm. Có vẻ mình đã đỡ đau vì hai đêm gần đây đã ngủ được.

Mình nói chuyện với chị khá nhiều, nhưng mình nghĩ là chị sẽ không hiểu được những gì mình nói. Mình bắt đầu bày tỏ với chị lý do mình phản đối sự có mặt của Trung Quốc ở Việt Nam từ việc chỉ ra sự gian dối, tàn ác khi những món hàng Trung Quốc đang âm thầm tàn phá sức khỏe của dân mình, khi nông sản của Trung Quốc tràn ngập thị trường làm phá giá và ảnh hưởng đến dân mình.

Ai là người chịu trách nhiệm về những chuyện đó??

Và nếu người dân không có thông tin đầy đủ về xuất xứ và độ an toàn của sản phẩm thì ai phải trả lời cho những tổn hại về sau??

Hai chị em đã nói chuyện rất nhiều, cuối cùng thì chị cũng đồng ý với mình là Trung Quốc nó ác.

Đêm ở trại giam sao mà dài dằng dặc.

Ở nhà, mình chỉ cần xem ti vi hay ngồi máy tính một lúc là đã đến giờ ngủ, còn ở đây, mình nói chuyện, mình ngủ, mình giật mình vài lần mà trời vẫn chưa sáng.

Hôm nay trời mưa nên chỗ nằm của mình lạnh quá may mà chị cho mình nằm ké mền, nếu không chắc mình chịu không nổi.

Mình vẫn chưa được đem gì vào phòng giam ngoài một bộ đồ ngắn.

Ngày thứ ba mình xa gia đình.

(CÒN TIẾP)

----
Bài có liên quan: Ba Năm Tròn

1 comments:

  1. Cảm ơn bạn đã chia sẽ thông tin hữu ích.
    …………………………………………………………………..
    Cửa hàng bán nhung hươu nai uy tín số 1 tại TPHCM

    ReplyDelete